Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Từ cứ điểm sản xuất đến “đầu não” R&D
Nguyên Đức - 16/11/2018 08:49
 
Samsung, cùng với các khoản đầu tư lớn, đã không chỉ biến Việt Nam trở thành một cứ điểm sản xuất, mà còn từng bước trở thành một trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) lớn và quan trọng của Tập đoàn trên toàn cầu.
TIN LIÊN QUAN

câu chuyện về bàn tay, trí tuệ người Việt

Gần 1 tháng trước đây, Samsung đã ra mắt Galaxy A7, dòng điện thoại đầu tiên được trang bị tới 3 camera sau và có góc rộng lớn nhất hiện nay - 120 độ. Tại sự kiện được tổ chức ở Malaysia này, có 3 người Việt ngồi lặng lẽ mỉm cười, đó chính là Vũ Tiến Dũng, Lương Bá Đạt và Phạm Hữu Đức. Cả ba là kỹ sư của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển điện thoại di động Samsung Việt Nam (SVMC) và đều là những người đã tham gia quá trình “thổi hồn” cho chiếc điện thoại Galaxy A7.

 Trung tâm SVMC hiện có gần 2.000 kỹ sư Việt Nam làm việc
Trung tâm SVMC hiện có gần 2.000 kỹ sư Việt Nam làm việc

Nói một cách đơn giản, những sản phẩm của Samsung được sản xuất, dù đẹp đến mấy, hoàn hảo đến mấy cũng chỉ là phần xác. Để sản phẩm đó có thể hoạt động được, mang đến những trải nghiệm tuyệt vời cho người dùng, thì cần có hệ điều hành, có các nền tảng phần mềm, có các ứng dụng… Các trung tâm R&D của Samsung trên khắp thế giới, trong đó có SVMC, là các đơn vị được giao trọng trách này, làm cho những chiếc điện thoại của Samsung “sống” được và “có hồn”.

Kể từ khi được thành lập tại Việt Nam năm 2012, SVMC đã chịu trách nhiệm phát triển toàn bộ hệ thống phần mềm và tính năng cho một số dòng điện thoại của Samsung, như Galaxy V, Galaxy J…, nhưng Galaxy A7 là một câu chuyện hoàn toàn khác. Galaxy V, hay Galaxy J chỉ là dòng điện thoại tầm trung, còn Galaxy A7 là dòng điện thoại cận cao cấp, chỉ đứng sau các dòng flagship như Galaxy S và Galaxy Note của Samsung. Điều này chứng tỏ, trình độ của đội ngũ kỹ sư phần mềm Việt Nam không hề thua kém và SVMC đã ngày càng được các nhà lãnh đạo Tập đoàn tin tưởng.

“Khi được giao nhiệm vụ phát triển phần mềm cho dòng Galaxy A7, bên cạnh niềm vui được Tập đoàn tin tưởng, chúng tôi cũng không khỏi lo lắng, bởi đây là lần đầu tiên được giao một dự án có tính năng mới chưa từng có trên điện thoại của Samsung là cụm ba camera sau. Nhưng cuối cùng, chúng tôi đã từng bước vượt qua khó khăn và hoàn thành nhiệm vụ”, Vũ Tiến Dũng chia sẻ.

Khó nhất trong Dự án Galaxy A7 là chuyện thiết kế camera, vì đây là dòng điện thoại đầu tiên của Samsung có tới 3 camera sau, nên giai đoạn đầu, các kỹ sư quản lý dự án tại SVMC đã phải hợp tác với các kỹ sư chuyên thiết kế camera và thiết kế UX tại Hàn Quốc và Ấn Độ để tìm hiểu, nghiên cứu, rồi mày mò từng bước để phát triển các nền tảng ứng dụng cho sản phẩm. 

Đã có nhiều vấn đề phát sinh trong quá trình sản xuất hàng loạt. Nhưng nhờ có hai tổ hợp sản xuất SEV, SEVT ở kề bên, nên có bất cứ phát sinh nào trong quá trình sản xuất, các kỹ sư của SVMC có thể nhanh chóng xem xét và rút ngắn thời gian xử lý. 

“Chúng tôi vô cùng tự hào khi đội ngũ kỹ sư người Việt Nam đã đảm nhiệm thành công một dự án phần mềm quan trọng cho sản phẩm chiến lược Galaxy A7. Qua đây, chúng tôi muốn thay đổi hoàn toàn cách nhìn của thế giới về Việt Nam. Tại đây, sẽ không chỉ có các nhà máy sản xuất điện thoại lớn nhất của Samsung, mà chúng tôi sẽ chú trọng đầu tư để đưa trung tâm nghiên cứu và phát triển điện thoại Việt Nam có vị trí quan trọng bậc nhất của Samsung trên toàn cầu”, ông Shim Won Hwan, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam nói.

Không chỉ là “head quarter” cho điện thoại tầm trung

Hơn 10 năm ở Việt Nam, Samsung đã không ngừng lớn mạnh, với các tổ hợp sản xuất công nghệ cao ở Bắc Ninh, Thái Nguyên, ở TP.HCM, với tổng vốn đầu tư lên tới trên 17,3 tỷ USD. Nhờ đó, Việt Nam đã thực sự trở thành cứ điểm sản xuất toàn cầu hoàn chỉnh của Samsung, với số lượng nhân viên chiếm tới 35% tổng nhân viên của Samsung trên toàn cầu và cung cấp tới 40% lượng điện thoại Samsung bán trên thị trường thế giới. Và cùng với sự phát triển của cứ điểm sản xuất này, thì SVMC cũng đã không ngừng lớn mạnh. 

Ban đầu, khi mới thành lập, các kỹ sư của SVMC chỉ đảm nhận việc nâng cấp phần mềm, hoặc bản địa hóa một số tính năng bổ sung cho phù hợp với một số thị trường. Phải đến năm 2014, SVMC mới được giao phụ trách dự án gốc đầu tiên, tuy lúc đó chỉ là phát triển trên nền tảng có sẵn. Đó chính là dự án phục vụ việc phát triển sản phẩm Galaxy V - dòng sản phẩm chỉ bán tại thị trường Việt Nam.

Và tới năm 2016, SVMC lần đầu tiên được đảm nhận toàn bộ một dự án gốc, dành cho dòng điện thoại J1. Sau đó là hàng loạt dự án gốc khác, nhưng cũng chỉ liên quan đến dòng J, như J2, hay J7 Pro…, tức là dòng điện thoại tầm trung. Ông Đỗ Đức Dũng, Giám đốc bộ phận Giải pháp phần mềm SVMC từng chia sẻ ước mơ rằng, “nếu Việt Nam là cứ điểm sản xuất toàn cầu của Samsung, thì SVMC trong tương lai sẽ trở thành ‘head quarter’ của dòng sản phẩm J”.

Làm dự án gốc cho dòng J nghĩa là SVMC chịu trách nhiệm phát triển toàn bộ nền tảng phần mềm, ứng dụng, để những chiếc điện thoại J - vốn rất “đắt khách” trên thị trường toàn cầu và Việt Nam - có thể hoạt động một cách hoàn hảo. Và thị trường nhắm đến không chỉ là trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, mà còn là Nga, là châu Âu…

Nhưng có vẻ như câu chuyện trong tương lai sẽ không còn chỉ là “head quarter” cho dòng điện thoại tầm trung nữa. Bởi hiện nay, các kỹ sư của SVMC đã với tay được tới dòng điện thoại cận cao cấp và khẳng định sức mạnh của bàn tay và trí óc của người Việt, khẳng định được vị thế và tầm quan trọng của SVMC trong công tác R&D. 

Cùng với các dự án base, thời gian qua, các kỹ sư của SVMC đã tham gia phát triển nhiều nền tảng ứng dụng như S Note, “mạng xã hội”  PEN.UP cho chiếc bút S Pen, thiết bị gắn liền với dòng Galaxy Note, hay ứng dụng bảo mật Knox, rồi Smart Switch, Hello Bixby, Smart Manager… Càng ngày, mức đóng góp của trí tuệ Việt Nam trong các ứng dụng càng lớn. 

Và SVMC đã không chỉ bó hẹp tầm ảnh hưởng chỉ trong khu vực Đông Nam Á như trước đây, mà đã vươn cánh tay sang Australia, New Zealand, rồi Trung Đông, châu Phi và cả châu Âu. SVMC, như lời của ông Shim Won Hwan, đã và sẽ trở thành một trung tâm R&D có vị trí quan trọng bậc nhất của Samsung trên toàn cầu.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư