Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
VBF 2020: Chia sẻ sáng kiến, giải pháp cho giai đoạn 'bình thường mới'
Kỳ Thành - 22/12/2020 09:55
 
Diễn đàn VBF là cơ hội để trao đổi, chia sẻ và đề xuất những sáng kiến và giải pháp mới, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh trong trạng thái bình thường mới.

Sáng 22/12, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2020 (VBF) chính thức khai mạc tại Hà Nội. Với chủ đề “Thách thức và Cơ hội trong trạng thái bình thường mới”, Diễn đàn là cơ hội để chúng ta cùng nhau trao đổi, chia sẻ và đề xuất những sáng kiến và giải pháp mới, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh trong trạng thái bình thường mới, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh điều này trong phát biểu khai mạc Diễn đàn.

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2020
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2020 (Ảnh: Đức Thanh)

Theo Bộ trưởng Dũng, năm 2020 được xem là một năm của những khó khăn và thách thức lớn mà tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam do phải đối mặt với sự bùng phát của dịch Covid-19. Tuy nhiên, với những giải pháp quyết liệt và hiệu quả trong việc thực hiện mục tiêu kép phục hồi và phát triển kinh tế, đồng thời kiểm soát dịch bệnh, Việt Nam vẫn đạt được những kết quả tích cực với việc duy trì được tăng trưởng GDP, dự kiến năm 2020 đạt 2,5-3%.

Đây cũng là năm cuối của kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2016 - 2020, giai đoạn mà Việt Nam đã vượt qua nhiều thử thách để đạt được những thành tựu rất quan trọng và toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. Đó là: (1) Cả nước đã tập trung phòng chống, kiểm soát tốt dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; (2) Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, chất lượng tăng trưởng được nâng lên. Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2019 đạt khá cao, bình quân 6,8%/năm; (3) Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội được tập trung nguồn lực đầu tư; nhiều công trình, dự án quan trọng, quy mô lớn đã hoàn thành trong giai đoạn 2016 - 2019; (4) Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả; (5) Cải cách hành chính chuyển biến tích cực, môi trường kinh doanh được cải thiện; và (6) Các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được chủ động đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng.

"Trong các kết quả nêu trên có sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Sự tin tưởng và chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp đã bổ sung thêm động lực để Chính phủ Việt Nam quyết tâm và điều hành linh hoạt để thực hiện hiệu quả các mục tiêu đã đề ra", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bước vào năm 2021 - năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam đang hướng đến các mục tiêu: (1) Tập trung thực hiện hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; (2) Thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế; (3) Đẩy nhanh chuyển đổi số và phát triển nền kinh tế số, xây dựng xã hội số; (4) Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; (5) Cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi để khơi thông các nguồn lực cho phát triển; và (6) Đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Toàn cảnh Diễn đàn VBF 2020 (Ảnh: Dũng Minh)
Toàn cảnh Diễn đàn VBF 2020 (Ảnh: Dũng Minh)

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp đưa ra một số đề xuất, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng Chính phủ có các biện pháp cụ thể và nhanh chóng để giải quyết ngay các nút thắt đang cản trở doanh nghiệp tận dụng các cơ hội hội nhập từ các FTA nói chung và từ EVFTA nói riêng để phục hồi từ COVID-19 và tiếp tục phát triển, bao gồm nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng…

Về nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, mặc dù đây là công việc của từng doanh nghiệp, nhưng ông Lộc cũng chia sẻ, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng Chính phủ có thể hỗ trợ doanh nghiệp trong vấn đề này, bao gồm tăng cường năng lực và chất lượng xúc tiến đầu tư thương mại, hỗ trợ thiết lập các trung tâm kỹ thuật đối với các nhóm nông sản mà các nước Đối tác nhập khẩu có yêu cầu đặc thù về tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm phải chiếu xạ, phải kiểm tra trước khi bốc hàng…

Cùng với đó, Chủ tịch VCCI cũng kiến nghị Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, với trọng tâm là cải cách về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.

“Cộng đồng doanh nghiệp đang kỳ vọng việc các bộ ngành và chính quyền các địa phương thực thi đầy đủ, nghiêm túc Nghị quyết 68 của Chính phủ ban hành tháng 5/2020 mà trọng tâm cắt giảm gánh nặng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp”, ông Lộc nói.

Cùng với đó, ông Lộc kiến nghị xây dựng và triển khai hiệu quả, thực chất các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, tập trung vào đối tượng doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, tạo thuận lợi cho việc tiếp cận các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19.

VBF: Cuộc đối thoại có trách nhiệm
Sáng nay (10/1), Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2019 (VBF) diễn ra tại Hà Nội. Như thường lệ, cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp và...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư