Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
TS. Lương Minh Thắng, Nhà nghiên cứu cấp cao tại Google DeepMind: Khát vọng đưa Việt Nam lên bản đồ AI thế giới
Kỳ Thành - 15/02/2024 08:43
 
Hỗ trợ các tài năng trẻ Việt Nam vươn tầm quốc tế, đưa Việt Nam lên bản đồ AI thế giới, góp phần xây dựng trung tâm công nghệ “Silicon Valley” tại Việt Nam, là điều được TS. Lương Minh Thắng coi như sứ mệnh của mình để tri ân mảnh đất quê hương.
TS. Lương Minh Thắng, Nhà nghiên cứu cấp cao tại Google DeepMind.

Tiến sĩ trẻ say mê với trí tuệ nhân tạo

Nhiều năm trước, khi 18 tuổi, chàng du học sinh Lương Minh Thắng mang theo niềm đam mê công nghệ thông tin rời quê hương để tới Đại học Quốc gia Singapore, theo học ngành khoa học máy tính.

Tháng 12/2023, TS. Lương Minh Thắng, dù rất bận rộn với công việc chính là Nhà nghiên cứu cấp cao tại Google DeepMind, đồng sáng lập Viện New Turing, vẫn sắp xếp thời gian bay về Việt Nam tham gia trao đổi tại buổi làm việc với Chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn NVIDIA Jensen Huang tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia - cơ sở Hòa Lạc, do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì.

“Tôi đam mê công nghệ thông tin từ rất sớm, làm về deep learning (học sâu - một chức năng của trí tuệ nhân tạo) hơn 10 năm và rất tự hào về công việc của mình”, anh Thắng chia sẻ với Báo Đầu tư.

TS. Lương Minh Thắng được biết tới là một trong những người Việt khởi nghiệp nổi bật tại Thung lũng Silicon và từng được Forbes bình chọn vào danh sách 30 người trẻ dưới 30 tuổi nổi bật nhất tại Việt Nam (30 Under 30) năm 2018, khi anh 30 tuổi.

Từng là học sinh chuyên toán Trường phổ thông Năng khiếu Đại học Quốc gia TP.HCM, sau khi tốt nghiệp cấp 3, Minh Thắng học ngành Khoa học máy tính tại Đại học Quốc gia Singapore. Tại đây anh bắt đầu nghiên cứu về máy học và ngôn ngữ tự nhiên (natural language processing). Lương Minh Thắng được giữ lại làm trợ lý nghiên cứu tại trường cho đến năm 2011 nhận được học bổng tiến sỹ Đại học Stanford, Hoa Kỳ.

Tại Stanford, Lương Minh Thắng được hướng dẫn bởi Giáo sư Christopher Manning. Ông là giáo sư hàng đầu trong lĩnh vực ứng dụng deep learning vào xử lý ngôn ngữ tự nhiên. Mục đích nghiên cứu của ông là giúp máy tính xử lý thông minh, hiểu và tạo ra dữ liệu ngôn ngữ con người. Cũng đi theo hướng này, mục đích của Lương Minh Thắng là dạy máy cách đọc hiểu văn bản có thể tóm tắt nội dung và trả lời câu hỏi chính trong đoạn văn.

Tháng 9/2016, TS. Lương Minh Thắng chính thức “đầu quân” về làm việc tại Google Brain với chuyên môn nghiên cứu về máy học, xử lý ngôn ngữ tự nhiên. Anh là người Việt duy nhất trong nhóm nghiên cứu chủ chốt về mô hình Parti (Pathways Autoregressive Text-to-Image) - tự chuyển văn bản thành hình ảnh tại Google Brain. Ngôn ngữ thường dùng trong giao tiếp của con người, nhưng nếu ứng dụng công nghệ để tạo ra các bức ảnh, tranh sáng tạo thì có thể coi là bước tiến mới của trí tuệ nhân tạo (AI).

Đến nay, TS. Lương Minh Thắng nắm giữ trong tay hơn 50 bài nghiên cứu, 18.000 trích dẫn và hơn 15 bằng sáng chế. Anh cũng là tác giả đoạn code được phát hành công khai nhằm khuyến khích những nhà lập trình khác trên toàn thế giới tự xây dựng chương trình dịch máy tự động.

Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong lĩnh vực AI. Điều quan trọng là tạo sân chơi, truyền cảm hứng để các bạn trẻ có những ý tưởng táo bạo, dám làm những điều lớn hơn, đưa AI Việt Nam vươn tầm thế giới.

Đặc biệt hơn, cùng với các cộng sự là những chuyên gia người Việt có chung niềm đam mê, TS. Lương Minh Thắng đã đồng sáng lập VietAI - một tổ chức phi lợi nhuận với sứ mệnh xây dựng cộng đồng các chuyên gia AI đẳng cấp thế giới và thế hệ tài năng AI tiếp theo tại Việt Nam. Tổ chức này đã đào tạo ra hơn 1.000 kỹ sư AI chất lượng cao. Trong số đó, 3 kỹ sư do VietAI đào tạo đã trở thành Chuyên gia phát triển Google về học máy đầu tiên tại Việt Nam.

Đây cũng là bước khởi đầu để anh và các cộng sự tiếp tục cho ra đời Viện New Turing (New Turing Institute - doanh nghiệp xã hội “đào tạo và truyền cảm hứng cho thế hệ tài năng AI tiếp theo ở Đông Nam Á và hơn thế nữa”. Dự án được kỳ vọng sẽ ngày càng phổ biến hơn nữa khi được hỗ trợ bởi VietAI. Hiện tại, Viện New Turing đang mở các chương trình đào tạo cho những người có đam mê về AI, các start-up có mục tiêu áp dụng AI trong công việc, với sự hướng dẫn của những kỹ sư, chuyên gia AI hàng đầu trên thế giới.

“Mong muốn của tôi là tạo ra một sân chơi để mọi người xích lại gần nhau, cùng thảo luận những công nghệ AI tiên tiến nhất. Đồng thời, hỗ trợ các tài năng trẻ của Việt Nam vươn tầm quốc tế, đưa Việt Nam lên bản đồ AI thế giới”, anh Thắng nói.

Các chuyên gia AI nhận định, lĩnh vực này thay đổi rất nhanh. Sau giai đoạn phát triển nóng, cơn sốt AI tạo sinh có thể giãn ra, nhưng chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển. Vì vậy, Viện New Turing thời gian gần đây đã triển khai một số khóa học về AI tạo sinh (Generative AI) với mục tiêu “Chatbot for everyone” để ai cũng có thể học và tham gia vào ngành này.

Theo TS. Lương Minh Thắng, các bạn trẻ Việt Nam rất thông minh, chăm chỉ học tập và Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong lĩnh vực này. Điều quan trọng, theo anh Thắng, đó là làm sao truyền cảm hứng cho các bạn, tạo sân chơi, nơi các bạn cùng nhau học tập, cùng nhau nghĩ ra những ý tưởng táo bạo, dám làm những điều lớn hơn.

“Đã có hơn 1.000 người đăng ký theo học AI tạo sinh và tôi hy vọng đến năm 2030, Việt Nam sẽ có khoảng 100.000 kỹ sư AI chất lượng cao, đưa Việt Nam lên top khu vực và thế giới”, anh Thắng kỳ vọng.

Phát huy vai trò “cầu nối thành công”

TS. Lương Minh Thắng, giống như nhiều kiều bào Việt Nam khác, dù sinh sống ở quốc gia, vùng lãnh thổ nào, cũng luôn hướng về Tổ quốc. Vì vậy, không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ những kỹ sư, tài năng trẻ trong lĩnh vực AI, anh còn đặt cho mình những mục tiêu lớn lao hơn.

“Nhiệm vụ lớn hơn” mà Lương Minh Thắng đặt ra cho mình, đó là tham gia xây dựng một “Thung lũng Silicon” - trung tâm công nghệ cho Việt Nam. “Để làm được điều này, cần sự chung tay của Chính phủ và cả các doanh nghiệp. Tôi cảm nhận được sự quyết tâm của Đảng và Chính phủ Việt Nam”, TS. Lương Minh Thắng chia sẻ.

Niềm tin đó, có lẽ cũng là lý do để TS. Lương Minh Thắng cùng vợ, chị Wendy Nguyễn - người được mệnh danh là “nữ tướng khởi nghiệp”, về Việt Nam nhiều hơn để thực hiện những dự án với mong muốn giúp Việt Nam phát triển khoa học - công nghệ.

Là thành viên của Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Hoa Kỳ - một sáng kiến của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhằm kết nối các nguồn lực trí thức vô hạn của người Việt được đào tạo tại các quốc gia có nền khoa học công nghệ tiên tiến, TS. Lương Minh Thắng và chị Wendy Nguyễn cho biết, họ cảm nhận được sự cởi mở, gần gũi của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng với cộng đồng start-up. “Bộ trưởng luôn kêu gọi các bạn về Việt Nam đóng góp, cùng tham gia với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia - NIC để chung tay xây dựng Việt Nam”, TS. Lương Minh Thắng kể.

Niềm tin của TS. Lương Minh Thắng còn được củng cố hơn nữa, sau sự kiện Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm Đại học Stanford, nhân dịp tham dự Tuần lễ cấp cao APEC 2023 tại Hoa Kỳ tháng 11/2023.

Theo TS. Thắng, đây là cột mốc lịch sử, khi lần đầu tiên, nhóm các du học sinh, nghiên cứu sinh người Việt Nam được Đại học Stanford vinh danh và được lên báo của Trường.

Chị Wendy Nguyễn kể, trước khi tới, Chủ tịch nước dự kiến dành bài phát biểu đầu tiên ở Hoa Kỳ tại Tuần lễ cấp cao APEC 2023.

“Nhưng Chủ tịch nước đã thay đổi quyết định vào phút chót, quyết định phát biểu tại Đại học Stanford. Quyết định đó rất ý nghĩa, cho thấy sự ủng hộ của Chủ tịch nước với những người Việt trẻ đang học tập, làm việc tại Hoa Kỳ. Điều đó khiến chúng tôi vô cùng tự hào và gian phòng buổi làm việc trở nên ấm cúng, thân tình hơn”, chị Wendy nói.

“Chủ tịch nước vinh danh tôi và những anh chị em người Việt khác là cầu nối cho quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ, đồng thời cam kết sẽ tạo mọi điều kiện để chúng tôi trở thành những cầu nối thành công. Đó là tín hiệu rất tích cực từ Nhà nước và Chính phủ, tạo động lực để chúng tôi vượt qua những khó khăn, phát huy thật tốt vai trò cầu nối đó”, TS. Lương Minh Thắng bày tỏ.

Nhân lực là mấu chốt để Việt Nam hiện thực hóa giấc mơ bán dẫn
TS. Sadasivan Shankar (Đại học Stanford, Hoa Kỳ) chia sẻ về lợi thế cũng như khuyến nghị để Việt Nam nắm bắt cơ hội tham gia chuỗi cung ứng bán...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư