Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Vẫn trái chiều quan điểm về cắt điện, nước trong xử phạt vi phạm hành chính
Nguyễn Lê - 22/10/2020 15:18
 
Người chọn phương án 1, người đồng tình phương án 2, ai cũng có quan điểm mạnh mẽ.
.
Sáng 22/10, Quốc hội đã thảo luận lần cuối về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án luật - (Ảnh Duy Linh) 

Chính phủ để nghị bổ sung, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn phân vân, đại biểu Quốc hội cũng chưa thể thống nhất về phương án cắt điện, nước trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Sáng 22/10, Quốc hội đã thảo luận lần cuối về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án luật này, trước khi bấm nút thông qua vào cuối kỳ họp thứ 10.

Báo cáo tiếp thu, giải trình dự án luật trước khi đại biểu thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình cả hai phương án.

Một là, không bổ sung phương án Chính phủ trình và hai là bổ sung theo hướng: Quy định biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước” chỉ được thực hiện tại địa điểm vi phạm và chỉ áp dụng đối với cá nhân, tổ chức bị xử phạt bằng hình thức tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; giới hạn việc áp dụng biện pháp này trong 2 lĩnh vực là xây dựng và bảo vệ môi trường; đồng thời việc áp dụng biện pháp này không được làm ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức khác không liên quan đến vụ việc vi phạm hành chính.

Ý kiến tại phiên thảo luận cho thấy chưa phương án nào được đồng thuận cao.

Đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) lo ngại, dự thảo luật đang thiết kế theo hướng cắt điện, nước là biện pháp cuối cùng, "nhưng tôi tin chắc rằng sẽ là biện pháp được áp dụng đầu tiên. Bởi vì, biện pháp đó rất dễ áp dụng, đưa cái khó cho người người dân, đồng thời tạo thuận lợi cho cơ quan nhà nước, như vậy là không nên".

Theo đại biểu Bình, không nên bổ sung biện pháp cắt điện nước, còn nếu vẫn giữ 2 phương án, ông Bình đề nghị đưa ra Quốc hội xin biểu quyết bằng phiếu.

"Quyết định xử phạt hành chính là thái độ nghiêm khắc của Nhà nước và cần phải được chấp hành một cách nghiêm chỉnh nếu như không tự giác thực hiện thì phải bị cưỡng chế. Việc bổ sung thêm biện pháp cưỡng chế là ngừng cấp dịch vụ điện, nước tôi cho là cũng cần thiết nhưng phải làm thận trọng và chỉ trong một số lĩnh vực thôi", đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) nghiêng về quan điểm của Chính phủ.

Đề nghị Quốc hội lựa chọn phương án 1, đại biểu Ma Thị Thuý (Tuyên Quang) nêu rõ, việc áp dụng biện pháp ngừng cung cấp điện nước sẽ dẫn đến vi phạm quyền của con người và các nguyên tắc xử phạt, không phân hóa rõ ràng được trách nhiệm hành chính.

Bà Thuý phân tích, việc cung cấp dịch vụ điện, nước được thực hiện theo hợp đồng dân sự được ký kết giữa hộ gia đình, cá nhân, tổ chức với đơn vị cung cấp dịch vụ, thực hiện điều chỉnh quyền và nghĩa vụ rõ ràng bị ràng buộc bởi các quy định của pháp luật khác. Do vậy, việc bổ sung biện pháp cưỡng chế này không thể hiện tính nhân văn và chưa thuyết phục, tính khả thi không cao và trái với nguyên tắc tự thỏa thuận, tự chịu trách nhiệm quy định trong Bộ luật Dân sự. Bên cạnh đó, còn thể hiện sự thiếu hiệu quả của cơ quan quản lý nhà nước và hiệu lực của các quy định pháp luật của nhà nước.

Phân tích này được một số vị khác đồng tình.

Nhưng, đại biểu Bùi Quốc Phòng (Thái Bình) có quan điểm khác, vì  thực tế đã có nhiều cá nhân, tổ chức vi phạm, nhất là vấn đề gây ô nhiễm môi trường. Nếu vẫn cung cấp điện, nước thì họ vẫn sản xuất và sẽ tiếp tục gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng tới đời sống, sức khỏe của người dân và lợi ích của cộng đồng.

Vì thế quy định như phương án 2 sẽ đảm bảo trật tự, kỷ cương quản lý hành chính nhà nước, kiên quyết ngăn chặn các hành vi vi phạm, đồng thời cũng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức có liên quan.

Điện, nước là nhu cầu thiết yếu của cá nhân, trong đó có người già, phụ nữ và trẻ em là những đối tượng cần được quan tâm, cần được bảo vệ và họ trực tiếp thụ hưởng và cũng là đối tượng trực tiếp chịu sự tác động của luật. Đây là yếu tố rất nhạy cảm, dễ dẫn đến bức xúc trong dư luận, dễ bị tác động bởi các yếu tố tiêu cực làm ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở các địa phương, đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng) nêu quan điểm.

Cứ như vậy, người chọn phương án 1, người đồng tình phương án 2, ai cũng có lập luận riêng một cách mạnh mẽ.

Những vấn đề ý kiến của các vị đại biểu  còn khác nhau, Thường vụ Quốc hội sẽ gửi phiếu xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội - Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đưa ra hướng giải quyết, như thường lệ. 

Có nên cắt điện, nước hộ dân, doanh nghiệp trong xử lý vi phạm hành chính
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính sau nhiều vòng thảo luận vẫn còn ý kiến khác nhau, nên cần...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư