Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Giá vàng tuần qua:
Tuần “rớt thảm” của vàng trên toàn cầu
Tùng Linh - 26/05/2024 08:10
 
Giá vàng thế giới bốc hơi 100 USD/ounce tuần qua từ mức đỉnh vừa xác lập (2.449 USD/ounce), sàn vàng Thượng Hải cũng ghi nhận bước sụt giảm mạnh. Tương tự, thị trường vàng trong nước đã có tuần giảm thứ hai liên tiếp, dù mức giảm khiêm tốn hơn.
Kỳ
Kỳ vọng về động thái điều hành lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục ảnh hưởng đến thị trường tài chính toàn cầu

Bất ngờ giao dịch thăng hoa, thậm chí xác lập kỷ lục giá mới trong những giờ giao dịch đầu tiên của tuần mới, vàng nhanh chóng quay đầu trong cả tuần vừa qua. Khép lại tuần vừa qua, giá vàng thế giới giao ngay đóng cửa tại 2.333,4 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6/2024 trên sàn Comex New York không chênh lệch quá nhiều, giao dịch ở mức 2.335,2 USD/ounce.Từ đỉnh cao mới, vàng thế giới xuống vùng thấp nhất kể từ ngày 10/5.

Tương tự, tại sàn giao dịch vàng Thượng Hải - sàn giao dịch vàng vật chất lớn nhất thế giới và cũng là trung tâm giao dịch vàng lớn nhất châu Á, giá vàng sau khi lập đỉnh mới hôm 19/5 (gần 575 nhân dân tệ/gram) đã quay đầu giảm còn 550,6 nhân dân tệ/gram, tương ứng giảm hơn 4,2% chỉ trong vòng vài ngày.

Đà giảm có phần khiêm tốn hơn tại Việt Nam. Tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn (SJC), vàng miếng SJC đóng cửa ở mức 87,5 triệu đồng/lượng (mua vào ) và 89,5 triệu đồng/lượng (bán ra); lần lượt giảm 200.000 đồng/lượng và 900.000 đồng/lượng trong cả tuần. Do chấp nhận giá bán ra thấp hơn, chênh lệch giá mua – bán đối với vàng miếng SJC do đó thu hẹp về còn 2 triệu đồng/lượng.

Cũng trong tuần qua, NHNN đã đấu thầu tổng cộng 21.300 lượng vàng trong hai phiên 21/5 và 23/5. Tương ứng, với giá trung bình quanh 89 triệu đồng/lượng, bên mua chi trả hơn 1.895 tỷ đồng. Cú rơi sâu của giá vàng đặc biệt ở hai ngày cuối tuần đã khiến giá vàng có tuần giảm thứ hai liên tiếp.Vàng miếng đang ở mức giá thấp nhất kể từ ngày 14/5.

Dù vậy, do giảm chậm hơn các thị trường khác, khoảng cách giữa giá vàng miếng SJC và giá vàng thế giới quy đổi hiện vẫn quanh 17 triệu đồng/lượng. Nguyên nhân kéo cả thị trường vàng đi xuống các ngày qua tiếp tục đến từ kỳ vọng của các nhà đầu tư liên quan đến động thái điều hành lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed).

Số liệu kinh tế của Mỹ công bố gần đây cho thấy hoạt động kinh doanh tại Mỹ đã cải thiện. Chỉ số PMI tổng hợp sơ bộ tháng 5 của Mỹ đã tăng hơn 3 điểm lên 54,4, cao nhất kể từ tháng 4/2022, vượt mọi ước tính của các nhà kinh tế. Số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp ít hơn dự kiến, tiếp tục cho thấy sức mạnh của thị trường lao động.Cùng đó, biên bản cuộc họp tháng 5 của Fed công bố tuần vừa qua cũng tiết lộ những lo ngại của các quan chức Fed về diễn biến lạm phát. Các số liệu gần đây không đủ để củng cố niềm tin rằng lạm phát có thể hướng đến mục tiêu 2%. Một số quan chức đề cập đến khả năng tăng lãi suất nếu lạm phát vẫn tiếp tục.

Công cụ giám sát biến động lãi suất FedWatch của CME Group cho thấy các nhà giao dịch đang chuyển sang đặt cược nhiều nhất vào khả năng Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giữ nguyên lãi suất trong tháng 9 khi tỷ lệ đã tăng lên vượt quá bán (50,2%). Khả năng hạ lãi suất 25 điểm cơ bản hiện giảm còn 44,9%.

Kỳ vọng trên cũng ảnh hưởng đến sức mạnh của USD và đặt lên áp lực nặng nề hơn đối với hoạt động điều hành tỷ giá. Chỉ số US Dollar Index (DXY) đo sức mạnh của đồng bạc xanh với rổ 6 tiền tệ mạnh đóng cửa tuần qua ở mức 104,75 điểm.  

Chia sẻ với báo chí mới đây, ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết áp lực đối với tỷ giá các tháng qua đến từ những biến động khó lường của thị trường tài chính toàn cầu, cộng hưởng cùng những thách thức, khó khăn trên thị trường trong nước.

Trong đó, lạm phát duy trì cao tại Mỹ, khiến thị trường quốc tế liên tục điều chỉnh dự báo và lùi thời điểm dự kiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất. Có thời điểm chỉ số DXY tăng 5% so với đầu năm 2024, tạo áp lực mất giá lên các đồng tiền khác, bao gồm cả đồng nội tệ của Việt Nam.

Thứ hai, từ đầu năm đến giữa tháng 5 năm 2024, nhập khẩu của nền kinh tế phục hồi mạnh - ước đạt 132,23 tỷ USD, tăng 19,7 tỷ USD (tăng 17,5%) so với cùng kỳ năm 2023, làm gia tăng nhu cầu mua ngoại tệ, đặc biệt nhu cầu ngoại tệ để thanh toán nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu thiết yếu phục vụ sản xuất trong nước.

Thứ ba, trong khi Mỹ tiếp tục giữ lãi suất USD ở mức cao, lãi suất VND thấp hơn so với lãi suất USD quốc tế (khiến chênh lệch lãi suất giữa 2 đồng tiền âm), thúc đẩy tổ chức kinh tế mua ngoại tệ kỳ hạn để phục vụ thanh toán trong tương lai - chuyển nhu cầu ngoại tệ trong tương lai về hiện tại; trong khi khách hàng có nguồn thu ngoại tệ lại có tâm lý trì hoãn bán ngoại tệ cho hệ thống TCTD, khiến cân đối cung cầu ngoại tệ kém thuận lợi trong ngắn hạn và gây áp lực lên tỷ giá.

Tuy nhiên, theo ông Quang, việc nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu đầu năm phục vụ quá trình phục hồi kinh tế sẽ tạo tiền đề thúc đẩy hoạt động sản xuất, xuất khẩu, từ đó tạo nguồn thu ngoại tệ trong tương lai, có thể giải tỏa bớt áp lực tỷ giá trong thời gian tới.

“Tất cả các khó khăn, thách thức nêu trên của thị trường ngoại tệ trong nước chỉ là ngắn hạn, vì trong thời gian tới với đà phục hồi khả quan của xuất khẩu thì nguồn cung ngoại tệ của thị trường sẽ được hỗ trợ gia tăng, trong khi doanh nghiệp vừa qua tăng mạnh mua ngoại tệ kỳ hạn là yếu tố làm giảm bớt nhu cầu ngoại tệ trong tương lai, qua đó cân đối cung – cầu ngoại tệ có nhiều khả năng được cải thiện tích cực hơn tới đây”, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ đưa ra dự báo.

Cũng theo ông Quang, tỷ giá đang chịu nhiều áp lực do cả yếu tố kinh tế lẫn một số tin đồn gây ảnh hưởng tới tâm lý, kỳ vọng thị trường. Cơ chế điều hành tỷ giá trung tâm và biên độ +/-5% hiện nay, tỷ giá thị trường đã có đủ dư địa để diễn biến linh hoạt. Thông tin gần đây về thay đổi điều hành tỷ giá của NHNN là không chính xác và không phù hợp với mục tiêu bình ổn thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ, tạo tâm lý bất ổn trên thị trường.

Trong tuần qua, Ngân hàng Nhà nước đã tăng tỷ giá trung tâm tổng cộng 25 đồng/USD, lên 24.264 đồng/USD, tăng 6 đồng so với phiên trước. Sau một tuần liên tục tăng, tỷ giá trần đã nới lên 25.477 đồng /USD.

Cơ chế tỷ giá trung tâm với mức trần tối đa vẫn đang là công cụ ghìm chân đà tăng của tỷ giá tại các ngân hàng thương mại. Hầu hết nhà băng đều yết tỷ giá bán ra cao kịch trần.

Tại Vietcombank, tỷ giá yết ở mức 25.257 đồng /USD (mua chuyển khoản) và 25.477 đồng/USD, tăng 27 đồng/USD so với tuần trước. Khảo sát một số cửa hàng, giá USD trên thị trường tự do đang được thu mua ở mức 25.730 đồng trong khi bán ra khoảng 25.770 đồng.

Ngân hàng Nhà nước: Tin đồn gần đây về thay đổi điều hành tỷ giá là không chính xác
Tỷ giá đang chịu nhiều áp lực do cả yếu tố kinh tế lẫn một số tin đồn gây ảnh hưởng tới tâm lý, kỳ vọng thị trường. Ông Phạm Chí Quang,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư