Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Vì sao Hàn Quốc trở thành thị trường nhập siêu lớn nhất?
Mạnh Bôn - 16/10/2017 08:30
 
Nhập siêu từ Hàn Quốc trong 9 tháng của năm 2017 lên tới 23,3 tỷ USD, là mức thâm hụt cán cân thương mại cao nhất từ trước đến nay và Hàn Quốc đã trở thành thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam. Ông Vũ Thanh Liêm, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê trao đổi về vấn đề này.
TIN LIÊN QUAN

Ông có bất ngờ khi Hàn Quốc soán ngôi Trung Quốc, trở thành thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam?

Nhìn vào tốc độ tăng trưởng xuất - nhập khẩu cũng như cán cân thương mại giữa Việt Nam - Hàn Quốc và Việt Nam với các đối tác thương mại lớn nhất như Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU từ năm 2010, có thể dự báo, sớm muộn Hàn Quốc cũng vượt Trung Quốc trở thành thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam.

.
.

Cụ thể, nếu năm 2010, Việt Nam nhập siêu từ Hàn Quốc chỉ bằng nửa so với Trung Quốc, nhưng trong 9 tháng đầu năm đã là 23,3 tỷ USD, vượt xa Trung Quốc (19,7 tỷ USD). Điều này không quá bất ngờ, đã được dự đoán trước, chỉ không ngờ là Hàn Quốc lại sớm soán ngôi Trung Quốc để trở thành thị trường nhập siêu lớn nhất.

Vì sao sớm có sự “soán ngôi” Trung Quốc như vậy?

Nhập khẩu từ Hàn Quốc tăng rất mạnh có yếu tố rất quan trọng là đầu tư trực tiếp nước ngoài của Hàn Quốc tăng liên tục. Tính đến cuối năm 2016, cả nước có 22.594 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm là hơn 293 tỷ USD. Trong đó, riêng Hàn Quốc chiếm tới 5.773 dự án, với tổng vốn 50,5 tỷ USD - nhiều hơn bất cứ đối tác nào khác.

Trong 9 tháng đầu năm nay, Hàn Quốc tiếp tục đầu tư thêm vào Việt Nam hơn 2,3 tỷ USD và tiếp tục giữ ngôi vị số một trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Các dự án FDI của Hàn Quốc vào Việt Nam kéo theo nhập khẩu công nghệ, thiết bị, dây chuyền máy móc, nguyên liệu, phụ phụ tùng… Đây là nguyên nhân thứ nhất.

Thứ hai, khi đầu tư vào Việt Nam, hàng chục ngàn chuyên gia, người lao động Hàn Quốc và gia đình họ sang Việt Nam sinh sống, làm việc, kéo theo rất nhiều nhà hàng, siêu thị,  trung tâm thương mại được đầu tư chủ yếu phục vụ người Hàn Quốc, do người dân xứ Kim chi có tập quán, thói quen sử dụng hàng do nội địa sản xuất, vì vậy, nhập khẩu hàng tiêu dùng, ăn uống, thiết bị gia đình từ Hàn Quốc tăng lên.

Thứ ba, nhờ thu nhập tăng, nên một bộ phận người dân đô thị, đặc biệt là giới trẻ có xu hướng sử dụng hàng tiêu dùng, thiết bị gia đình “Made in Korea”, vì chất lượng khá tốt và giá cả cạnh tranh.

Thứ tư, máy móc, thiết bị, công nghệ Trung Quốc có lợi thế giá rẻ, nhưng chất lượng không bảo đảm, tiêu hao nhiên liệu, nên doanh nghiệp trong nước thay vì thiên hướng nhập khẩu từ Trung Quốc trước đây, đang dần tìm thị trường nhập khẩu mới, trong đó máy móc, thiết bị, công nghệ của Hàn Quốc là một trong những lựa chọn đầu tiên.

Cuối cùng, doanh nghiệp Hàn Quốc tận dụng rất tốt Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKAFTA) và Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc (AKAFTA) để đẩy mạnh xuất khẩu vào Việt Nam, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam chưa làm được. Điều này cũng góp phần khiến cán cân thương mại hai chiều ngày càng nghiêng về xứ sở kim chi.

Với tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu hai chiều thời gian qua, ông có cho rằng, trong tương lai, tổng kim ngạch thương mại Việt - Hàn sẽ vượt Việt - Trung?

Tôi nghĩ điều này khó có thể xảy ra, vì tổng kim ngạch thương mại Việt Nam - Hàn Quốc còn khoảng cách rất xa so với Việt Nam - Trung Quốc. Hơn nữa, bên cạnh lợi thế có chung đường biên giới, người tiêu dùng Trung Quốc và Việt Nam khá dễ tính, nên 2 nước có điều kiện thuận lợi xuất khẩu hàng hóa vào thị trường của nhau, đặc biệt là mặt hàng nông sản và thủy sản.

Tuyệt đại đa số doanh nghiệp Việt Nam có quy mô rất nhỏ, vốn chỉ vào khoảng 10 tỷ đồng, nên chưa có đủ điều kiện nhập khẩu máy móc, dây chuyền, thiết bị từ Hàn Quốc, do đó, thị trường Trung Quốc vẫn là sự lựa chọn số một. Trung Quốc là thị trường cung cấp nguyên, phụ liệu số một của thế giới, các doanh nghiệp Việt Nam không thể bỏ qua thị trường nguyên, phụ liệu này.

Với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Hàn Quốc vào Việt Nam trong thời gian qua và tới đây khi VKAFTA, AKAFTA vào cuối lộ trình cắt giảm thuế, ông có lo ngại Việt Nam ngày càng nhập siêu từ Hàn Quốc?

Việt Nam nhập khẩu từ Hàn Quốc chủ yếu là máy móc, thiết bị, linh kiện… phục vụ chính các doanh nghiệp FDI đầu tư tại Việt Nam sản xuất hàng xuất khẩu, đặc biệt là những “người khổng lồ” như Samsung, LG…, thì việc nhập khẩu là tốt. Vì không nhập khẩu từ “chính quốc”, doanh nghiệp FDI Hàn Quốc vẫn phải nhập khẩu từ thị trường khác để phục vụ hoạt động sản xuất, xuất khẩu.

Kể từ năm 2018, theo AKAFTA, có tới 86% số hàng hóa nhập khẩu từ Hàn Quốc được hưởng thuế suất 0%. Tôi không lo ngại hàng hóa tiêu dùng Hàn Quốc sẽ đổ bộ vào Việt Nam, vì mục tiêu tối thượng của doanh nghiệp là lợi nhuận, họ không có trách nhiệm, nghĩa vụ phải nhập khẩu hàng từ chính quốc để bán ở Việt Nam qua hệ thống siêu thị.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư