Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Việt Nam “đặt hàng” 3 khuyến nghị chính sách cho sự phát triển của Việt Nam
Nguyên Đức - 09/12/2016 09:55
 
Với chủ đề “Chính phủ kiến tạo và hành động: Động lực mới cho phát triển”, Diễn đàn Phát triển Việt Nam 2016 đã chính thức khai mạc sáng nay tại Hà Nội. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự Diễn đàn.

Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF 2016) đã chính thức khai mạc sáng nay tại Hà Nội. Đây là một sự kiện mà theo khẳng định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đã thể hiện một cách tiếp cận mới trong quan hệ hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và cộng đồng các đối tác phát triển tại Việt Nam.

Phương thức tiếp cận này, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, dựa trên nền tảng kế thừa và phát triển của mô hình Hội nghị Tư vấn các nhà tài trợ (CG) và Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam (VDPF) đã được tổ chức trước đây.

.
.

“Tại Diễn đàn, thay vì Chính phủ Việt Nam trình bày các bản báo cáo, các định hướng ưu tiên thì với vai trò Chính phủ kiến tạo, sẽ lắng nghe các đối tác phát triển, các chuyên gia nêu quan điểm, nhận định, đánh giá và khuyến nghị về các vấn đề đang được Chính phủ và người dân cùng quan tâm. Trên cơ sở đó, Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ quyết định những điều chỉnh cần thiết nhằm thực hiện thành công những mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra, không chỉ cho riêng năm 2017, mà cho cả trung và dài hạn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Trên cơ sở này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng - thay mặt Chính phủ Việt Nam - đã “đặt hàng” các đối tác phát triển 3 vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam.

Đó là những đánh giá, nhận định về triển vọng kinh tế Việt Nam 2016 - 2020, những yếu tố tác động và những thách thức đối với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong những năm tới.

“Định hướng và mục tiêu chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam là đã rõ, chúng tôi cần tham vấn các chuyên gia về các khuyến nghị giải pháp khả thi để hiện thực hóa các mục tiêu đó, nhất là trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi và khó dự đoán”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Một “đặt hàng” khác, đó là Chính phủ quan tâm đến các tác động đa chiều của bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới với nền kinh tế Việt Nam, nhất là tác động của các hiệp định thương mại song phương, đa phương và khả năng có thể xảy ra đối với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP, một hiệp định quan trọng đối với tất cả các nước cùng tham gia.

Và thứ ba, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đó là Việt Nam mong nhận được các kinh nghiệm quốc tế trong việc xử lý mối quan hệ giữa nợ công và tăng trưởng.

Bộ trưởng khẳng định, quan hệ giữa tăng trưởng và nộ công là quan hệ vừa thống nhất vừa mâu thuẫn. Một quốc gia đang phát triển có nguồn lực hạn chế thì muốn tăng trưởng sẽ không tránh khỏi nợ công, nhưng nếu quản lý nợ công không tốt và sợ tỷ lệ nợ công caoo thì sẽ không thể đủ nguồn lực dành cho tăng trưởng.

“Điều quan trọng là quản lý nợ công hiệu quả và mức độ nào là phù hợp. Chúng tôi cần ý kiến của các chuyên gia để giúp giải tỏa được nút thắt này trong giai đoạn phát triển tới của nền kinh tế”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng “đặt hàng” các đối tác phát triển.

Theo khẳng định của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong nhiệm kỳ 2016 - 2020, Chính phủ Việt Nam đã cam kết xây dựng một Chính phủ kiến tạo và hành động với mục tiêu biến các giải pháp thành hiện thực, đưa các mục tiêu kế hoạch thành những kết quả cụ thể trong thực tiễn.

“Diễn đàn lần này với chủ đề ‘Chính phủ kiến tạo và hành động - Động lực mới cho sự phát triển, với mục tiêu góp phần thực hiện các cam kết của Chính phủ đã đề ra. Do vậy, chúng tôi muốn lắng nghe các chuyên gia hàng đầu thế giới trình bày, thảo luận những khuyến nghị xung quanh các vấn đề mà Việt Nam đang quan tâm”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói một cách cầu thị.

Đáp lời Bộ trưởng, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, đồng chủ tọa Diễn đàn, đã nhấn mạnh việc “cảm thấy được khích lệ” khi tiếp tục trở thành đối tác kiến tạo cho sự phát triển của Việt Nam. “Chúng tôi tin tưởng vào sự phát triển trong tương lai của Việt Nam, và các đối tác phát triển cũng cam kết sẽ luôn hỗ trợ Việt Nam trong hành trình này”, ông Ousmane Dione nói.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Ousmane Dione cũng đã chúc mừng Việt Nam khi đã đạt được thành tựu quan trọng là đã ổn định được kinh tế vĩ mô 5 năm liên tục. Đây chính là nền tảng quan trọng để Việt Nam tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng và phát triển.

Thủ tướng mong muốn doanh nghiệp ASEAN liên kết, tạo động lực mới cho phát triển
Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh ASEAN 2016 diễn ra sáng 8/12 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh từng thành viên...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư