Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 04 tháng 12 năm 2024,
TS. Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch Tập đoàn Mỹ Lan: “Tôi đã làm như cam kết, để người dân sống và làm giàu ở quê hương”
Nguyễn Ngân - 27/01/2023 09:07
 
Đã gần tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhưng chưa từng có một ngày nào TS. Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch Tập đoàn Mỹ Lan ngừng sáng tạo, khởi nghiệp và cống hiến.
TIN LIÊN QUAN
TS. Nguyễn Thanh Mỹ tại trang trại nuôi tôm theo mô thức Tomgoxy của RYNAN Technologies

“Người Việt mình vốn thông minh”

Chúng tôi gặp TS. Nguyễn Thanh Mỹ tại nhà ăn của Tập đoàn Mỹ Lan ở Trà Vinh. Lâu lắm mới đặt được lịch hẹn với ông, nên chúng tôi rất hào hứng. Ông cũng có vẻ như vậy.

“Nhân viên là tài sản quý nhất của chúng tôi. Mọi người được miễn phí bữa trưa, còn bữa sáng và bữa tối chỉ phải mua với giá hỗ trợ. Do vậy, họ ở công ty hoài”, TS. Nguyễn Thanh Mỹ nói vui với chúng tôi trong không gian nhà ăn khang trang, tràn ngập ánh sáng tự nhiên ùa vào qua các cửa sổ kính lớn ở tứ phía.

Thức ăn của Mỹ Lan đều là “cây nhà lá vườn”, tự canh tác, tự chế biến. Đầu bếp là những người có tay nghề được tuyển chọn kỹ càng. Đồ ăn không chỉ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, mà đầy đủ dinh dưỡng và thơm ngon.

Buổi trò chuyện của chúng tôi luôn bị cắt ngang bởi những lời chào hỏi, vì đang là giờ ăn trưa, từng tốp nhân viên đi vào nhà ăn. Một số người còn tranh thủ báo cáo nhanh tiến độ công việc...

“Công ty tạo không khí thoải mái, không gian rộng mở nhất cho nhân viên sáng tạo, làm việc, nhưng yêu cầu kỷ luật công việc cũng rất cao. Tôi từng nói, tôi không thể đưa tất cả nhân viên của mình qua Sillicon Valley, nhưng sẽ cố gắng tạo một môi trường làm việc giống Sillicon Valley nhất có thể ở Mỹ Lan, ở Trà Vinh, tạo điều kiện cho lớp trẻ nơi đây ngày càng phát triển, vươn xa”, ông Mỹ chia sẻ đầy tâm huyết sau khi dẫn chúng tôi đi một vòng nhà máy.

Ở Mỹ Lan, nhân viên đều rất trẻ, nhiều người vừa tốt nghiệp đại học. Ông Mỹ lý giải, người Việt mình vốn thông minh, nhưng vì nhiều lý do, từ điều kiện, đến cách thức học tập, rồi môi trường, nên chưa phát huy hết tiềm năng.

Do vậy, khi ra quyết định đầu tư, ông Mỹ chọn phương án tuyển dụng, đào tạo lại và tìm kiếm nhân tài ngay tại địa phương. Năm 2007, ngoài việc điều hành một nhà máy mới đi vào hoạt động, ông kết hợp với Trường đại học Trà Vinh mở Khoa Hóa học ứng dụng, đích thân ông làm Trưởng khoa và giảng dạy trực tiếp. Với cách làm này, ông đã lựa chọn những sinh viên xuất sắc nhất về làm việc cho Tập đoàn Mỹ Lan.

“Với nhân sự mới, ngoài chuyên môn, chúng tôi chú trọng đào tạo bổ sung 3 kỹ năng: sáng tạo, tự chủ và làm việc nhóm”, TS. Nguyễn Thanh Mỹ chia sẻ.

Khởi nghiệp là sự sáng tạo

Trước cuộc hẹn với TS. Nguyễn Thanh Mỹ, chúng tôi có dịp trò chuyện với chủ của một trong những dự án khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã nhận được sự hỗ trợ của ông. Đó là vợ chồng Phạm Đình Ngãi và Thạch Thị Chal Thy với Dự án khởi nghiệp từ mật hoa dừa Sokfarm.

Họ đã kể nhiều về người đã định hướng, khuyên bảo và hỗ trợ họ hồi sinh nghề truyền thống tưởng bị thất truyền của đồng bào Khmer tại  Trà Vinh - thu mật từ hoa dừa. Hiện tại, nhà máy của Sokfarm đang sử dụng nhiều máy móc, công nghệ in ấn từ Mỹ Lan... “Ông ấy là thầy chúng tôi”, họ đã nói vậy.

Nghe kể lại chuyện này, ông vui lắm. Dù đã 70 tuổi, nhưng mỗi khi đề cập đề tài khởi nghiệp, ông Mỹ lại tràn đầy năng lượng. Với ông, khởi nghiệp là đi từ 0 đến 1, là tạo ra một vật, một thứ mới hoàn toàn, dù chỉ nhỏ thôi, nhưng có thể nhân rộng mô hình, giải quyết được vấn đề của nhóm đối tượng nhất định. “Nếu anh chỉ bán thứ gì đó có sẵn, làm những gì người ta đã làm, thì đó là lập nghiệp. Khởi nghiệp về cơ bản là sự sáng tạo, đổi mới”, ông Mỹ chia sẻ.

Sự nghiệp của ông Mỹ có lẽ là minh chứng rõ ràng nhất cho quan niệm này. Ông đang sở hữu hơn 400 bằng sáng chế liên quan đến chất dẻo dẫn điện, bản in offset CTP, mực in phun 3D, mực chống giả..., được công nhận ở nhiều nơi trên thế giới như Mỹ, Canada, châu Âu…

Trở về quê hương sau 25 năm sinh sống và làm việc tại Canada, TS. Nguyễn Thanh Mỹ không chỉ đưa Trà Vinh từ một trong những tỉnh nghèo của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nghèo thứ ba Việt Nam bước vào bản đồ công nghệ cao của thế giới, mà còn có nhiều phát minh, dự án khởi nghiệp giúp phát triển nền nông nghiệp Việt.

Khi nói về nông nghiệp, giọng ông bỗng trầm xuống: “Sản xuất lúa gạo, trái cây, cá tôm… đều là thế mạnh của Việt Nam, nhưng vì sao bà con nông dân chưa giàu được, nông sản vẫn cứ phải giải cứu, chuỗi giá trị nông nghiệp nói mãi mà vẫn chưa thành hiện thực? Tôi mong sẽ làm được điều gì đó để hoàn thiện phần nào chuỗi giá trị nông nghiệp của Việt Nam”.

Theo phân tích của ông, Việt Nam có cả 5 phân khúc của chuỗi giá trị nông nghiệp, bao gồm vật tư đầu vào, canh tác, chế biến, phân phối và tiêu thụ. Vấn đề là cả 5 phân khúc này đều có những vấn đề cần sửa lỗi. Vì vậy, ông đã thành lập 3 công ty mới, tập trung ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp. Đó là RYNAN Smart fertilizers sản xuất phân bón thông minh, thiết bị nông nghiệp; RYNAN Technologies sản xuất thiết bị IoT như ổ khóa, đồng hồ nước, trạm quan trắc nước, hệ thống giám sát côn trùng thông minh…; RYNAN Agrifoods về thương mại điện tử. Nhiệm vụ của 3 công ty này là ứng dụng công nghệ cao để khắc phục các lỗi, tiến tới hoàn thiện chuỗi nông nghiệp công nghệ cao trên mảnh đất Trà Vinh.

Chuyện về cách làm đúng với con tôm

“Ngành tôm Việt Nam đang làm sai cách mà vẫn đứng thứ ba thế giới, vậy nếu làm đúng thì chúng ta sẽ đứng đầu”. Câu nói này của TS. Nguyễn Thanh Mỹ tại Hội thảo Chuyển đổi số cho ngành thủy sản trong khuôn khổ Hội chợ triển lãm quốc tế thủy sản Việt Nam năm 2022 (Vietfish 2022) đã làm nhiều doanh nhân tâm tư.

Lý giải về phát biểu này, TS. Mỹ nói, giá như ngành tôm Việt Nam ứng dụng sớm và đúng mô hình Tomgoxy (mô thức nuôi tôm siêu thâm canh, giàu ô xy, mọi quy trình đều được tự động, tối ưu hóa, tôm nuôi ra đảm bảo chất lượng), thì sản phẩm làm ra sẽ đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe nhất của các thị trường nhập khẩu lớn trên thế giới.

Tôi mong sẽ làm được điều gì đó để hoàn thiện phần nào chuỗi giá trị nông nghiệp của Việt Nam.

Hơn thế, các vấn đề chính của ngành tôm, gồm năng suất thấp, dư lượng kháng sinh cao dẫn tới không đạt chuẩn, chi phí sản xuất cao, lãng phí nguồn tài nguyên đất và nước, sẽ được Tomgoxy sẽ giải quyết hết.

Vậy mô hình Tomgoxy là gì?

Ông Mỹ vốn không biết gì về con tôm, nhưng được đặt hàng chuyển đổi số cho ngành tôm. Đích thân ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Minh Phú và ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc Công ty Hệ thống thông tin FPT đến đặt vấn đề này với ông vào tháng 2/2020.

Đến tháng 4/2020, ông Mỹ nhờ một lãnh đạo của Công ty CP (Thái Lan) tư vấn, dẫn tới chỗ nuôi tôm được cho là thành công nhất để nghiên cứu. Ông đã nhận ra rất nhiều vấn đề của ngành tôm Việt Nam sau chuyến đi thực tế này. Đơn cử, người nuôi tôm cứ sục không khí để tạo ô xy, nhưng không để ý là không khí vào hồ lại đánh vỡ phân tôm thành những hạt nhỏ lơ lửng trong nước, phát thải nhiều chất độc hại cho tôm.

18 tháng sau, ông Mỹ đã có danh sách các lỗ hổng cần khỏa lấp của ngành tôm Việt Nam và mô thức nuôi tôm mới với tên gọi Tomgoxy ra đời. “Đây là mô hình dùng ô xy tinh khiết và phương pháp ô xy hóa để vá các lỗ hổng của ngành tôm”, ông giải thích.

Mô hình này giúp người nuôi tôm thả được 300 - 500 con giống mỗi mét vuông mà không cần tới kháng sinh. Lợi ích đầu tiên là chi phí giảm rõ rệt. Thứ nữa là giảm lượng điện tiêu hao từ 5.000 kWh còn 2.000 kWh cho mỗi tấn tôm. Đó là chưa kể, nhờ cách lọc nắng, người nuôi không phải đầu tư mái che; nhờ các thiết bị cảm biến siêu âm, cách xử lý nước tự động mà việc nuôi tôm, nuôi tảo và cách đuổi chim không ồn ào…

Mô hình này được người nuôi đồng tình cao vì giảm được chi phí đầu vào, từ con giống, vật tư kỹ thuật, thức ăn, dẫn đến giảm giá thành sản phẩm. Quy trình đồng nhất, chất lượng sản phẩm đồng đều. Đặc biệt, từ mô hình này, người nuôi đảm bảo về truy xuất nguồn gốc. Tôm nuôi theo quy trình an toàn, đạt tiêu chuẩn tôm sạch và có thể xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu…

Tuy nhiên, cũng không dễ thuyết phục nông dân ứng dụng công nghệ. Đây là thực tế vì đa phần nông dân nghèo, ngại đầu tư nhiều rồi không thu hồi vốn được, nhất là khi họ có thể mua máy cho tôm ăn với giá 5 triệu đồng, thay vì mức giá 30 triệu đồng trong mô hình Tomgoxy.

Ông Mỹ phải thuyết phục nông dân bằng cách chấp thuận để họ chủ động mua thức ăn, nhưng phải làm đúng theo quy trình; nếu có khó khăn về tài chính, sẽ được hỗ trợ bảo lãnh ngân hàng để vay vốn; cuối vụ, họ sẽ được thu mua tôm với giá cao hơn giá ngoài thị trường.

“Tôi đã làm như cam kết, để người dân sống và làm giàu được chính trên mảnh đất quê hương, không phải bán đất mà đi Bình Dương xin làm công nhân ở khu công nghiệp nữa. Công nghệ sẽ là chìa khóa giúp nông dân không chỉ thoát nghèo, mà có thể sống sung túc, hạnh phúc trên chính mảnh đất của mình”, TS. Nguyễn Thanh Mỹ tin tưởng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư