Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 02 tháng 05 năm 2024,
"Việt Nam chịu thiệt nhiều hơn là hưởng lợi thương chiến"
Lê Quân - 06/12/2019 14:55
 
Thương chiến Mỹ - Trung vẫn là tâm điểm chú ý của năm tới và Việt Nam chịu thiệt nhiều hơn là hưởng lợi từ thương chiến nếu không có biện pháp hay cảnh giác với đầu tư từ Trung Quốc.
Thu hút FDI vào Việt Nam thời gian qua không như mong đợi, bởi dòng FDI từ các nhà đầu tư phương Tây dịch chuyển vào Việt Nam để né thương chiến Mỹ - Trung như dự báo ban đầu tăng không nhiều.
Thu hút FDI vào Việt Nam thời gian qua không như mong đợi, bởi dòng FDI từ các nhà đầu tư phương Tây dịch chuyển vào Việt Nam để né thương chiến Mỹ - Trung tăng không nhiều.

Mừng hụt FDI từ phương Tây

Theo chuyên gia Bùi Ngọc Sơn, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới, không có vấn đề gì đáng ngại về tăng trưởng toàn cầu năm 2020. Các dấu hiệu cho thấy đến nay kinh tế toàn cầu năm 2019 đã ở đáy của giai đoạn giảm sút từ năm 2017 và năm 2020 kinh tế toàn cầu sẽ tăng trở lại. Dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2019 là 3,1% và sang năm 2020 nhích lên 3,5%.

Tình hình các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU và Trung Quốc không đáng lo ngại cho kinh tế Việt Nam. Kinh tế Mỹ vẫn rất ổn, tỷ lệ thất nghiệp tháng 10/2019 rất thấp ở mức 3,6% so với mức thấp kỷ lục 3,5% tháng trước đó. Tiêu dùng cá nhân rất khá khi mức bán lẻ và các chỉ số đầu tư vẫn duy trì tốt trong năm 2019.

Trong khi đó, kinh tế EU lúc đầu tưởng có vấn đề nhưng sau đó cho thấy dấu hiệu ổn định trong năm 2019 khi tăng trưởng GDP quanh mức 1,2%. Kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu chững lại nhưng vẫn trong tầm kiểm soát và nước này vẫn có thể duy trì tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 5,8%.

Nhấn mạnh tại Diễn đàn kinh tế 2020: “Tích luỹ động năng cho chu kỳ tăng trưởng mới” tổ chức ngày 5/12 tại Hà Nội, chuyên gia Bùi Ngọc Sơn cho rằng, điều duy nhất đáng lo ngại hiện nay là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang “lủng củng”.

Thương chiến Mỹ - Trung là tâm điểm của năm tới và sẽ còn kéo dài. Chắc chắn thương chiến sẽ kéo dài, bởi đây không đơn thuần là vấn đề tiền bạc mà là cuộc tranh giành địa chính trị nên sẽ kéo dài 20-30 năm và định hình lại toàn bộ cấu trúc kinh tế toàn cầu, kể cả tình hình chính trị thế giới, ông Sơn khẳng định.

Đối với kinh tế Việt Nam, điều bận tâm là thương chiến Mỹ - Trung tác động tới vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, ông Sơn nói. Thực tế, thu hút FDI của Việt Nam thời gian qua không như mong đợi, bởi dòng FDI từ các nhà đầu tư phương Tây dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh thuế quan của Mỹ như dự báo ban đầu tăng không nhiều.

Trong hai tháng 10 và 11/2019, dòng FDI vào Việt Nam về cuối năm giảm mạnh, nhưng Trung Quốc lại trở thành nhà đầu tư đứng đầu. Đầu tư từ Hong Kong (Trung Quốc) tăng 3,9 lần, còn đầu tư từ Trung Quốc tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo chuyên gia này, nguyên nhân là do Việt Nam chưa có cơ sở hạ tầng đủ tốt, không có nền công nghiệp hỗ trợ phát triển, trong khi dịch vụ logistics còn kém và chi phí cao.

“Với 3 yếu tố này, đừng hy vọng hưởng lợi nhiều từ thương chiến Mỹ - Trung, bởi các nước lân cận như Malaysia và Indonesia có chính sách thuế thu hút rất mạnh nên dòng vốn FDI vào 2 quốc gia này 2-3 tháng gần đây và kể cả năm vừa tăng đến 40-50%”, ông Sơn nhận định.

Nhìn chung lại, tăng trưởng toàn cầu năm 2020 sẽ không có vấn đề gì đáng lo ngại, thương chiến Mỹ - Trung vẫn là vấn đề lớn và Việt Nam chịu thiệt nhiều hơn là hưởng lợi từ thương chiến.

“Vì vậy, cần xem xét vấn đề điều chỉnh tỷ giá hoặc có biện pháp cảnh giác với đầu tư từ Trung Quốc. Đáng nói, chúng ta càng tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) nhiều thì càng trở thành “bến” để Trung Quốc khai thác lợi thế các FTA đó. Vì vậy, không nên nhiệt tình quá với Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)”, ông Sơn khuyến cáo.

Dư địa tăng trưởng

Theo số liệu vừa cập nhật của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam, mức tăng trưởng GDP năm 2019 có thể đạt 7,02%. 

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, con số này khá cao và lạc quan so với dự báo của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) rằng kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng khoảng 6,5-6,7%, hay 6,6-6,8%.

Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2020 và những năm tiếp theo ra sao còn tùy thuộc vào cải cách. Động lực lớn nhất và dư địa để cải cách lớn nhất vẫn là thể chế, trước hết là thể chế đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, dù cải cách trong nước rất quan trọng, nhưng kết quả còn phụ thuộc nhiều vào tình hình thế giới.

Hiện nay tăng trưởng kinh tế thế giới đang chậm lại với những bất ổn khó lường, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, mâu thuẫn địa chính trị, chính sách tiền tệ của các nước… rất khó dự đoán.

Chủ nghĩa bảo hộ và sự bế tắc của nền tảng thương mại đa phương như WTO vẫn đang là trở ngại, bên cạnh thách thức về biến đổi khí hậu và già hoá dân số… cũng đang tác động lớn tới các nền kinh tế, trong đó có Việt Nam đặc biệt ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế trong những năm sắp tới, ông Vũ Tiến Lộc nhận định.

Các dự báo chỉ ra rằng giai đoạn 2020-2030 cơ hội đầu tư sẽ vẫn nằm ở những lĩnh vực có lợi thế so sánh truyền thống, gồm dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử, nông sản và thủy sản và Việt Nam chưa thể nhảy vọt để dẫn đầu công nghệ thông tin. Song song với đó, cần cải thiện vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị của những ngành có lợi thế truyền thống đó, Chủ tịch VCCI khuyến cáo.

Thương chiến Mỹ - Trung: “Trâu bò đánh nhau ruồi muỗi chết”
Nhiều chuyên gia dự báo rằng, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Việt Nam sẽ hưởng lợi, sẽ trở thành công xưởng mới của nền...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư