Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Việt Nam cần cú hích từ TPP
Vũ Anh - 01/06/2014 07:37
 
Trong khi quá trình đàm phán gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang bước vào giai đoạn cuối thì nhiều quan điểm trái chiều về việc Việt Nam tham gia TPP sẽ được lợi nhiều hay ít lại được dấy lên.
TIN LIÊN QUAN

Tại Tọa đàm khoa học “Hội nhập kinh tế quốc tế: Cơ hội và thách thức đối với thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam” do Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia tổ chức mới đây, câu chuyện lợi - hại từ TPP lại được xới lên.  

Theo ông Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Thương mại và Công nghiệp, Bộ Công thương, Việc đàm phán  TPP, Việt Nam kỳ vọng lợi ích nhất ở lĩnh vực dệt may, giầy dép nhất, sau đó mới đến thủy hải sản. Nhưng khi đạt được thỏa thuận TPP, lợi ích cũng không tăng nhiều. Có thể kim gạch xuất khẩu được đẩy lên nhưng lợi ích tăng không đáng kể.

  Việt Nam cần có hích từ TPP  
  Tham gia TPP, Việt Nam có được lợi ích lâu dài là tạo ra sức ép cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN  

Cái lâu dài mà chúng ta đạt được là tạo ra sức ép cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh cho chính doanh nghiệp. Sức ép bên ngoài mạnh chứ còn không chờ sức ép bên trong.

Liên quan đến thu hút FDI, hiện chưa ký TPP và các hiệp định song phương FTA mà doanh nghiệp trong nước đã bi chèn ép. Riêng ở lĩnh vực điện thoại di động 100% thuộc về nhà đầu tư nước ngoài chiếm, giầy dép chiếm 77%, dệt may 60%, túi sách, ví da chiếm 65%. Trong lĩnh vực nông sản ít hơn vì FDI đầu tư ít, cà phê 30%, hạt tiêu 33%, thủy sản 9%; đồ gỗ chiếm 61%.

Ông Nguyễn Bửu Quyền, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế Quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho hay, độ mở hội nhập ngày càng sâu rộng, Việt Nam đã tham gia chuỗi giá trị kinh tế toàn cầu nhưng với trình độ công nghệ hiện nay thì quá thấp. Song có điểm cần phải làm rõ là họ đến đầu tư nhưng có khi nguồn vốn thực tế lại huy động được từ các ngân hàng, tổ chức tài chính trong nước.  

Tuy nhiên, ông Ngô Chung Thanh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) lại cho rằng, TPP sẽ tạo ra giá trị gia tăng cao cho Việt Nam khi trở thành chuỗi giá trị toàn cầu của tập đoàn dệt may lớn. Chúng ta không nên phân biệt đối xử với các nhà đầu tư nước ngoài, họ cũng là một phần rất quan trọng của nền kinh tế. Trong khi đó Luật Doanh nghiệp sửa đổi đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo đang dần cân bằng vị thế của họ.

Theo ông Thanh, giá trị gia tăng đến từ nội tại của nền kinh tế chứ không thể dựa vào vốn FDI. Phải cảm ơn các nhà đầu tư nước ngoài đã vào Việt Nam và tạo ra ngành công nghiệp dệt may. Bộ Công thương đã từng đi thúc đẩy mà không có doanh nghiệp  trong nước nào làm dệt một cách bài bản. Còn nếu nói đến sức ép cải cách lại càng phải hội nhập sâu và rộng. Việt Nam cần cú hích đến từ TPP dù trong nước còn khó.

“Khi trình lý do tham gia đàm phán Hiệp định TPP lên Chính phủ đã có rất nhiều quan ngại vì cái gì của Việt Nam cũng thiếu và yếu như: trình độ lao động thấp, hàng hóa phân phối, lưu thông kém, sở hữu trí tuệ gây nhiều tranh cãi…, nhưng lý do duy nhất thuyết phục được Chính phủ là Việt Nam cần cú hích từ TPP. Muốn cú hích để trở thành đầu gấu trên thị trường. Việt Nam là nước nhỏ mà không chơi với nước lớn thì ai sẽ giúp mình bảo vệ vị thế trên đấu trường quốc tế?”. Ông Thanh nói.

Tuy nhiên, ở góc độ thu hút dòng vốn từ doanh nghiệp nước ngoài sau khi Việt Nam ký kết TPP, Thạc sỹ Nguyễn Huy Hoàng, phó trưởng ban Thông tin doanh nghiệp và thị trường Trung tâm thông tin và dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia đưa ra câu hỏi, để chuẩn bị cho TPP, Việt Nam đã có những giải pháp như thế nào để hướng dòng vốn FDI vào những lĩnh vực, địa bàn mà Việt Nam mong muốn?
Hay Chính phủ đã có hỗ trợ cần thiết nào để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nội địa? Việc dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam để hưởng lợi thế cạnh tranh từ việc tham gia TPP có phải là mục đích cuối cùng, nhằm phát triển kinh tế Việt Nam hay không?
 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư