Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
TS. Nguyễn Sỹ Dũng: Mô hình nhà nước kiến tạo phát triển là tối ưu cho Việt Nam
Hà Nguyễn - 19/09/2019 15:00
 
Ông Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, dù nhắc nhiều đến việc xây dựng mô hình nhà nước kiến tạo phát triển, nhưng trên thực tế, Việt Nam lại đang hành xử như mô hình điều chỉnh.
.
TS Nguyễn Sỹ Dũng.

Tại phiên thảo luận về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập, ông Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, để trả lời được câu hỏi cải cách thể chế như thế nào thì quan trọng nhất là lựa chọn mô hình thể chế.

“Các mô hình thể chế đưa lại thành công và thịnh vượng không thiếu ở trên thế giới. Vấn đề là phải lựa chọn cho được mô hình phù hợp với Việt Nam”, ông Nguyễn Sỹ Dũng nói.

Cũng theo ông Dũng, thì do là một nước có nền tảng văn hóa của Đông Bắc Á, mô hình nhà nước kiến tạo phát triển có thể là “tối ưu cho Việt Nam”.

Trên thực tế, thời gian gần đây, Việt Nam cũng đã lựa chọn mô hình nhà nước kiến tạo phát triển. Tuy nhiên, điều “đáng băn khoăn”, theo ông Dũng, là những cố gắng của Việt Nam gần đây lại có vẻ đang đi chệch khỏi mô hình nhà nước kiến tạo phát triển sang mô hình nhà nước điều chỉnh. 

Phân tích kỹ hơn, ông Dũng cho biết, Chính phủ kiến tạo phát triển hiện được hiểu là: “Chính phủ chủ động thiết kế ra một hệ thống pháp luật tốt, những chính sách tốt, thể chế tốt để nuôi dưỡng nền kinh tế phát triển”; “Nhà nước không làm thay thị trường”; “Chính phủ phải kiến thiết được môi trường kinh doanh thuận lợi”... 

Nhưng đây lại là “mô thức hành động” của nhà nước điều chỉnh (trong đó có Chính phủ điều chỉnh) theo mô hình Anh, Mỹ. Cách làm này đã đưa lại sự phát triển và thịnh vượng cho hai quốc gia nói trên. Và trong điều kiện các doanh nghiệp của Việt Nam làm ăn khó khăn như hiện nay, có lẽ đây cũng là cách làm rất cần thiết. 

Tuy nhiên, ông Dũng khẳng định, rủi ro lớn nhất ở đây là các điều kiện kinh doanh thuận lợi có thể được tạo ra, nhưng tận dụng chúng lại là các doanh nghiệp nước ngoài chứ không phải là doanh nghiệp Việt. 

“Thành công của mô hình nhà nước điều chỉnh vì vậy còn phụ thuộc rất nhiều vào năng lực của các doanh nghiệp trong nước. Sự lựa chọn đúng đắn hơn cho đất nước ta vì vậy có vẻ vẫn là mô hình nhà nước kiến tạo phát triển (theo mô hình các quốc gia Đông Bắc Á) chứ không hẳn là mô hình nhà nước điều chỉnh (theo kiểu Anh-Mỹ)”, ông Dũng nhấn mạnh.

Theo ông Dũng thì, nếu theo mô hình điều chỉnh, rất dễ “rơi vào bẫy thu nhập trung bình”.

Phát biểu tại Diễn đàn VRDF, ông Dũng cũng đề cập chuyện hiện nay, còn rất nhiều vấn đề liên quan đến bộ máy Việt Nam.

Chẳng hạn chuyện phân cấp, phân quyền. “Phải phân quyền cho địa phương. Phân quyền cho địa phương thì đất nước sẽ thịnh vượng nhanh hơn rất nhiều”, ông Dũng nói.

Nêu ra một số mô hình của các quốc gia trên thế giới như song trùng giám sát, song trùng trực thuộc, nhà nước điều chỉnh, nhà nước bổ trợ..., ông Dũng cho biết, ông thiên về theo mô hình bổ trợ, cấp dưới làm được thì phân quyền, cái gì cấp dưới không làm được thì mới đẩy lên cấp trên.

 “Phân quyền thế nào? Thế giới có 4 mô hình: song trùng giám sát, song trùng trực thuộc (ta đều có). Bên cạnh đó còn có mô hình bổ trợ, tôi khuyến nghị theo mô hình này: cấp dưới làm được gì thì cho cấp dưới làm, không làm được mới chuyển lên cấp trên”, ông Nguyễn Sỹ Dũng nói.

Phiên toàn thể Diễn đàn Cải cách và phát triển Việt Nam 2019
Tại Phiên toàn thể Diễn đàn Cải cách và phát triển Việt Nam 2019 diễn ra chiều nay (19/9), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư