Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 10 tháng 09 năm 2024,
Việt Nam - quốc gia trong ASEAN đang thu hút các khoản đầu tư lớn
Hà An - 10/09/2024 14:57
 
Cuối tuần trước, hơn 600 khách mời, gồm các nhà kinh tế, quan chức chính phủ và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp từ các quốc gia thành viên ASEAN, Trung Quốc, Hồng Kông… đã tham dự Hội nghị khu vực thường niên “Gateway to ASEAN” 2024 do Ngân hàng UOB tổ chức tại TP.HCM.

Đây là năm đầu tiên Hội nghị được tổ chức tại Việt Nam sau hai năm diễn ra tại Singapore và Indonesia. Với chủ đề “ASEAN: Giao điểm hội nhập kinh tế thế giới”, Hội nghị bàn sâu về tiềm năng và cơ hội to lớn của ASEAN và Việt Nam.

ASEAN: Vị thế quan trọng trong bức tranh kinh tế toàn cầu

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Wee Ee Cheong, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Ngân hàng UOB Singapore nhấn mạnh, ASEAN đang trên đà trở thành một trong những thị trường lớn nhất thế giới vào năm 2030. Với lợi thế về tính kết nối tới các thị trường quan trọng trên toàn cầu, các hiệp định thương mại tự do giúp giảm thiểu rào cản gia nhập thị trường, dân số đông và trẻ, cùng với tầng lớp trung lưu đang gia tăng nhanh chóng, khu vực này đang thu hút dòng vốn FDI kỷ lục.

Ông Wee Ee Cheong, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc, Ngân hàng UOB (Singapore) phát biểu khai mạc Hội nghị.

Năm ngoái, ASEAN đã đạt mức kỷ lục 226 tỷ USD về thu hút FDI, tăng 1% so với năm trước, trong khi FDI toàn cầu giảm 2%. ASEAN hiện trở thành điểm đến FDI lớn thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ (310 tỷ USD) và vượt qua Trung Quốc (160 tỷ USD). Điều này khẳng định sức hấp dẫn của ASEAN trong bối cảnh tổng GDP của khu vực đạt 3.600 USD và dự kiến tăng trưởng khoảng 5% trong năm nay.

Theo các chuyên gia chia sẻ tại Hội nghị, sau căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc và đại dịch Covid-19 đã có sự thay đổi đáng kể hướng tới khả năng phục hồi, đa dạng hóa và an ninh của chuỗi cung ứng. Đã có sự dịch chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia gần, thách thức vị thế nhà sản xuất và xuất khẩu hàng đầu thế giới của Trung Quốc.

Ông Frederick Chin, Giám đốc Khối Ngân hàng Bán buôn và các Thị trường, Ngân hàng UOB (Singapore) cho biết, Ngân hàng UOB đã thấy một số khách hàng áp dụng chiến lược Trung Quốc cộng một bằng cách đầu tư vào các cơ sở sản xuất mới để phục vụ nhu cầu của thị trường rộng lớn hơn, chẳng hạn như một số cơ sở sản xuất mới được thành lập trên khắp ASEAN, trong các lĩnh vực như sản phẩm tiêu dùng điện ở Thái Lan và Việt Nam, chất bán dẫn ở Singapore và Malaysia, ngành công nghiệp niken ở Indonesia, ô tô điện ở Thái Lan…

Ông Frederick Chin, Giám đốc Khối Ngân hàng Bán buôn và các thị trường, Ngân hàng UOB (Singapore) (phải) chia sẻ về các cơ hội lớn cho khu vực ASEAN.

Ông Frederick Chin cũng nhấn mạnh 3 cơ hội rõ ràng cho ASEAN.

Đầu tiên, khu vực này là cơ sở sản xuất quan trọng cho Trung Quốc và phần còn lại của thế giới.

Thứ hai, sự trỗi dậy của nền kinh tế kỹ thuật số được dự đoán sẽ đạt 1.000 USD vào năm 2030.

Thứ ba, nền kinh tế xanh ở khu vực cũng được dự đoán sẽ cần khoản đầu tư 1.500 USD vào năm 2030.

“Do đó, không có thời điểm nào tốt hơn bây giờ để đầu tư vào ASEAN”, ông Frederick Chin nhấn mạnh.

Việt Nam: Một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất ASEAN

Nhấn mạnh về vai trò của ASEAN, trong đó có Việt Nam, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định, ASEAN và đặc biệt là Việt Nam đang có xu hướng phát triển nhanh nhất trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay và tiếp tục là động lực tăng trưởng của nền kinh tế thế giới.

Theo dự báo của các tổ chức như WB, IMF, tăng trưởng của ASEAN và Việt Nam tiếp tục đạt ở mức cao trong năm 2024 và những năm tiếp theo, cùng các lợi thế khi Việt Nam hiện có 19 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương; riêng TP.HCM hiện đã và đang thu hút đầu tư đến từ 125 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với gần 2.000 dự án....

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM chia sẻ về các yếu tố thuận lợi thu hút đầu tư nước ngoài của TP.HCM. 

“Định hướng xuyên suốt, nhất quán của Việt Nam luôn theo đuổi xu hướng hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng cùng phát triển với các đối tác. Và ASEAN trong đó có Việt Nam được khẳng định là khu vực phát triển nhanh nhất của nền kinh tế toàn cầu, tiếp tục là động lực tăng trưởng kinh tế thế giới”, ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Việt Nam hiện chiếm khoảng 12% tổng GDP của ASEAN, tăng đáng kể từ dưới 6% vào năm 2000. Với dân số khoảng 100 triệu người và tầng lớp trung lưu đang mở rộng, Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư quốc tế. Ngoài ra, thương mại quốc tế đã duy trì nhịp độ phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2024 và sự gia tăng doanh số bán linh kiện bán dẫn từ giữa năm 2023 dự kiến sẽ tiếp tục trong nửa sau năm 2024. Trong nửa đầu năm 2024, xuất khẩu và nhập khẩu đã tăng lần lượt 14,0% và 16,6% so với cùng kỳ năm trước.

Việt Nam đang thu hút các khoản đầu tư lớn trên các lĩnh vực khác nhau, trong đó, ngành chế biến và sản xuất vẫn là ngành chủ đạo thu hút vốn FDI của Việt Nam, thu hút hơn 72% tổng vốn đầu tư vào năm 2023. Điều này phù hợp với xu hướng lâu nay Việt Nam là điểm đến quan trọng cho sản xuất do chi phí lao động cạnh tranh, cơ sở hạ tầng phát triển và chính sách thân thiện với doanh nghiệp. Với vai trò là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam đã trở thành điểm đến ưa thích của các tập đoàn muốn đa dạng hóa hoạt động sản xuất trong bối cảnh bất ổn toàn cầu, tái cấu trúc chuỗi cung ứng và làn sóng “Trung Quốc+1.

Về triển vọng kinh tế Việt Nam, ông Victor Ngo, Tổng giám đốc Ngân hàng UOB Việt Nam cũng cho biết, trong khu vực ASEAN, Việt Nam nổi bật với vị thế như một cửa ngõ vào khu vực. Vị trí chiến lược, dân số đông và trẻ, cùng các chính sách thân thiện làm cho Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các doanh nghiệp muốn khai thác tiềm năng tăng trưởng của ASEAN.

Ông Victor Ngo, Tổng giám đốc Ngân hàng UOB Việt Nam khẳng định vai trò của UOB trong việc xúc tiến, hỗ trợ các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư và phát triển tại Việt Nam.

Với sứ mệnh là cầu nối của khu vực, UOB đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp toàn cầu trong việc mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Lãnh đạo ngân hàng cho biết trong 5 năm qua, đơn vị hỗ trợ tư vấn FDI của Ngân hàng đã hỗ trợ 300 công ty các nước mở rộng vào Việt Nam. Theo đó, các công ty này đã cam kết đầu tư 7,3 tỷ đô la Singapore cùng với kế hoạch tạo việc làm cho hơn 50.000 lao động ở Việt Nam.

“Là một ngân hàng cho ASEAN, UOB vẫn cam kết đóng vai trò xúc tác và hỗ trợ. Với mạng lưới kết nối khu vực sâu rộng và hệ thống hỗ trợ rộng lớn của chúng tôi mở rộng đến chính phủ, nhà đầu tư và hệ sinh thái đối tác cho phép chúng tôi hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam và ASEAN một cách tốt nhất. Với cam kết lâu dài của chúng tôi đối với khu vực và sự đầu tư liên tục vào Việt Nam, UOB giúp các doanh nghiệp tự tin vượt qua các thách thức và đưa ra các giải pháp sáng tạo để phát huy hết tiềm năng của họ”, ông Victor Ngo khẳng định.

Hội nghị kết thúc thành công tốt đẹp và đem lại nhiều thông tin có giá trị cho các doanh nghiệp đồng thời tạo cơ hội kết nối doanh nghiệp, thúc đẩy giao hương và đầu tư trong khu vực nhờ vào mạng lưới thương mại sâu rộng nhất khu vực của UOB.

Được biết, ngoài hai phiên thảo luận chính, sự kiện tiếp tục với ba phiên thảo luận chuyên đề gồm phiên 1 “Phát triển tại ASEAN thông qua Việt Nam”, phiên 2 “Đổi mới sáng tạo với tính bền vững” và phiên 3 “Kinh nghiệm quản trị chuỗi cung ứng” cùng với các diễn giả, khách mời đến từ các doanh nghiệp toàn cầu như DHL Express Việt Nam, Công ty cổ phần Thành Công Biên Hoà, Coca Việt Nam, Schneider Electric khu vực Singapore và Brunei, Marou Chocolate, Intertek…
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư