Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Ứng viên đại biểu Quốc hội cam kết chống tham nhũng chính sách
Nguyễn Lê - 15/05/2021 16:13
 
Ứng viên Hoàng Văn Cường cam kết nếu trúng cử sẽ đóng góp xây dựng cơ chế giám sát quyền lực, phòng chống tham nhũng ngay từ khâu xây dựng chính sách.
.

Ông Hoàng Văn Cường là đại biểu đương nhiệm, tự ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XV và được phân bổ tại đơn vị bầu cử số 10 của Hà Nội.

Tại kỳ họp cuối cùng của Quốc hội đương nhiệm, khi thảo luận báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ, vấn đề được nhiều đại biểu phát biểu tâm huyết nhất chính là chống tham nhũng chính sách.

Cũng đăng đàn ở phiên thảo luận đó, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (được giới thiệu tái ứng cử tại đơn vị bầu cử số 4 của Hà Nội) không quên đề cập vấn đề nói trên trong chương trình hành động nếu tiếp tục trúng cử đại biểu Quốc hội khoá XV.

Cam kết được ứng viên Vũ Thị Lưu Mai đưa ra là sẽ đề xuất loại bỏ những quy định pháp luật có tính cục bộ, dẫn đến tham nhũng chính sách, lợi ích nhóm, gây thiệt hại ngân sách...

Bà Mai cũng hứa sẽ đề xuất sửa đổi luật về đất đai nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu giá quyền sử dụng đất..., bảo đảm quyền lợi người dân, tránh thất thoát ngân sách; đẩy mạnh cấp giấy chứng nhận, xác lập quyền sử dụng đất đai, nhà ở mà người dân sử dụng hợp pháp.

Hoàn thiện chính sách thuế, phí, lệ phí, cắt bỏ khoản thu bất hợp lý, miễn, giảm thuế trong bối cảnh dịch bệnh. Cải cách thủ tục hành chính; hoàn thiện Chính phủ số, minh bạch hóa thủ tục, tạo thuận lợi cho người dân trong giao dịch...cũng nằm trong cam kết của nữ ứng viên.

Có khá nhiều điểm gần với chương trình hành động của bà Mai là chương trình hành động của ứng viên Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Ông Cường là đại biểu đương nhiệm, tự ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XV và được phân bổ tại đơn vị bầu cử số 10 của Hà Nội.

Ông Cường cam kết nếu trúng cử sẽ đóng góp xây dựng cơ chế giám sát quyền lực, phòng chống tham nhũng ngay từ khâu xây dựng chính sách, luật pháp, tích cực tham gia giám sát quá trình thực thi pháp luật trong lĩnh vực đầu tư, tài chính và các chương trình dự án quốc gia.

Cam kết tiếp theo từ chương trình hành động của ứng viên này là tích cực đóng góp hoàn thiện hệ thống pháp luật về đất đai và bất động sản, tạo lập cơ chế, chính sách đảm bảo hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp về bồi thường khi thu hồi đất; hạn chế đầu cơ tăng giá, bỏ đất trống không sử dụng; giám sát thực thi các chính sách kinh tế môi trường, thực hiện cơ chế người gây ô nhiễm phải chi trả chi phí bồi hoàn và khắc phục môi trường; đối tượng chịu tác động được bồi thường chi phí thiệt hại và hưởng giá trị mang lại từ cải tạo, bảo vệ môi trường.

Cũng ứng cử tại Hà Nội, đơn vị bầu cử số 5, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, người đã có 4 khoá liên tục tham gia Quốc hội cam kết nỗ lực đóng góp vào công tác cải cách thể chế, cải cách hành chính, hoàn thiện khung khổ pháp luật, khắc phục cho được tình trạng thiếu minh bạch, chồng chéo, thủ tục hành chính phiền hà, gây khó khăn và không an tâm cho người dân và doanh nghiệp.

Tái ứng cử tại đơn vị bầu cử số 2 của Hà Nội, Chánh án Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội Nguyễn Hữu Chính cam kết tích cực tham gia công tác lập pháp của Quốc hội, giải quyết đúng đắn, kịp thời những vấn đề quan trọng của đất nước như: bảo vệ chủ quyền quốc gia đặc biệt là tại Biển Đông; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí,dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; đảm bảo chính sách đối với người có công, người yếu thế trong xã hội...

Đại biểu đi họp cũng không đủ thì làm sao thực hiện được lời hứa với dân?
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đại biểu kiêm nhiệm, theo Luật ít nhất phải dành 1/3 thời gian cho các hoạt động của Quốc hội.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư