Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 06 tháng 11 năm 2024,
Vì tương lai của Đồng bằng sông Cửu Long
Hà Nguyễn - 27/11/2020 09:33
 
Thận trọng và vô cùng khoa học là điều có thể thấy rõ đối với việc xây dựng Quy hoạch Tổng thể phát triển bền vững ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn 2050 thích ứng với biến đổi khí hậu.
.
Ảnh minh hoạ

Tính tới thời điểm trước Hội nghị Tham vấn về Quy hoạch Tổng thể phát triển ĐBSCL, tổ chức ngày hôm qua (26/11), đã có 17 cuộc hội thảo, 12 cuộc họp chính thức với các bộ, ngành, địa phương trong vùng ĐBSCL cùng nhiều hội thảo, tọa đàm với các chuyên gia trong nước được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức. Sau hội nghị tham vấn quy mô lớn nhất từ trước tới nay này, sẽ tiếp tục có thêm các hội nghị, hội thảo được tổ chức, để làm sao hoàn thiện một cách tốt nhất Quy hoạch Tổng thể phát triển ĐBSCL, trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thận trọng là cần thiết, bởi đây là bản quy hoạch vùng đầu tiên được thực hiện theo phương pháp tích hợp đa ngành mà Luật Quy hoạch đã quy định.

Do đó, không chỉ cần lấy ý kiến của các nhà tư vấn, giới chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách, mà quan trọng còn là ý kiến của các địa phương trong vùng. Chỉ có như vậy, bản quy hoạch mới phản ánh đúng nhu cầu, nguyện vọng của người dân trong vùng, qua đó có giải pháp thực sự giúp tháo gỡ những nút thắt, tạo sự đồng thuận cao trong quá trình lập và triển thực hiện quy hoạch.

Không chỉ là thận trọng và khoa học, cũng có thể nhìn thấy rất rõ một tư duy đổi mới, một tầm nhìn dài hạn trong Quy hoạch Tổng thể phát triển ĐBSCL lần này. Đã đến lúc phải có một cách tiếp cận khác, vì tương lai phát triển bền vững của ĐBSCL.

Cũng bởi thế, bản quy hoạch đang được hoàn thiện có rất nhiều điểm mới, mang tính đột phá. Chẳng hạn, Quy hoạch hướng tới phát triển bền vững trên cả 3 trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường, lấy yếu tố “con người” làm trung tâm, trở thành chìa khóa cho tăng trưởng và phát triển, lấy “thích ứng” với biến đổi khí hậu làm cách thức phát triển theo khẩu hiệu “muốn tiến lên phía trước, bắt buộc phải thích ứng”.

Quy hoạch cũng định hướng phân vùng sinh thái nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp với từng tiểu vùng sinh thái nông nghiệp nhằm tăng tối đa sản lượng và chất lượng, giá trị nông sản, đồng thời hài hoà với điều kiện tự nhiên, môi trường. Thậm chí, việc khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên đất, tài nguyên nước theo phương châm “sống chung với nước ngọt, nước lợ và nước mặn” cũng đã được đề xuất. Cả chuyện chuyển đổi sinh kế nông nghiệp ở một số khu vực, từ trồng lúa sang mô hình sinh kế khác phù hợp với điều kiện hạn mặn gia tăng. Rồi chuyện mỗi năm chỉ nên làm 2 vụ lúa, còn một vụ để đất nghỉ và đón phù sa, coi thủy sản là trọng tâm mới của nông nghiệp ĐBSCL, chuyện phải phát triển “thuận thiên” như thế nào…

Đây là những điều mà trước đây thậm chí chưa từng nghĩ tới. Nhưng khi ĐBSCL đứng trước những thách thức sống còn, vì những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, xâm ngập mặn, hạn hán, lũ lụt…, cũng như những áp lực về phát triển kinh tế - xã hội, thì tất cả đều phải thay đổi.

Tất nhiên, để phát triển, ĐBSCL còn phải xây dựng hệ thống đô thị thông minh, phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng, gắn kết hợp với các trung tầm đầu mối; bảo tồn các tài nguyên, hệ sinh thái quan trọng; duy trì và tôn tạo bản sắc văn hóa độc đáo... Phải tập trung phát triển hạ tầng để đi trước một bước nhằm tạo nền tảng cho sự phát tăng trưởng nhanh, ổn định, bền vững của vùng ĐBSCL…

Rất nhiều vấn đề được đặt ra trong một bản quy hoạch tích hợp. Có những ý kiến đồng thuận, nhưng cũng có những ý kiến chưa đồng thuận, nhất là về việc phát triển sinh kế cho người dân ra sao, nên đặt ĐBSCL là một khu vực phát triển độc lập hay kết nối với khu vực TP.HCM và miền Đông Nam Bộ… Nhưng những cuộc tham vấn liên tục được tổ chức sẽ cho chúng ta câu trả lời tốt nhất cho quy hoạch ĐBSCL.

Một khi có mục tiêu đúng, xác định nhiệm vụ đúng, có giải pháp đúng, huy động và phân bổ nguồn lực đúng, thì sẽ có một bản quy hoạch phát triển toàn diện có tầm nhìn xa, sâu rộng cho sự phát triển của ĐBSCL. Quan trọng hơn, từ kinh nghiệm xây dựng quy hoạch ĐBSCL, sẽ có thêm những bản quy hoạch vùng khác của cả nước cũng được xây dựng một cách thận trọng, khoa học, toàn diện và có tầm nhìn xa. Điều này sẽ đảm bảo cho sự phát triển của không chỉ của các vùng kinh tế nói riêng, mà còn cho cả nước nói chung.

5 điểm nhấn của Quy hoạch vùng Đồng bằng Sông Cửu Long
Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng dựa trên nguyên tắc: “Bảo vệ người dân, cải thiện sinh kế,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư