Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Việt Nam đầu tư 3,76 tỷ USD vào Tam giác phát triển thuộc Lào và Campuchia
Thanh Hà - 27/02/2024 14:25
 
Trong khu vực tam giác phát triển thuộc Lào và Campuchia, Việt Nam có 110 dự án với số vốn đăng ký đầu tư là 3,76 tỷ USD, chiếm 24,2% tổng số dự án và 44,3% vốn đăng ký đầu tư sang Lào và Campuchia nói chung.
Hội nghị xúc tiến Thương mại, Đầu tư và Du lịch khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam. (Ảnh: Thanh Hà)

Trong khuôn khổ Hội nghị Ủy ban điều phối chung lần thứ 13 Khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV) và các hoạt động liên quan từ ngày 26/2 đến 1/3 tại tỉnh Attapeu (Lào), sáng 27/2 đã diễn ra Hội nghị xúc tiến Thương mại, Đầu tư và Du lịch khu vực Tam giác phát triển CLV.

Hội nghị là cơ hội tốt để các bộ ngành thông tin đến doanh nghiệp ba nước những chính sách, quy định mới, đồng thời, các doanh nghiệp có cơ hội trực tiếp trao đổi, đối thoại giữa những người làm chính sách cũng như kết nối với những doanh nghiệp có cùng quan tâm và lợi ích, qua đó, có thể tìm kiếm những cơ hội mới trong lĩnh vực đầu tư, thương mại và du lịch trong khu vực, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hợp tác giữa các địa phương trong khu vực nói riêng và hợp tác giữa ba nước nói chung, đóng góp vào sự phát triển kinh tế thịnh vượng của mỗi nước.

The đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầutư, tình hình hợp tác đầu tư giữa các doanh nghiệp 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia tại khu vực này đã đạt được những kết quả nhất định.

Cụ thể, Việt Nam đã có 248 dự án đầu tư sang Lào với tổng vốn đăng ký đầu tư của các nhà đầu tư Việt Nam là 5,44 tỷ USD và 206 dự án đầu tư sang Campuchia với tổng vốn đầu tư đăng ký phía Việt Nam là 2,91 tỷ USD. Trong khu vực tam giác phát triển thuộc Lào và Campuchia, Việt Nam có 110 dự án với số vốn đăng ký đầu tư là 3,76 tỷ USD (chiếm 24,2% tổng số dự án và 44,3% vốn đăng ký đầu tư sang Lào và Campuchia nói chung). Trong đó đầu tư tại Lào có 65 dự án, với số vốn là 2,09 tỷ USD (chiếm 57,3%), tại Campuchia có 45 dự án, với số vốn là 1,67 tỷ USD (chiếm 38,4%). 

Các dự án đầu tư của Việt Nam tại khu vực này tập trung chủ yếu vào lĩnh vực trồng cây công nghiệp, xây dựng, khai khoáng và thủy điện. Nhiều dự án đã đi vào hoạt động ổn định, có những đóng góp và tác động tích cực đối với phát triển kinh tế của địa phương thông qua việc đóng góp cho nguồn thu ngân sách nhà nước, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng thông qua các công trình dân dụng nhỏ như đường sá, trường học, trạm y tế, đóng góp cho công tác an sinh xã hội tại địa phương thông qua các hoạt động hỗ trợ tài chính, hoạt động giao lưu thăm hỏi, chương trình từ thiện...

Tại Việt Nam, 5 tỉnh thuộc Khu tam giác phát triển gồm Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Bình Phước hiện thu hút 521 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 6 tỷ USD, trong đó có 2 dự án đầu tư của doanh nghiệp Campuchia.

Đến nay, 5 tỉnh của Việt Nam đã đầu tư sang Lào và Campuchia 48 dự án, tổng vốn đăng ký là 1,91 tỷ USD, trong đó, chủ yếu là đầu tư vào khu vực CLV của Lào và Campuchia với 41 dự án, tổng vốn đăng ký là 1,65 tỷ USD (chiếm 44% tổng đầu tư của Việt Nam trong khu vực CLV của Lào và Campuchia).

Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các kết quả đã đạt được như nêu trên chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh, cũng như mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa 3 nước. Nhiều lĩnh vực tiềm năng chưa được khai thác tốt như nông nghiệp, năng lượng đặc biệt là năng lượng sạch như thủy điện, điện gió, điện mặt trời, khoáng sản, du lịch... chưa phát huy được hết thế mạnh.

Vẫn còn tồn tại một số rào cản trong việc thúc đẩy hoạt động đầu tư khu vực này như cơ sở hạ tầng đã được quan tâm nâng cấp, nhưng vẫn còn yếu kém hơn so với các khu vực khác; nguồn vốn đầu tư còn thiếu, chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư chưa thật sự rõ ràng và thủ tục hành chính liên quan đến vận chuyển hàng hóa, luật hải quan, thuế vẫn còn phức tạp chưa được tháo gỡ.

Để góp phần tháo gỡ và giải quyết những hạn chế trên, ông Vũ Văn Chung, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch Đầu tư đã đưa ra các đề xuất, kiến nghị, trong đó các bên cần phối hợp trong việc xây dựng cơ chế, chính sách để ưu tiên thu hút đầu tư từ các nước trong Khu vực Tam giác phát triển với nhau để phát huy lợi thế và nội lực của từng nước cũng như cả khu vực. Phối hợp chặt chẽ trong việc thu hút nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và xúc tiến ngồn vốn đầu tư trực tiếp (FDI) từ bên ngoài vào khu vực này.

Đồng thời, phối hợp đẩy mạnh và tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ Quy hoạch tổng thể tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia nói riêng đã được Lãnh đạo Chính phủ 3 nước thông qua và Quy hoạch kết nối 3 nền kinh tế nói chung.

Ông Chung cũng kiến nghị các cơ quan nhà nước của các bên cần thường xuyên rà soát, đẩy nhanh việc triển khai các hiệp định, thỏa thuận hợp tác đã có giữa các bên nước và đồng thời sớm xây dựng các thỏa thuận hợp tác cần thiết mới như về lao động, bảo đảm cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh và khai thông các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; Đẩy nhanh việc triển khai có hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận hợp tác song phương và đa phương giữa các bên nhằm tạo khung pháp lý thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp...; Đề nghị nâng cấp và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, trong đó đặc biệt là hạ tầng giao thông, điện, nước, hệ thống thủy nông, thủy lợi...; Đơn giản hóa thủ tục hải quan, tạo điều kiện đưa nhân lực, hàng hóa, thiết bị, phương tiện qua cửa khẩu thuận lợi. Giảm bớt gánh nặng về thủ tục, chi phí đưa người lao động là công dân 3 nước CLV vào làm việc trong khu vực Tam giác phát triển…

Bàn giải pháp thúc đẩy hợp tác hiệu quả Khu tam giác phát triển Campuchia – Lào - Việt
Ngày 24 tháng 12 năm 2019, tại tỉnh Salavanh, Lào đã diễn ra Hội nghị quan chức cấp cao (SOM) đặc biệt Khu vực tam giác phát triển Campuchia – Lào –...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư