Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Phấp phỏng ngày ra mắt
- 20/12/2018 08:37
 
Cả đại diện chủ đầu tư và tổng thầu Trung Quốc vẫn đang dốc sức cho mục tiêu đưa vào khai thác thương mại tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông trước Tết Âm lịch Kỷ Hợi 2019.
TIN LIÊN QUAN

Ẩn số tiến độ

Khoảng 2 tháng nay, người dân dọc đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), đường Láng, Hoàng Cầu (quận Đống Đa, TP. Hà Nội) dần quen mắt với các đoàn tàu màu xanh lá cây cần mẫn ngược xuôi trên tuyến đường tàu điện trên cao.

Sau hơn 2 tháng triển khai vận hành thử đồng loạt 13 đoàn tàu vẫn chưa xuất hiện bất kỳ sự cố nào. Ảnh: Đức Thanh
Sau hơn 2 tháng triển khai vận hành thử đồng loạt 13 đoàn tàu vẫn chưa xuất hiện bất kỳ sự cố nào. Ảnh: Đức Thanh

Do đang trong giai đoạn chạy thử không tải, nên các đoàn tàu chỉ dừng kỹ thuật khoảng 1 phút ở các ga rồi lại đi tiếp về ga chính Cát Linh hoặc điểm đề - pô cuối tuyến tại Yên Nghĩa (quận Hà Đông). Theo đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông - Vận tải - GTVT), sau khi bắt đầu chạy thử nghiệm chỉ với 5 đoàn tàu vào ngày 20/9/2018, hiện 13/13 đoàn tàu của Dự án đã được chạy theo đúng chế độ khai thác thông thường.

Lãnh đạo phụ trách Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết, 96% hệ thống công nghệ tại Dự án gồm 12 chuyên ngành thiết bị (thông tin, tín hiệu, điện năng, thu soát vé tự động, thang máy, điều hòa, cảnh báo cháy tự động…) và đoàn tàu đã được tổng thầu là Công ty Hữu hạn Tập đoàn Đường sắt 6 (Trung Quốc) chuyển về Việt Nam. Tới nay, Dự án đã hoàn thành lắp đặt khoảng 90% các thiết bị.

Trước đó, trong lần đề nghị điều chỉnh tiến độ hồi tháng 6/2018, Bộ GTVT đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận điều chỉnh giai đoạn kết thúc xây dựng đưa công trình vào khai thác trong năm 2021 với 2 đường găng tiến độ được căn chỉnh lại là: Hoàn thành toàn bộ công tác xây dựng các nhà ga, đường ray, lắp đặt thiết bị trong tháng 8/2018; bắt đầu vận hành chạy thử không tải từ tháng 9/2018.

“Dự kiến, thời gian vận hành thử là từ 3 - 6 tháng, tùy thuộc vào kết quả chạy thử để tiến hành đưa Dự án vào khai thác thương mại”, vị lãnh đạo này cho biết.

Cần phải nói thêm rằng, chiểu theo mục tiêu vận hành thương mại tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông trước Tết Âm lịch 2018 (ngày 2/2/2019) được Bộ trưởng Bộ GTVT ấn định trong buổi thị sát, kiểm tra tiến độ Dự án vào giữa tháng 5/2018, đại diện chủ đầu tư và tổng thầu chỉ có 4 tháng vận hành thử để căn chỉnh toàn bộ hệ thống.

“Sau hơn 2 tháng vận hành thử đồng loạt 13 đoàn tàu vẫn chưa xuất hiện bất kỳ sự cố nào. Chúng tôi vẫn đang theo dõi sát sao kết quả chạy thử, quá trình vận hành hệ thống thông tin, tín hiệu, điện năng để báo cáo Bộ GTVT quyết định thời điểm đưa Dự án vào khai thác thương mại”, thông tin từ Ban Quản lý dự án đường sắt cho hay.

Và “đường găng” vốn, nhân lực

Theo các chuyên gia, sự thận trọng của đại diện chủ đầu tư là điều có thể chia sẻ bởi Dự án Cát Linh - Hà Đông là công trình đường sắt đô thị đầu tiên tại Việt Nam bước vào giai đoạn vận hành thử nghiệm. Tuy nhiên, ngoài “đường găng” về quỹ thời gian vận hành thử nghiệm khá eo hẹp so với mốc tiến độ - khai thác thương mại trước Tết Âm lịch 2019, dự án này vẫn còn nhiều vướng mắc mà đại diện chủ đầu tư và tổng thầu cần vượt qua.

Cụ thể, mặc dù Dự án chỉ cách đích khoảng gần 6% khối lượng, nhưng đều là những hạng mục liên quan đến hoàn thiện, đòi hỏi thời gian và “tiền tươi thóc thật”, trong khi đây chưa bao giờ là một thế mạnh của tổng thầu.

Một thách thức lớn khác đối với dự án này là, dù chưa chạy chính thức, tuyến đường sắt này đã hao hụt nhân sự, khi hơn 80 lao động do Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (đơn vị tiếp nhận công trình) tuyển dụng để vận hành đã xin nghỉ việc.

Theo đơn vị tiếp nhận công trình, tổng số nhân lực vận hành của tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông là 681 người, trong đó 651 người được Dự án đào tạo, 30 người không cần đào tạo (các ngành nghề thông dụng). Trong 651 người cần đào tạo, 201 người đào tạo tại Trung Quốc và 450 người được đào tạo tại Việt Nam. Tuy nhiên, số người được đào tạo tại Việt Nam mới chỉ hoàn thành học lý thuyết, đang được đào tạo thực hành bởi chuyên gia Trung Quốc và các học viên học tại Trung Quốc trở về. Từ ngày 20/10/2018, tổng thầu đã huy động nhân lực đi đào tạo thực hành.

Mặc dù Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội đã yêu cầu tổng thầu gửi kế hoạch huy động nhân lực đi đào tạo thực hành trước 15 ngày, nhưng do không được đáp ứng nên Công ty và học viên rất bị động. Một số học viên trong thời gian chờ vận hành Dự án đã tìm công việc khác để ổn định cuộc sống.

Ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cho biết, tính đến nay, số nhân sự xin không tham gia đã chiếm 12-15% tổng nhân sự tuyển dụng. Con số này có thể tiếp tục gia tăng nếu quá trình huy động không liên tục, thu nhập không đủ hấp dẫn và các học viên không nhận được kinh phí hỗ trợ trong thời gian đào tạo thực hành cũng như chạy thử.

Được biết, tại dự án này, nhà thầu Bắc Kinh Metro thực hiện đào tạo tại Trung Quốc và đào tạo lý thuyết tại Việt Nam, còn đào tạo thực hành hiện nay lại là Thâm Quyến Metro (đơn vị được tổng thầu chọn làm thầu phụ trong gói thầu căn chỉnh, vận hành chạy thử).

“Do 2 đơn vị đào tạo khác nhau, nên thiếu thống nhất về phương pháp, giáo trình đào tạo khiến học viên rất khó tiếp thu. Đặc biệt, các chuyên gia của Thâm Quyến Metro không phải là chuyên gia đào tạo, mà là chuyên gia căn chỉnh vận hành chạy thử, nên việc đào tạo thực hành chưa thực sự hiệu quả”, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội đánh giá.

Ba lần chỉnh tiến độ

Theo Quyết định số 3136/QĐ - GTVT ngày 15/10/2008, Dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông được đưa vào khai thác năm 2013. Năm 2016, Dự án được dời thời gian khai thác vào năm 2016.

Tháng 4/2018, trên cơ sở đề xuất của Bộ GTVT, Thủ tướng Chính phủ cho phép Dự án được vận hành thử nghiệm vào tháng 9/2018 và khai thác thương mại vào cuối năm 2018. Tổng mức đầu tư Dự án cũng tăng lên từ 552,6 triệu USD lên 868,4 triệu USD.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư