Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 02 tháng 05 năm 2024,
Vẫn khó giảm tình trạng dạy thêm, học thêm
D.Ngân - 19/09/2023 16:03
 
Câu chuyện dạy thêm, học thêm đã được đề cập từ nhiều năm nay, nhưng vẫn gây nhiều tranh cãi trong xã hội. Và hiện tại, việc học thêm, dạy thêm diễn ra tràn lan.

Chương trình Giáo dục phổ thông mới đang được áp dụng tại các cấp học được dư luận kỳ vọng sẽ giảm tải, giảm áp lực cho học sinh. Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng học thêm vẫn phát triển dưới nhiều hình thức khác nhau. 

Câu chuyện dạy thêm, học thêm đã được đề cập từ nhiều năm nay, nhưng vẫn gây nhiều tranh cãi trong xã hội. Và hiện tại, việc học thêm, dạy thêm diễn ra tràn lan.

Để ngăn vấn nạn này, nhiều địa phương đã ban hành lệnh cấm. Sở Giáo dục và Đào tạo Nam Định yêu cầu các trường không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm. Học sinh có nhu cầu học thêm tự nguyện viết đơn xin học thêm và được gia đình đồng ý, cha mẹ học sinh hoặc người giám hộ trực tiếp ký vào đơn.

Sở này yêu cầu không dạy thêm, học thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp như: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống, dạy tiếng Anh...

Không dạy quá 5 buổi/tuần đối với lớp 9, 12 và không quá 4 buổi/tuần đối với các khối lớp còn lại ở cấp trung học; không dạy quá 4 tiết/buổi; không tổ chức dạy thêm, học thêm vào ngày chủ nhật, ngày lễ và sau 17h30 phút các ngày trong tuần.

Sở này yêu cầu lãnh đạo các trường giám sát việc dạy thêm ngoài nhà trường của các cán bộ, giáo viên nhà trường. Kịp thời xử lý vi phạm về dạy thêm, học thêm và lãnh đạo các trường chịu trách nhiệm nếu để xảy ra sai phạm về dạy thêm, học thêm.

Đồng thời yêu cầu các trường không tự ý cho giáo viên trong trường mượn hoặc thuê cơ sở vật chất, tài sản nhà trường để tổ chức dạy thêm, học thêm. 

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho biết, địa phương cũng quyết định tạm dừng việc liên kết dạy kỹ năng sống trong cơ sở giáo dục công lập, đồng thời rà soát các trung tâm, thẩm định chương trình dạy kỹ năng sống. Việc dạy kỹ năng sống cho học sinh vẫn được các nhà trường triển khai thông qua lồng ghép, tích hợp vào các môn học, hoạt động trải nghiệm.

Người đứng đầu ngành giáo dục tỉnh Nghệ An cho rằng, quyết định nói trên nhằm chấn chỉnh những bất cập trong hoạt động liên kết tổ chức dạy kỹ năng sống cho học sinh trong thời gian qua.

Cũng theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, Sở sẽ ban hành công văn hướng dẫn liên kết tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng sống trong các cơ sở giáo dục; nêu rõ các nguyên tắc, điều kiện, tiêu chuẩn của trung tâm, cơ sở giáo dục, quy trình triển khai thực hiện. Đặc biệt là điều kiện tiêu chuẩn về giáo trình, tài liệu, đội ngũ giáo viên, báo cáo viên, huấn luyện viên.

Khi nào các trung tâm kỹ năng sống đảm bảo yêu cầu theo công văn hướng dẫn trên, sở mới thẩm định cho phép triển khai thực hiện vào nhà trường theo đúng quy trình.

Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang yêu cầu trưởng phòng phòng giáo dục và đào tạo chỉ đạo hiệu trưởng các trường tiểu học tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở triển khai lại các nội dung quy định trước đó cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, phụ huynh học sinh và người dân trên địa bàn biết, thực hiện đúng quy định.

Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, đúng quy định về hoạt động nuôi giữ, chăm sóc học sinh ngoài giờ học chính khóa; không được tổ chức dạy thêm, học thêm dưới bất kỳ hình thức nào tại cơ sở nuôi giữ và chăm sóc học sinh.

Được biết, theo báo cáo phân tích Giáo dục Việt Nam giai đoạn 2011-2020 mới đây của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam và UNESCO cho thấy, trung bình gia đình học sinh đóng góp khoảng 24% tổng chi phí cho học sinh đi học và có xu hướng tăng dần theo cấp học, trong đó chi phí học thêm là khoản lớn nhất.

Nói về các giải pháp ngăn dạy thêm, học thêm tràn lan Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, thời gian tới Bộ tiếp tục tham mưu Chính phủ đề xuất Quốc hội đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Sau đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý hoạt động dạy thêm (sửa Thông tư số 17) nhằm bảo đảm phù hợp, thuận lợi cho công tác quản lý hoạt động này trong và ngoài nhà trường.

Trước đó, nói về vấn đề dạy thêm học thêm tràn lan theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, về dạy thêm, học thêm trong các cấp học, Bộ đã ban hành Thông tư số 17/TT-BGDĐT.

Sau khi luật Sửa đổi luật Đầu tư đưa hoạt động dạy thêm, học thêm ra khỏi danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, một số điều quy định về điều kiện và cấp phép tổ chức dạy thêm, học thêm tại Thông tư số 17 không còn hiệu lực.

Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định các quy định khác của Thông tư số 17 vẫn có hiệu lực thi hành như quy định về nguyên tắc dạy thêm, học thêm, các trường hợp không được dạy thêm, học thêm, trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm của địa phương, cơ sở giáo dục.

Hoạt động dạy thêm, học thêm phải bảo đảm các nguyên tắc cơ bản sau: Không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khóa; Học sinh trong cùng một lớp dạy thêm, học thêm phải có học lực tương đương nhau, khi xếp học sinh vào các lớp dạy thêm, học thêm phải căn cứ vào học lực của học sinh;

Tuyệt đối không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá để đưa vào giờ dạy thêm; Không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng quy định rõ, đối tượng học thêm là học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được gia đình đồng ý. Giáo viên không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm.

Hoạt động dạy thêm, học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và không gây nên tình trạng vượt quá sức tiếp thu của học sinh.

Ngược thời gian, cũng về vấn nạn dạy thêm học thêm tràn lan, từ năm 2019 và 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã 2 lần gửi văn bản kiến nghị với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa việc cấp phép tổ chức dạy thêm, học thêm văn hóa theo chương trình giáo dục phổ thông vào danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện để trình Quốc hội thông qua nhưng vì nhiều lý do mà đề xuất này bất thành.

Bình luận về ý kiến của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, một số chuyên gia cho hay đề xuất này vừa sai luật vừa không đúng với thực tiễn khi triển khai vào cuộc sống.

Theo đó, Luật của chúng ta vẫn chưa cho phép giáo dục là ngành kinh doanh như hàng hóa. Nhà trường, thầy cô với phụ huynh, học sinh chưa phải là quan hệ mua bán.

Chưa kể, Luật Giáo dục đã cấm “Ép buộc học sinh học thêm để thu tiền” hay “Cấm lợi dụng hoạt động giáo dục vì mục đích vụ lợi”.

Để chuyển hướng tích cực cho hoạt động dạy thêm, học thêm theo chuyên gia cần nâng mức lương cao nhất cho giáo viên trong khối sự nghiệp, tạo ra các cơ chế tự chủ để giáo viên sống được bằng tổng thu nhập hàng tháng. 

Đồng thời từng bước cải tiến việc đánh giá học sinh, đổi mới phương thức, nội dung thi tuyển trong trường, từng địa phương và quốc gia, nhằm giảm áp lực học thêm.

Dạy thêm, học thêm: Hiểu thế nào cho đúng?
Trước vấn nạn dạy thêm, học thêm tràn lan một số ý kiến cho rằng cần đưa hoạt động dạy thêm thành nghề kinh doanh có điều kiện, vậy điều...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư