Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Vất vả và niềm vui trong nghề báo
Gia Huy - 21/06/2017 09:51
 
Các cụ nói, nghề chọn người chứ người không chọn nghề. Tôi học sư phạm nhưng lại bén duyên với nghề báo. Ngày tôi gia nhập làng báo, một đàn anh trong nghề nói với tôi rằng, ranh giới giữa vinh quang và tội đồ trong nghề báo chỉ như một đường chỉ...

1.

Tháng 7/2011, khi vấn nạn sang chiết xăng lậu diễn ra rầm rộ tại TP.HCM, tôi quyết định thâm nhập đường dây sang chiết xăng lậu xuyên tỉnh Bình Dương và Đồng Nai. Sau nhiều ngày đóng vai xe ôm để theo dấu các đối tượng, tôi bị công an một phường tại huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương mời về đồn để xác minh tại sao mấy ngày cứ ngồi trước cửa nhà dân.

Nhiều ngày đeo bám, chạy xe theo những đối tượng đi xe máy chở đầy can nhựa đi giao nhận xăng, tôi cũng tìm ra được kho sang chiết xăng tại huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên, việc khó khăn nhất là kho xăng này rộng lớn, bao quanh bởi tường bao và việc sang chiết xăng được các đối tượng thực hiện trong nhà kho rộng. Việc làm bài điều tra phải cần hình ảnh và clip quay cảnh sang chiết xăng, phòng các đối tượng chối cãi hoặc khi công an vào cuộc điều tra thì đưa làm bằng chứng.

Cả đêm nghĩ đủ cách, cuối cùng, tôi cũng tìm ra, đó là giả làm người tàn tật, cầm vé số đi bán dạo và ghi hình bằng chiếc camera cúc áo. Cuối cùng tôi cũng vào được trong kho bán vé số, nhưng hình ảnh quay hôm đó không đạt, buộc tôi phải một lần nữa thâm nhập vào đó, nhưng lần này không thể bán vé số vì chiếc camera cúc áo rất khó quay buộc tôi phải hóa trang thành một người vừa nhặt ve chai vừa bán vé số và chiếc máy quay được tôi dấu kỹ vào cái bao khoác trên vai. Hình ảnh sang chiết xăng lần này được quay rất rốt và chân thực, bài báo đăng tải nhận được nhiều khen ngợi từ độc giả và đồng nghiệp.

2.

Hạnh phúc lớn nhất của một phóng viên, đó là bài báo của mình viết ra về vấn đề nào đó của người dân mà được cấp chính quyền giải quyết, người dân tại nơi đó được hưởng lợi. Câu chuyện mới đây của hàng trăm người dân tại TP.HCM mua đất xây nhà tại Dự án Khu dân cư Phước Kiển I tại huyện Nhà Bè, mua đất 13 năm nhưng chủ đầu tư không thực hiện xây dựng và giao đất cho người dân xây nhà. Hàng trăm hộ dân đã đi gõ cửa nhiều cơ quan chính quyền nhưng cũng không giải quyết được gì, nhiều cơ quan báo chí cũng đã vào cuộc, nhưng rồi với một hai bài báo vẫn không lay động tới chính quyền Thành phố.

Khi nhận được đơn cầu cứu với chữ ký của hàng trăm hộ dân mua đất tại dự án này, tôi thực hiện loạt bài về vụ việc. Kết quả, UBND TP.HCM, chủ đầu tư, UBND huyện Nhà Bè đã có động thái, chủ đầu tư đã thực hiện xây dựng hạ tầng, giao đất cho hơn 400 hộ dân xây nhà. Đối với tôi, cái tết năm 2017 là cái tết vui nhất, bởi những người dân mua đất tại đây gọi điện thông báo đã xây được nhà mới để đón tết.

3.

Quyết định lớn nhất của một phóng viên đó là, viết hay không viết đề tài mà có thể, khi bài báo mình viết lên sẽ có những người mất việc, đổi lại, bài viết sẽ là lời cảnh báo cho cơ quan chức năng về vấn đề nóng của xã hội.

Đó là đề tài về mua bán bằng cấp ở các trường đại học tại TP.HCM. Thâm nhập vào các trung tâm dạy tiếng Anh, vi tính của Trường đại học Công nghệ thông tin - Đại học Quốc gia TP.HCM, đây là nơi xảy ra hiện tượng bán chứng chỉ tiếng Anh, tin học cho bất kỳ ai, chỉ cần đóng một khoản tiền vài trăm ngàn đồng.

Sau gần 1 tháng điều tra, vấn đề cũng được làm rõ. Nhưng khi đó, người làm sai tìm tới xin được tự sửa sai, xin thôi việc và nhận lỗi với trường, bởi nếu bài viết đăng tải, danh tiếng của ngôi trường đại học này sẽ bị ảnh hưởng, các học viên được cấp văn bằng cũng sẽ bị điều tra và có nguy cơ thu lại văn bằng… Sau nhiều lần suy nghĩ, tôi quyết định vẫn đăng tải bài viết để ngành giáo dục nhận ra những kẽ hở này để có sự quản lý chặt hơn ở những trung tâm tin học, ngoại ngữ tại các trường đại học.

4.

Khi phong trào khởi nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phát động, tôi được tòa soạn giao viết về những câu chuyện khởi nghiệp thành công để truyền lửa cho những bạn trẻ khởi nghiệp. Nhưng để tìm ra những câu chuyện khởi nghiệp thành công không hề đơn giản và để viết về họ thì phải hiểu về họ cũng như mô hình kinh doanh của họ. Vậy là, những kiến thức về nông nghiệp, công nghiệp… được tôi tìm đọc. Những mô hình khởi nghiệp được tôi tìm tới thuyết phục xin viết.

Trong những câu chuyện khởi nghiệp, đa phần người khởi nghiệp gặp nhiều khó khăn, trong đó có vốn và kiến thức trong lĩnh vực mà họ khởi nghiệp. Khi bài báo về mô hình khởi nghiệp tôi viết được đăng tải, đã có những cuộc điện thoại từ nhân vật được viết gọi điện thông báo có những quỹ khởi nghiệp hay các nhà đầu tư hẹn gặp để tìm hiểu và rót vốn tiếp sức cho ý tưởng khởi nghiệp của họ. Tôi cho rằng, đó là sự thành công lớn nhất mà bài báo làm được cho những doanh nghiệp đủ tự tin khởi nghiệp.

Hạnh phúc lớn nhất của một phóng viên, đó là bài báo của mình viết ra về vấn đề nào đó của người dân mà được cấp chính quyền giải quyết, người dân tại nơi đó được hưởng lợi.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chúc mừng Báo Đầu tư nhân ngày Báo chí Cách mạng
Nhân dịp kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2017), thay mặt Ban cán sự Đảng và Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư