Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 12 tháng 09 năm 2024,
VDSC ước tính lợi nhuận quý IV của Hoa Sen giảm 69%, về 136 tỷ đồng
Duy Bắc - 12/09/2024 14:16
 
Tập đoàn Hoa Sen có thể ghi nhận lợi nhuận đi lùi trong quý IV/2024 khi mà hoạt động xuất khẩu gặp khó khăn, có thể suy giảm tới 26,37% về sản lượng tiêu thụ so với quý trước.

Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa đưa ra Báo cáo cập nhập tình hình kinh doanh quý III niên độ tài chính 2023-2024 (từ ngày 1/4 - 30/6/2024) và dự phóng tình hình kinh doanh quý IV niên độ tài chính 2023 - 2024 của CTCP Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG - sàn HoSE).

Trong quý IV niên độ tài chính 2023 - 2024 (từ ngày 1/7 - 30/9/2024), Chứng khoán Rồng Việt kỳ vọng Hoa Sen sẽ duy trì tăng trưởng tại thị trường nội địa, nhưng đối mặt với nhiều thách thức ở thị trường xuất khẩu.

Với thị trường nội địa, do ảnh hưởng của mùa mưa bão, sản lượng tôn mạ tiêu thụ tại thị trường miền Bắc dự kiến đạt 65.222 tấn, giảm 5,4% so với quý trước và tăng 36% so với cùng kỳ. Tại miền Nam, sản lượng tiêu thụ được kỳ vọng đạt 82.635 tấn, giảm 1,72% so với quý trước và vẫn tăng 10% so với cùng kỳ.

“Sản lượng vẫn duy trì sự tăng trưởng so với cùng kỳ, phản ánh nhu cầu duy trì ở các dự án bất động sản khu công nghiệp và nhà ở, đặc biệt là tại các thành phố lớn và khu vực miền Nam”, Chứng khoán Rồng Việt nhận định.

Ở thị trường xuất khẩu, sản lượng ước tính giảm xuống 176.416 tấn, giảm 26,37% so với quý trước và tương đương so với cùng kỳ.

“Điều này chủ yếu do nhu cầu yếu tại các thị trường xuất khẩu lớn như Bắc Mỹ và Châu Âu, cùng với sự suy giảm trong biên độ chênh lệch giá giữa thép trong nước và quốc tế”, Chứng khoán Rồng Việt nhận định thêm.

Dựa trên dự báo tiêu thụ thị trường nội địa và xuất khẩu, ước tính trong quý IV, Hoa Sen có thể ghi nhận doanh thu đạt 8.808 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 136 tỷ đồng, giảm 69% so với cùng kỳ năm trước.

Vượt kế hoạch kinh doanh sau 9 tháng

Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý III niên độ tài chính 2023 - 2024 (từ ngày 1/4/2024 đến ngày 30/6/2024), Hoa Sen ghi nhận doanh thu đạt 10.840,4 tỷ đồng, tăng 25,4% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế ghi nhận 273,41 tỷ đồng, tăng hơn 18,3 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm cải thiện từ mức 10,3% lên 12,3%.

Lý giải lợi nhuận tăng trưởng trong quý III, ông Vũ Văn Thanh, Tổng giám đốc Hoa Sen lý giải do doanh thu tăng hơn 25%, đồng thời lợi nhuận gộp tăng gần 50%.

Luỹ kế trong 9 tháng đầu năm niên độ tài chính 2023 - 2024 (từ ngày 1/10/2023 đến 30/6/2024), Hoa Sen ghi nhận doanh thu đạt 29.163,2 tỷ đồng, tăng 23,9% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế ghi nhận lãi 696 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 410,02 tỷ đồng, tức tăng thêm tới 1.106 tỷ đồng.

Trong niên độ tài chính 2023-2024 (từ ngày 1/10/2023 đến ngày 30/9/2024), Tập đoàn Hoa Sen đặt kế hoạch kinh doanh với 2 kịch bản.

Kịch bản 1 với sản lượng tiêu thụ 1.625 nghìn tấn, tăng 13,3% so với cùng kỳ, doanh thu dự kiến 34.000 tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến 400 tỷ đồng, tăng 12,33 lần so với thực hiện trong niên độ 2022-2023.

Kịch bản 2, tổng sản lượng tiêu thụ ước tính 1.730 nghìn tấn, tăng 20,7% so với cùng kỳ, doanh thu ước tính 36.000 tỷ đồng, tăng 13,7% so với cùng kỳ, và lợi nhuận sau thuế dự kiến 500 tỷ đồng, tăng 15,67 lần so với thực hiện trong niên độ 2022-2023.

Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm niên độ tài chính 2023 - 2024, Hoa Sen đã hoàn thành 174% so với kế hoạch lãi 400 tỷ đồng và hoàn thành 139,2% so với kế hoạch lãi 500 tỷ đồng.

Có thể thấy, cho dù kịch bản tích cực nhất, sau 9 tháng đầu niên độ tài chính 2023-2024, Hoa Sen đã vượt kế hoạch năm tài chính.

Tăng vay nợ khi tăng tích trữ tồn kho trong 9 tháng

Trái với lợi nhuận tăng trở lại, trong 9 tháng đầu năm niên độ 2023 - 2024, Hoa Sen bất ngờ ghi nhận dòng tiền kinh doanh chính âm 2.745,97 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 375,2 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư ghi nhận âm 78,2 tỷ đồng và dòng tiền tài chính ghi nhận dương 2.700,2 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ bù đắp thâm hụt dòng tiền kinh doanh.

Được biết, từ năm 2016 tới nay, chưa năm nào Hoa Sen ghi nhận dòng tiền kinh doanh âm kỷ lục 2.745,97 tỷ đồng như trong 9 tháng đầu năm niên độ 2023 - 2024. Trong đó, năm dòng tiền âm lớn nhất là năm 2017 với giá trị âm 2.173,4 tỷ đồng và Công ty đã trải qua giai đoạn 2018-2023 với dòng tiền kinh doanh dương liên tục.

Về quy mô tài sản, tính tới 30/6/2024, tổng tài sản của Hoa Sen tăng 13,6% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 2.357,6 tỷ đồng, lên 19.722,9 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tồn kho ghi nhận 10.157,8 tỷ đồng, chiếm 51,5% tổng tài sản; tài sản cố định ghi nhận 4.282,8 tỷ đồng, chiếm 21,7% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 2.422 tỷ đồng, chiếm 12,3% tổng tài sản…

Trong kỳ, tài sản tăng mạnh chủ yếu do tồn kho tăng 33,2% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 2.529,2 tỷ đồng, lên 10.157,8 tỷ đồng và đây cũng là nguyên nhân dòng tiền kinh doanh thâm hụt kỷ lục.

Hoa Sen thuyết minh việc tăng tồn kho trong 9 tháng chủ yếu đến từ việc tăng nguyên liệu, vật liệu, cũng như thành phẩm.

Thực tế, việc tăng tích trữ tồn kho đồng nghĩa trong kỳ Hoa Sen đã tăng trích lập dự phòng giảm giá tồn kho thêm 94,8 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, lên 212,2 tỷ đồng (đầu năm chỉ trích lập 117,4 tỷ đồng).

Về phần nguồn vốn, trong kỳ, tổng nợ vay tăng 102,4% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 3.007,8 tỷ đồng, lên 5.944,1 tỷ đồng và bằng 53,5% tổng vốn chủ sở hữu (đầu năm ghi nhận dư nợ 2.936,3 tỷ đồng, bằng 27,2% tổng vốn chủ sở hữu).

Dragon Capital đã bán ra hơn 3,17 triệu cổ phiếu Tập đoàn Hoa Sen
Lãi tăng trưởng mạnh trong 9 tháng niên độ tài chính 2023 – 2024 nhưng cổ phiếu CTCP Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG) vẫn bị khối ngoại bán ra giảm sở hữu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư