Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Việt - Nhật nắm chặt tay hợp tác sâu rộng
Nguyên Đức - 21/10/2020 07:22
 
Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã cam kết “nắm chặt tay” với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc để tiếp tục phát triển mối quan hệ hai nước.

Đồng thời, đóng góp cho hòa bình, thịnh vượng ở khu vực. Một hình ảnh cho thấy tầm cao mới của mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản.

Hai Thủ tướng chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa NIC và JETRO.
Hai Thủ tướng chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa NIC và JETRO.

Những cam kết tỷ USD

Đã có tới 12 thỏa thuận hợp tác được ký kết nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide. Trong số này, ngoài các thỏa thuận hợp tác về pháp luật, hợp tác trong xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia cho hạ tầng cảng biển của Việt Nam…, còn có nhiều thỏa thuận hợp tác đầu tư rất quan trọng.

Đó là thỏa thuận hợp tác xúc tiến đầu tư Dự án Trung tâm thương mại AEON MALL tại TP.HCM, trị giá 250 triệu USD; hợp tác phát triển KCN Thăng Long 2 giai đoạn III và thỏa thuận thúc đẩy đầu tư Nhật Bản vào ngành sản xuất tại Hưng Yên, trị giá 83 triệu USD; hợp tác triển khai đầu tư Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 2 trị giá 1,3 tỷ USD…

Có thể kể đến Dự án của TOTO được cấp chứng nhận đầu tư tại Vĩnh Phúc, với tổng vốn đầu tư 100 triệu USD; Dự án Điện khí Quảng Ninh 1.500 MW, vốn đầu tư 1,9 tỷ USD, dự kiến triển khai tại TP. Cẩm Phả.

Cùng với đó là các biên bản ghi nhớ về hợp tác xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) Fujikin tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng, trị giá 35 triệu USD; hay hợp tác phát triển quản lý khám bệnh thông minh và du lịch y tế tại Nhật Bản, trị giá 23 triệu USD.

Tổng các cam kết có thể định lượng lên tới 4 tỷ USD, một minh chứng cho thấy, dòng vốn đầu tư của Nhật Bản vẫn đang chảy vào Việt Nam.

Thậm chí, đúng như dự đoán trước đó của giới chuyên gia, tới thăm Việt Nam, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã đánh giá cao môi trường đầu tư Việt Nam, đồng thời công bố việc “tiếp tục thúc đẩy chính sách hỗ trợ đa dạng hóa chuỗi cung ứng”, chính sách mà trước đó, Chính phủ của Thủ tướng tiền nhiệm Abe Shinzo đã góp phần quan trọng đưa 15 doanh nghiệp Nhật Bản tới Việt Nam.

Có thể, các cam kết nói trên, nhất là với dự án điện khí 1,9 tỷ USD, hay Nhiệt điện Ô Môn 1,3 tỷ USD, không hẳn xuất phát từ nhu cầu tìm kiếm một địa điểm đầu tư khác trong xu hướng Trung Quốc +1 thời kỳ hậu Covid-19, song việc các nhà đầu tư Nhật Bản tiếp tục có những cam kết tỷ USD vào Việt Nam đã cho thấy, cơ hội để Việt Nam đón dòng vốn Nhật Bản là rất lớn.

“Việc hai bên trao đổi một loạt văn kiện hợp tác là minh chứng sinh động cho sự phát triển mạnh mẽ, vững chắc và nhiều mặt của hợp tác Việt Nam - Nhật Bản”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói và tuyên bố trước báo giới rằng, Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng điều kiện về đất đai, nguồn nhân lực, môi trường, chính sách để chung tay hợp tác cùng các doanh nghiệp Nhật Bản, giúp họ có thể đầu tư kinh doanh thành công tại Việt Nam.

Thủ tướng cũng đã cam kết tạo điều kiện triển khai một loạt dự án lớn mà hai bên đã thống nhất thúc đẩy, nhất là những dự án gặp trở ngại trong quá trình triển khai.

Việt - Nhật nắm chặt tay hợp tác

Có một thỏa thuận hợp tác được ký kết, dù khó định lượng thành tiền, nhưng lại có ý nghĩa rất lớn đối với không chỉ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản, mà còn là sự phát triển của kinh tế - xã hội Việt Nam trong thời gian tới. Đó là thỏa thuận hợp tác giữa Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO).

Bản thỏa thuận hợp tác được ký kết nhằm hướng đến mục tiêu chung trong việc mở rộng quan hệ, tăng cường năng lực hợp tác quốc tế, đảm bảo cho sự kết nối các nhà đầu tư Nhật Bản với doanh nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam, cũng như hỗ trợ tốt nhất trong việc phát triển các mô hình kinh doanh trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo trên cơ sở phát huy thế mạnh của từng bên...

Cũng cần phải nhắc lại rằng, NIC là mô hình mà Việt Nam đang rất kỳ vọng phát triển mạnh mẽ, để làm sao hình thành được hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, thậm chí biến Việt Nam trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo của khu vực và toàn cầu. Trong chiến lược phát triển sắp tới, Việt Nam coi đổi mới sáng tạo là một trong những đột phá chiến lược. Nhận được sự hỗ trợ của Nhật Bản, NIC sẽ có nhiều cơ hội hơn để phát triển mạnh mẽ, Việt Nam cũng sẽ có thêm nguồn lực, kỹ năng để tạo đột phá bằng đổi mới sáng tạo.

Trên thực tế, trong các cuộc hội đàm, các buổi tiếp chính thức Thủ tướng Suga Yoshihide, các nhà lãnh đạo hai bên đã thống nhất làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản, đồng thời tăng cường hợp tác thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, bao gồm cả quốc phòng - an ninh, phòng chống Covid-19, đặc biệt là về kinh tế.

Nhiều cam kết đã được đưa ra, từ bắt đầu quy trình đi lại ngắn ngày (business trip) và tái khởi động đường bay quốc tế hai chiều, đến tiếp tục hỗ trợ phát triển kinh tế Việt Nam, với dự án tiêu biểu của dự án hạ tầng là đường sắt đô thị TP.HCM; rồi sớm ký kết Tầm nhìn trung và dài hạn hợp tác nông nghiệp giai đoạn tiếp theo, cam kết sớm mở cửa thị trường cho quả nhãn tươi của Việt Nam và quả quýt unshu của Nhật Bản….

Các cam kết hợp tác đa phương, nhất là trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) cũng đã được nhấn mạnh.

Rõ ràng, không phải ngẫu nhiên, mà Thủ tướng Suga Yoshihide chọn Việt Nam là nước công du đầu tiên sau khi nhậm chức Thủ tướng Nhật Bản. Việt Nam đang là Chủ tịch ASEAN, là đối tác quan trọng của Nhật Bản và đóng vai trò trọng yếu khi Nhật Bản tiến hành chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

“Tôi chọn Việt Nam vì Việt Nam là một địa điểm thích hợp nhất để tôi gửi thông điệp này lần đầu tiên ra thế giới”, Thủ tướng Suga Yoshihide nói.

Ông cũng khẳng định: “Tôi cam kết nắm chặt tay với ngài Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tiếp tục phát triển mối quan hệ hai nước, đóng góp cho hòa bình, thịnh vượng ở khu vực”.

Một chuyến đi ngắn, nhưng mở ra biết bao triển vọng hợp tác Việt Nam - Nhật Bản, không chỉ trên khía cạnh hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, mà hơn hết là vì sự thịnh vượng của mỗi bên và sự thịnh vượng của cả khu vực. Và đó là điều quan trọng nhất!

Cơ hội kết nối doanh nghiệp sản xuất Việt Nam – Nhật Bản
Vào 23 – 24/10, triển lãm hàng đầu Việt Nam dành cho ngành gia công cơ khí, METALEX Vietnam, sẽ được đồng tổ chức dưới hình thức trực tuyến cùng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư