Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Ưu đãi phù hợp cho công nghiệp ô tô
Thanh Hương - 10/04/2017 08:47
 
Quảng Nam, Vĩnh Phúc, Ninh Bình đang được kỳ vọng sẽ trở thành những trung tâm sản xuất ô tô của Việt Nam.

Đuôi của “ông lớn”

Quảng Nam, Vĩnh Phúc, Ninh Bình là 3 địa phương đang có những doanh nghiệp ô tô bán hàng tốt nhất, nội địa hoá được lớn nhất trong số các doanh nghiệp ô tô đang hoạt động tại Việt Nam. Cụ thể, tại Quảng Nam, đó là Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải với các dòng xe đang kinh doanh là Mazda, Kia, Peugeot, xe tải, xe bus. Tại Ninh Bình là Tập đoàn Thành Công với thương hiệu xe đang kinh doanh là Hyundai. Còn tại Vĩnh Phúc là Công ty Toyota Việt Nam.

Năm 2016, số xe mà Trường Hải bán ra đạt 112.847 chiếc; Toyota Việt Nam cũng bán được 50.036 xe và Hyundai Thành Công đạt trên 36.000 xe. Như vậy, tổng số xe mà 3 doanh nghiệp này tiêu thụ đã chiếm 2/3 số lượng xe được bán ra của toàn ngành ô tô Việt Nam.

Dây chuyền lắp ráp xe  bus tại Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải.
Dây chuyền lắp ráp xe bus tại Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải.

Những kế hoạch mở rộng đầu tư, gia tăng hàm lượng sản xuất tại Việt Nam đang được ráo riết triển khai tại Trường Hải và Thành Công, với việc hợp tác mạnh mẽ hơn cùng các doanh nghiệp lớn của ngành ô tô thế giới. Cụ thể, Tập đoàn Hyundai Motor (Hàn Quốc) đã chọn Việt Nam là căn cứ đầu tiên sản xuất ô tô ở khu vực ASEAN, với quyết định bắt tay cùng Tập đoàn Thành Công trong liên doanh theo tỷ lệ góp vốn 50:50. Trước đó, Trường Hải cũng đã khởi công xây dựng Nhà máy Ô tô Mazda 100.000 xe/năm, có quy mô vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng với sự hợp tác cùng Mazda.

Đánh giá cao việc các doanh nghiệp tư nhân trong nước bắt tay với các tập đoàn lớn trên thế giới để sản xuất ô tô, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đây là điều rất đáng khích lệ. “Việt Nam không có tham vọng sản xuất được tất cả hơn 800 chi tiết, phụ tùng của ô tô, mà các doanh nghiệp trong nước cần cố gắng hợp tác với các tập đoàn ô tô lớn để sản xuất được những phụ tùng quan trọng nhất, kể cả động cơ ô tô và động cơ của các thiết bị khác để tiến tới, từ Ninh Bình có thể xuất khẩu ô tô đi nhiều quốc gia khác, chứ Việt Nam không thể trở thành một nước chỉ nhập khẩu ô tô hay là bãi rác ô tô cũ của thế giới”, Thủ tướng nói khi đi thăm Tập đoàn Thành Công tại Ninh Bình cuối tuần qua.

Tạo dựng tương lai lâu dài với ngành công nghiệp ô tô

Tuy nhiên, để các doanh nghiệp như Trường Hải, Thành Công hay Toyota Việt Nam yên tâm đầu tư, tạo dựng tương lai lâu dài với ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam, cũng đòi hỏi phải có thêm những chính sách cụ thể, nhất là khi chỉ còn chưa đến 9 tháng nữa là tới năm 2018 - thời điểm ô tô nguyên chiếc nhập khẩu từ ASEAN được hưởng mức thuế là 0%.

Ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc Tập đoàn Thành Công cho hay, để khuyến khích dự án đầu tư đi vào hoạt động có hiệu quả, cần thiết phải có các chính sách ưu đãi phù hợp. Cụ thể với dự án mới, Tập đoàn Thành Công trình Chính phủ xem xét quyết định cho được áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Luật Đầu tư; được hưởng ưu đãi miễn thuế nhập khẩu 5 năm đầu với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được, hay xem xét giảm 50% thuế thu nhập cá nhân đối với các lao động có thu nhập chịu thuế làm việc tại dự án.

Trước đó, đại diện Công ty Toyota Việt Nam cũng cho rằng, cần có những chính sách cụ thể hơn để chi phí sản xuất ô tô tại Việt Nam cạnh tranh được với chi phí sản xuất ô tô của các nước ASEAN. Có như vậy mới mong giữ chân được các doanh nghiệp ô tô ở lại mở rộng sản xuất tại Việt Nam, thay vì thu hẹp sản xuất và chỉ nhập khẩu.

Trước những thách thức mà các doanh nghiệp ô tô có hoạt động đầu tư lớn đang phải đối mặt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Công thương cùng với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ khẩn trương làm việc với các doanh nghiệp ô tô để tổng hợp báo cáo trước ngày 1/5/2017, đề xuất chính sách đối với ngành sản xuất ô tô và công nghiệp phụ trợ trong nước để Thủ tướng quyết định. Những chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với ngành công nghiệp ô tô trong nước tới đây không bao cấp, nhưng sẽ tạo điều kiện thuận lợi và phù hợp với các cam kết quốc tế.

Được biết, chính sách gần đây nhất với ngành công nghiệp ô tô là Văn bản 229/QĐ-TTg đã được ban hành ngày 4/2/2016 có tên gọi Cơ chế, chính sách thực hiện Chiến lược, Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Tuy nhiên, một số ưu đãi tại Quyết định 229/QĐ-TTg sẽ phụ thuộc vào từng dự án cụ thể, chứ không mang tính tràn lan, để động viên những doanh nghiệp quyết tâm đầu tư mở rộng sản xuất tại Việt Nam.

Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương: Đầu tư vào công nghiệp ô tô là đường đua dài hơi, không có điểm dừng
Sau Dự án quy mô 2.100 tỷ đồng cho sản xuất xe bus được triển khai hồi tháng 9/2016, ngành công nghiệp ô tô đang hào hứng đón nhận những dự án...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư