Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Ủy ban Kinh tế kiến nghị xử lý trách nhiệm trong tham mưu xuất khẩu gạo
Nguyên Vũ - 21/04/2020 14:39
 
Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, cần làm rõ việc Hải quan mở hệ thống thông quan hàng hóa tự động để doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo đăng ký tờ khai vào lúc 0 giờ Chủ nhật , ngày 12/4/2020 có dấu hiệu tiêu cực, lợi ích nhóm hay không.

Xem xét, xử lý trách nhiệm của các cá nhân và các cơ quan có liên quan trong việc thực thi công vụ, tham mưu các quyết định có ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp và người dân nhưng đã không đánh giá kỹ tác động, Thường trực Ủy ban Kinh tế kiến nghị trong báo cáo vừa được gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về xuất khẩu gạo và đảm bảo an ninh lương thực trong giai đoạn hiện nay.

Báo cáo nêu rõ, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, nhu cầu lương thực, thực phẩm trên thế giới tăng mạnh và nhu cầu tăng dự trữ tại nhiều quốc gia, nên trong thời gian qua, thị trường gạo rất sôi động, giá gạo thế giới tăng. Vụ Đông Xuân 2020 được mùa, giá gạo xuất khẩu khá cao, hàng vạn nông dân trồng lúa đang có cơ hội bán lúa với giá cao, cải thiện thu nhập, trả nợ ngân hàng, thanh toán nợ vật tư nông nghiệp, các doanh nghiệp cũng có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu gạo, nâng cao năng lực, chiếm lĩnh thị trường.

Tuy nhiên, nhiều cử tri đã có ý kiến, doanh nghiệp có đơn thư kiến nghị, cầu cứu Chính phủ, các cơ quan truyền thông liên tục phản ánh về những bất cập trong điều hành xuất khẩu gạo, gây khó khăn, thiệt hại cho doanh nghiệp, nông dân...

Tránh điều hành giật cục

Sau khi tổng hợp những diễn biến đáng chú ý trong điều hành xuất khẩu gạo, phản ứng của người dân và doanh nghiệp, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã kiến nghị các giải pháp xuất khẩu gạo trong thời gian tới.

Môt là, cần phân tích, đánh giá, dự báo kỹ sản lượng gạo của Việt Nam trong năm 2020, nhất là 2 vụ sản xuất lúa chính Đông Xuân và Hè Thu, trên cơ sở đó tính toán lượng gạo dự trữ quốc gia cho phù hợp với tình hình dịch Covid-19 và đặc điểm thế mạnh về nông nghiệp của Việt Nam.

Hai là, theo dõi sát diễn biến dịch Covid-19; tình hình cung - cầu gạo của các nước trên thế giới, nhất là các nước có lượng gạo xuất khẩu lớn như: Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan… Từ đó, đánh giá, phân tích thị trường gạo thế giới trong giai đoạn hiện nay và dự báo trong thời gian tới để có giải pháp điều hành công khai, minh bạch, có lộ trình cụ thể về xuất khẩu gạo năm 2020, tránh tình trạng bị động, manh mún, giật cục, gây thiệt hại, bị động cho nông dân và doanh nghiệp.

Ba là, cho phép xuất khẩu trở lại ngay mặt hàng gạo nếp và các mặt hàng gạo hữu cơ là các mặt hàng chủ yếu phục vụ cho xuất khẩu, ít tiêu thụ trong nước và không thuộc danh mục hàng lương thực dự trữ quốc gia.

Qua vấn đề xuất khẩu gạo, đề nghị Chính phủ cần rà soát những mặt hàng, lĩnh vực khác bị tác động của dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia để chủ động trong chỉ đạo điều hành trong thời gian tới, báo cáo nêu rõ

Làm rõ có tiêu cực, lợi ích nhóm hay không

Liên quan đến những khúc mắc trong xuất khẩu gạo, ngày 20/4, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có công văn đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét điều tra, xác minh thông tin tiêu cực trong hoạt động xuất khẩu gạo.

Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra đột xuất việc chấp hành các quy định của pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu gạo thời gian qua, có hay không dấu hiệu trục lợi, tiêu cực để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Kiến nghị tiếp theo là khẩn trương có biện pháp cho thông quan ngay đối với các lô hàng gạo xuất khẩu của các doanh nghiệp đã được kê khai và đang nằm tại cảng trước ngày 24/3/2020, khắc phục thiệt hại cho doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế đang phải đối phó với dịch Covid-19. Sau khi giải quyết hết số lượng gạo tồn đọng này mà vẫn còn chỉ tiêu xuất khẩu thì mới mở tờ khai tiếp để không gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Thường trực Ủy ban Kinh tế  cũng cho rằng, cần làm rõ việc Hải quan mở hệ thống thông quan hàng hóa tự động để doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo đăng ký tờ khai vào lúc 0 giờ Chủ nhật, ngày 12/4/2020 có dấu hiệu tiêu cực, lợi ích nhóm hay không, đã tuân theo đúng quy định tại Điều 18 Luật Quản lý ngoại thương hay chưa.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng nhấn mạnh, cần sử dụng các biện pháp trong điều hành xuất khẩu gạo theo quy luật thị trường, có lộ trình hợp lý, công khai, minh bạch để không gây khó khăn, bức xúc cho người dân và doanh nghiệp như trong thời gian vừa qua.

Trường hợp tạm dừng xuất khẩu gạo để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia thì cần phải có giải pháp tổng thể, hữu hiệu nhằm tránh gây thiệt hại đến lợi ích của người dân và doanh nghiệp.

Báo cáo cũng nêu rõ, Thường trực Ủy ban Kinh tế sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến vụ việc để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề xuất chính sách liên quan theo thẩm quyền, nếu cần thiết.

Điều hành xuất khẩu gạo: Bộ Tài chính đã góp ý những gì?
Thực tế điều hành xuất khẩu gạo liên tục bị các doanh nghiệp phàn nàn, gây bức xúc như hiện nay khiến dư luận không thể đặt câu hỏi, phải...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư