Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 31 tháng 07 năm 2024,
TSMC đạt mức vốn hóa thị trường 1.000 tỷ USD
Đông Phong - 09/07/2024 16:00
 
Nhà sản xuất chất bán dẫn TSMC nhanh chóng vượt qua mức vốn hóa thị trường 1.000 tỷ USD sau khi Morgan Stanley gia nhập danh sách các nhà môi giới kỳ vọng tăng giá đối với cổ phiếu của TSMC.
Nhà sản xuất chất bán dẫn TSMC được dự đoán đạt tăng trưởng doanh thu 36% trong quý II/2024, đánh dấu tốc độ tăng trưởng nhanh nhất kể từ quý IV/2022. Ảnh: AFP
Nhà sản xuất chất bán dẫn TSMC được dự đoán đạt tăng trưởng doanh thu 36% trong quý II/2024, đánh dấu tốc độ tăng trưởng nhanh nhất kể từ quý IV/2022. Ảnh: AFP

Cổ phiếu lưu ký tại Mỹ của TSMC đã tăng tới 4,8%, chạm mốc quan trọng ngay sau tiếng chuông bắt đầu phiên giao dịch 8/7 tại New York, đưa mã cổ phiếu này tăng hơn 80% kể từ đầu năm đến nay.

Hãng chip Đài Loan đã vượt qua Berkshire Hathaway vào đầu tháng 6 để trở thành công ty có giá trị vốn hóa thị trường lớn thứ 8 trên thế giới, căn cứ theo giá trị cổ phiếu lưu ký tại Mỹ.

"Việc cổ phiếu lưu ký tại Mỹ của TSMC đạt mức định giá 1.000 tỷ USD là một kỳ tích, nhưng còn nhiều điều phía trước cùng với những tiến bộ công nghệ kéo dài ít nhất là đến những năm 2040", nhà phân tích Phelix Lee của Morningstar nhận định.

Với vị thế là nhà cung cấp duy nhất các con chip quan trọng nhất cho Apple và Nvidia, TSMC đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư toàn cầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI). Ngay cả khi căng thẳng gia tăng ở eo biển Đài Loan, một loạt công ty môi giới ở Phố Wall vẫn nâng định giá đối với cổ phiếu TSMC, bởi họ cho rằng nhu cầu chất bán dẫn liên quan đến AI tăng cao và khả năng tăng giá của mã cổ phiếu vào năm 2025 có thể giúp gia tăng lợi nhuận.

Cổ phiếu lưu ký tại Mỹ của TSMC đã giao dịch vượt trội hơn cổ phiếu của hãng này niêm yết tại Đài Loan vì các nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng tiếp cận hơn. Thực tế, cổ phiếu lưu ký tại Mỹ của TSMC có thể hoán đổi được, không giống như cổ phiếu của hãng này tại Đài Loan, phải cần có sự chấp thuận theo quy định đặc biệt để được chuyển đổi thành cổ phiếu tương đương của Mỹ.

Đà tăng giá của cổ phiếu TSMC hôm 8/7 diễn ra sau khi Morgan Stanley nâng định giá đối với cổ phiếu lên khoảng 9%, với kỳ vọng hãng chip Đài Loan sẽ tăng ước tính doanh thu cả năm trong công bố kết quả lợi nhuận vào tuần tới. Morgan Stanley dự đoán giá bán tấm wafer của TSMC sẽ tăng do hãng chip Đài Loan đang vị thế thương lượng mạnh mẽ.

Chiến lược marketing của TSMC dường như đang phát huy tác dụng. Các nhà phân tích của Morgan Stanley cho biết: "Các cuộc đánh giá chuỗi cung ứng mới nhất của chúng tôi cho thấy TSMC đang đưa ra thông điệp rằng nguồn cung của các xưởng đúc hàng đầu có thể bị hạn chế vào năm 2025 và khách hàng có thể không được phân bổ đủ công suất nếu không đánh giá cao giá trị của TSMC".

Tương tự, các nhà phân tích của JPMorgan cũng dự đoán hãng chip Đài Loan sẽ nâng dự báo doanh thu trong báo cáo kết quả kinh doanh sắp công bố.

Morgan Stanley, JPMorgan, cùng các công ty môi giới khác bao gồm Nomura Holdings và Mizuho Securities đều có đánh giá lạc quan về kết quả kinh doanh quý II/2024 của TSMC. Hãng chip Đài Loan được kỳ vọng sẽ đạt mức tăng trưởng doanh thu 36% trong quý II, so với một năm trước đó, đánh dấu tốc độ tăng trưởng nhanh nhất kể từ quý IV/2022, theo dữ liệu được tổng hợp bởi Bloomberg.

Sự lạc quan về lợi nhuận đã giúp cổ phiếu của TSMC tại Đài Loan vượt qua mốc 1.000 Đài tệ (khoảng 31 USD) vào tuần trước.

TSMC khánh thành nhà máy sản xuất chip trị giá 8,6 tỷ USD tại Nhật Bản
Nhà máy đầu tiên của TSMC tại Nhật Bản được xây dựng tại thị trấn Kikuyo ở Kumamoto, dự kiến quý IV/2024 bắt đầu sản xuất hàng loạt chất...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư