Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Uốn nắn kinh doanh qua mạng xã hội
Duy Hữu - 28/12/2014 09:01
 
Kể từ ngày 20/1/2015, các mạng xã hội có hoạt động theo hình thức sàn giao dịch thương mại điện tử phải đăng ký với Bộ Công thương.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Khó thu thuế kinh doanh qua FaceBook
Sẽ "siết" kinh doanh qua mạng
“Ngậm đắng, nuốt cay” với voucher giảm giá
Điểm mặt 6 website thương mại điện tử bị phạt do vi phạm
Facebook lấn sâu vào lĩnh vực thương mại điện tử

Thông tư 47/2014/TT-BCT mới được Bộ Công thương ban hành quy định, từ ngày 20/1/2015, các mạng xã hội sẽ phải tiến hành thủ tục đăng ký với Bộ Công thương dưới hình thức sàn giao dịch thương mại điện tử, nếu có một trong các hình thức hoạt động sau: website cho phép người tham gia được mở các gian hàng trên đó để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ; website cho phép người tham gia được lập các website nhánh để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ; website có chuyên mục mua bán, trên đó cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ.

Rất nhiều người trẻ tuổi có thói quen mua sắm qua các trang mạng xã hội

Ông Nguyễn Hòa Bình, Trưởng ban Truyền thông Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho rằng, về bản chất, hoạt động kinh doanh trên các mạng xã hội cũng giống với kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

Nhưng từ trước đến nay, các trang mạng xã hội kiểu này hoạt động công khai mà không đăng ký, cạnh tranh không lành mạnh với các sàn thương mại điện tử chính thống.

Thông tư 47 giúp thiết lập một môi trường cạnh tranh lành mạnh cho thương mại điện tử phát triển, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, việc ban hành Thông tư 47 sẽ có tác dụng uốn nắn hoạt động kinh doanh qua mạng. Nếu như trước đây, người mua hàng qua mạng thường khó “bắt đền” người bán vì không biết họ ở đâu, thì nay, chủ trang mạng đăng thông tin sẽ phải chịu một phần trách nhiệm về điều này. Vì thế, muốn tránh việc bị xử phạt, chủ sàn thương mại điện tử phải kiểm soát chặt thông tin trên trang mạng của mình.

Luật sư Nguyễn Huy Nguyên, Phó giám đốc Công ty Luật Hoàng Giao và cộng sự lại tỏ ra băn khoăn về tính khả thi của quy định. Thông tư 47 quy định  đối tượng áp dụng là các thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thương mại điện tử trên lãnh thổ Việt Nam, thiết lập website dưới tên miền Việt Nam. Như vậy, nếu chủ mạng xã hội ở nước ngoài như Facebook chẳng hạn, sẽ không phải chịu sự chi phối của thông tư này, mà hiện nay, kinh doanh qua mạng này rất lớn. Hay như một cá nhân lập trang mạng thương mại điện tử đăng ký tên miền ở nước ngoài thì cũng không kiểm soát được.

Theo Luật sư Nguyên, việc Bộ Công thương ban hành Thông tư 47 là rất kịp thời, nhằm điều chỉnh hoạt động kinh doanh qua mạng phát triển rất mạnh thời gian gần đây. Rất nhiều người trẻ tuổi có thói quen mua sắm qua các trang mạng xã hội như Facebook, Yume, Zingme… Nhiều người trong đó đã được hưởng lợi từ hình thức kinh doanh này, nhưng không ít người phải nếm “trái đắng”.

Chị Lê Minh Thu, 30 tuổi, nhân viên một công ty du lịch ở Hoàn Kiếm cho biết, công việc của chị rất bận rộn, nên khi cần mua sắm gì, chị cũng khó xoay xở vì không đủ thời gian. Bởi vậy, như nhiều đồng nghiệp khác, chị thường tìm mua sản phẩm qua mạng xã hội. Chỉ cần gõ tên sản phẩm rồi kích chuột, sẽ có vô số sản phẩm với đủ hình ảnh hiện ra để khách hàng lựa chọn. Nếu chịu khó “sợt” mạng, nhiều khi tìm được đồ xịn mà rất rẻ, đấy là đồ của những người bán đi vì không còn nhu cầu dùng.

Tuy vậy, việc mua sắm qua mạng không phải lúc nào cũng đem lại “trái ngọt” cho người mua. Anh Lê Vũ Huy, 35 tuổi, sống ở quận Đống Đa kể, có lần anh tìm trên mạng thấy có người rao bán một chiếc iPhone 4S dùng được 6 tháng, giá chỉ 3 triệu đồng. Anh lập tức hỏi mua, người kia mang máy đến, còn kèm cả giấy bảo hành, nên anh Huy mua luôn không mặc cả. Không ngờ đấy là hàng Trung Quốc làm nhái, giá chỉ 1,4 triệu đồng.

Chị Thúy Thanh, một dân nghiền mua hàng trên mạng, một lần tìm mua cái túi xách được quảng cáo là hàng Pháp “xịn”, giá 2 triệu đồng. Trước khi mua, chị đã săm soi rất kỹ mà không phát hiện được điều gì bất thường, nhưng mua được một thời gian mới biết bị lừa.

Rất nhiều kẻ đã lợi dụng mạng xã hội để rao bán hàng rởm, hàng nhái, hàng lậu, hàng không có chứng nhận kiểm định. Nhiều người mua không cẩn thận đã bị mắc bẫy, mua phải hàng với giá đắt, không có tác dụng như quảng cáo, mà không biết kiện ai.

“Trong bối cảnh trên, Thông tư 47 sẽ có tác dụng uốn nắn hoạt động kinh doanh qua mạng, làm căn cứ để xử phạt các vi phạm khi xảy ra”, Luật sư Nguyên khẳng định.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư