Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 02 tháng 05 năm 2024,
Vi phạm nghĩa vụ thanh toán có thể bị cấm tham gia đấu giá đến 5 năm
Nguyễn Lê - 26/03/2024 15:32
 
Một số ý kiến đề nghị bổ sung chế tài cụ thể để xử lý người trúng đấu giá bỏ cọc. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, đấu giá tài sản là quan hệ dân sự nên không xử lý hành chính, hình sự.
.
Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách đang diễn ra tại Nhà Quốc hội.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản (Dự thảo) đã bổ sung chế tài trường hợp người trúng đấu giá một số loại tài sản mà vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá dẫn đến quyết định công nhận kết quả đấu giá bị huỷ.

Dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ bảy của Quốc hội, Dự thảo được cho ý kiến vào ngày 27/3 trong khuôn khổ Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách đang diễn ra tại Nhà Quốc hội.

Quá trình thảo luận và hoàn thiện Dự thảo, về chế tài xử lý vi phạm đối với người trúng đấu giá không nộp tiền trúng đấu giá (Điều 70), một số ý kiến đề nghị bổ sung chế tài cụ thể để xử lý người trúng đấu giá bỏ cọc. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, đấu giá tài sản là quan hệ dân sự nên không xử lý hành chính, hình sự, đồng thời, quy định người trúng đấu giá được từ chối kết quả trúng đấu giá do có sự kiện bất khả kháng.

Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định cụ thể và xử lý hình sự đối với những trường hợp bỏ cọc không thực hiện kết quả trúng đấu giá, có dấu hiệu thao túng, gây rối trật tự, ảnh hưởng xấu đến an ninh kinh tế.

Thường trực Ủy ban Kinh tế (cơ quan chủ trì thẩm tra dự án luật) cho biết đã tiếp thu tại khoản 39 Điều 1 của dự thảo Luật (sửa đổi, bổ sung Điều 70 của Luật hiện hành) theo hướng bổ sung trường hợp người trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản mà vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá dẫn đến quyết định công nhận kết quả đấu giá bị huỷ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm bị cấm tham gia đấu giá đối với loại tài sản đó trong thời hạn từ 6 tháng đến 5 năm trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo quy định tại Điều 87 của Luật Đấu thầu năm 2023.

Đây là những tài sản đặc thù, có giá trị lớn, ảnh hưởng lớn đến thị trường bất động sản, chứng khoán, giá cả vật liệu xây dựng… do đó, việc bổ sung quy định cấm người trúng đấu giá đối với những tài sản này tham gia đấu giá trong thời hạn nhất định tùy theo tính chất, mức độ vi phạm nhằm ngăn chặn các hành vi tiêu cực, gây lũng đoạn thị trường, ngăn chặn tình trạng bỏ cọc hoặc thổi phồng giá trị tài sản để trục lợi trong đấu giá tài sản, Thường trực Ủy ban Kinh tế giải thích.

Đồng thời, theo báo cáo, Dự thảo Luật đã bổ sung quy định về cơ quan có thẩm quyền quyết định cấm tham gia đấu giá là cơ quan phê duyệt kết quả đấu giá; quy định về việc quyết định cấm tham gia hoạt động đấu giá phải được gửi cho tổ chức, cá nhân bị xử lý và cơ quan, tổ chức có liên quan, đồng thời gửi đến Bộ Tư pháp và phải đăng tải trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia và giao Chính phủ quy định chi tiết các nội dung này.

Bên cạnh đó, theo báo cáo của Thường trực cơ quan thẩm tra, tại Điều 218 của Bộ luật Hình sự đã có quy định về chế tài hình sự đối với hành vi thông đồng, dìm giá hoặc nâng giá trong hoạt động bán đấu giá tài sản. Đồng thời, Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ đã có các quy định cụ thể về chế tài xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm tương ứng, trong đó có hành vi thông đồng, dìm giá.

Đối với việc bồi thường thiệt hại, tại khoản 1 Điều 70 của Luật Đấu giá tài sản đã có quy định việc bồi thường được thực hiện theo quy định của pháp luật để bảo đảm phù hợp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật. 

Tuy nhiên, báo cáo cũng phản ánh, có ý kiến cho rằng, tại Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ chưa có quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi bỏ cọc. Vì vậy đề nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định số 82/2020/NĐ-CP hoặc sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật Đấu giá tài sản về chế tài xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi bỏ cọc với mức xử phạt phù hợp, đủ sức răn đe và ngăn ngừa, tương tự như quy định của Luật Chứng khoán; đồng thời, nếu xác định được gây mất an ninh, trật tự, gây thiệt hại về người và tài sản thì cần thiết phải bổ sung cả chế tài hình sự.

Sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, Dự thảo đã sửa đổi, bổ sung 41 điều, khoản của Luật Đấu giá tài sản (Luật hiện hành), bổ sung 2 điều mới và bỏ 1 điều; tăng 16 điều, khoản so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.

Đấu giá số điện thoại: Tiền cọc thấp, phạt bỏ cọc cao
Luật Viễn thông (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua sáng nay (24/11) gồm 10 chương, 73 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư