Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 07 tháng 10 năm 2024,
Truy quét tận gốc SIM rác
Hữu Tuấn - 08/04/2023 08:06
 
Việc xử lý SIM rác là công đoạn cuối của cuộc chiến truy quét SIM rác mà Bộ Thông tin và Truyền thông đang ráo riết thực hiện.

Qua nhiều đợt chuẩn hóa và đối soát thông tin thuê bao, đến tháng 2/2023, chỉ còn 3,84 triệu SIM mà nhà mạng xác định phải chuẩn hóa thông tin. Sau khi các nhà mạng áp dụng cắt liên lạc với thuê bao, đến ngày 5/4, chỉ còn dưới 1,5 triệu SIM chưa chuẩn hóa thông tin. Thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông hồi tháng 10/2022 cho thấy, có tới 5.710 cá nhân sở hữu hơn 100 SIM và 261 cá nhân sở hữu hơn 1.000 SIM trên cả nước.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, thời gian qua, hoạt động mua bán SIM rác vẫn diễn ra phổ biến, thuê bao điện thoại có đầy đủ thông tin cá nhân, nhưng không do chính chủ sử dụng. Nhiều doanh nghiệp, cá nhân đứng tên đăng ký sở hữu hàng ngàn SIM, nhưng không rõ mục đích sử dụng, không phù hợp với nhu cầu thực tế hay số lượng nhân viên hiện có, dẫn đến tình trạng bùng phát các cuộc gọi quấy rối, khủng bố đòi nợ, lừa đảo, bôi nhọ, xúc phạm gây mất trật tự, an toàn xã hội, nhiều người dân bị thiệt hại về tài sản. 

Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, quá trình xử lý SIM rác chia thành 3 công đoạn: đảm bảo toàn bộ thuê bao có thông tin, đảm bảo thông tin chính xác bằng việc đối soát với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và xử lý tình trạng sim không chính chủ. Sau khi hoàn thành chuẩn hóa thông tin là thời điểm để quét nốt SIM rác.

Ngày 5/4, Bộ Thông tin và Truyền thông đã gửi công văn tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị phối hợp chỉ đạo triển khai đợt thanh tra diện rộng hoạt động đăng ký, lưu trữ thông tin thuê bao trên phạm vi toàn quốc từ ngày 5/4/2023 đến 5/6/2023. 

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng gửi công văn yêu cầu các sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai đợt thanh tra diện rộng hoạt động quản lý, đăng ký, lưu trữ thông tin thuê bao trên địa bàn quản lý của sở. Cụ thể là thanh, kiểm tra các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đăng ký sử dụng số lượng SIM điện thoại lớn, có dấu hiệu bất thường.

Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu thanh tra diện rộng quản lý thông tin thuê bao di động của các doanh nghiệp viễn thông di động tại địa phương gồm Viettel, VNPT, MobiFone, Vietnamobile, MOBICAST, Đông Dương Telecom, Công ty cổ phần Viễn thông ASIM và cả các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông đăng ký thông tin thuê bao lớn, có dấu hiệu vi phạm.

Bên cạnh đó, sẽ thanh, kiểm tra các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông trên địa bàn thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với số lượng SIM lớn nhất. Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, sẽ đề xuất xử lý người đứng đầu nhà mạng nếu để sai phạm về quản lý thuê bao trong lần thanh kiểm tra này.

Theo ông Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2022, Thanh tra Bộ này đã kiểm tra các nhà mạng về thực hiện quy định quản lý thông tin thuê bao trả trước và tiến hành xử phạt tất cả nhà mạng sai phạm. Sau đó, Bộ đã có văn bản nhắc nhở lần 2 đối với các doanh nghiệp viễn thông vi phạm. 

“Nếu nhà mạng không tuân thủ quy định về quản lý thông tin thuê bao di động, Bộ Thông tin và Truyền thông phải có văn bản nhắc nhở lần 3, sau đó sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ và cơ quan chủ quản của các doanh nghiệp. Hiện Bộ không quản lý trực tiếp nhân sự của các doanh nghiệp viễn thông, nhưng sẽ gửi văn bản đến cơ quan chủ quản trên tinh thần xử lý người đứng đầu các doanh nghiệp”, ông Long cho biết.

Làm thế nào để mở lại thuê bao di động bao sau khi bị khóa số vì chưa chuẩn hóa thông tin?
Để không bị khóa sim 2 chiều và bị thu hồi số điện thoại, các nhà mạng khuyến cáo khách hàng cần nhanh chóng chuẩn hóa thông tin theo hướng dẫn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư