Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 27 tháng 11 năm 2024,
Việt Nam dự hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Lao động và Việc làm G20
T.L - 11/09/2020 07:18
 
Hàng tỷ lao động đã bị ảnh hưởng bởi Covid 19 – thông tin được đưa ra tại Hội nghị Bộ trưởng Lao động và Việc làm G20 theo hình thức trực tuyến diễn ra tối (10/9).
f
Việt Nam dự hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Lao động và Việc làm G20

 1,6 tỷ người ở khu vực lao động phi chính thức bị ảnh hưởng

Tại Hội nghị Bộ trưởng Lao động và Việc làm G20 tổ chức theo hình thức trực tuyến do nước Chủ tịch G20 Ả-rập Xê-út chủ trì diễn ra vào tối 10/9 (giờ Việt Nam), các Bộ trưởng phụ trách lao động và việc làm G20 đã bày tỏ sự lo lắng về vấn đề việc làm trên toàn cầu. Việt Nam được mời tham dự trong vai trò Chủ tịch ASEAN.

Trong tuyên bố chung được đưa ra, các Bộ trưởng cho rằng, Đại dịch COVID-19 đã có tác động đáng kể đến thị trường lao động của quốc gia và trên toàn cầu. Số giờ làm việc giảm khoảng 14% trong quý 2 năm 2020, tương đương với việc mất 400 triệu việc làm toàn thời gian (tính quy đổi).

Bộ trưởng Lao động và Việc làm G20 đã thông qua Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Lao động và Việc làm G20 năm 2020 “Hiện thực hóa các Cơ hội trong Thế kỷ XXI cho tất cả mọi người” trong đó nhấn mạnh các nước sẽ hợp tác chặt chẽ để ứng phó với đại dịch Covid-19, đảm bảo rằng các nỗ lực phục hồi kinh tế và thị trường lao động sẽ đặt tăng trưởng bền vững và việc làm có chất lượng làm ưu tiên; điều chỉnh hệ thống bảo trợ xã hội mang tính bao trùm để bảo vệ cho mọi người lao động, bao gồm cả các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương, những lao động trong khu vực phi chính thức; thực hiện các biện pháp để đạt được Mục tiêu Thanh niên Antalya là giảm tỷ lệ thanh niên thất nghiệp xuống 15% vào năm 2025 và giảm khoảng cách giới trong tỷ lệ tham gia của phụ nữ và nam giới trong G20 vào năm 2025

Những người làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức, đại diện cho 1,6 tỷ người lao động và các nhóm thiểu số, chẳng hạn như thanh niên, phụ nữ và người khuyết tật nằm trong số những người bị ảnh hưởng nặng nề.

“Chúng tôi thừa nhận rằng tình trạng mất việc làm, giảm giờ làm, tạm dừng quan hệ việc làm và mất thu nhập có thể khiến nhiều người dễ rơi vào tình trạng đói nghèo, làm việc trong khu vực phi chính thức và các hình thức bóc lột khác nhau. Chúng tôi nhận thấy rằng những người trẻ tuổi đã chịu tác động sâu sắc và việc tham gia thị trường lao động trong dài hạn của họ có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực nếu không có các kế hoạch phục hồi hiệu quả ở cấp quốc gia và nếu phù hợp, ở cấp quốc tế”, tuyên bố chung nêu rõ.

Tại Hội nghị, các Bộ trưởng phụ trách lao động và việc làm G20 đã nhấn mạnh hợp tác nhằm đảm bảo thực hiện được các ưu tiên năm 2020 của khối: Điều chỉnh hệ thống bảo trợ xã hội để phản ánh các phương thức làm việc đang thay đổi; chuẩn bị tốt hơn cho thanh niên đổi để bắt đầu bước vào giai đoạn đi làm; điều chỉnh chính sách về thị trường lao động căn cứ vào những đổi thay về hành vi cùa các chủ thể trên thị trường lao động; các vấn đề liên quan tới việc làm cho phụ nữ; tiếp tục hoàn thiện hệ thống bảo trợ xã hội nhằm bảo vệ và hỗ trợ các nhóm yếu thế như người khuyết tật, phụ nữ và thanh thiếu niên, đồng thời nhận diện tác động và cơ hội do công nghệ mang lại và chuẩn bị cho những triển vọng tích cực của tương lai việc làm.

ASEAN nỗ lực giải quyết thách thức về tăng trưởng, việc làm và an sinh xã hội

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đánh giá cao Tuyên bố của Bộ trưởng Lao động và Việc làm G20 “Hiện thực hóa các Cơ hội trong Thế kỷ XXI cho tất cả mọi người”.Tuyên bố đã thể hiện tầm nhìn của các Bộ trưởng về những cơ hội và thách thức đặt ra cho tất cả các nền kinh tế trong lĩnh vực lao động - việc làm trong thế kỷ 21, đặc biệt trong bối cảnh cả thế giới đang phải nỗ lực giải quyết những thách thức mà đại dịch Covid-19 đang đặt ra đối với mọi quốc gia trong việc duy trì tăng trưởng kinh tế, việc làm và an sinh xã hội.  

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, thời gian qua, ASEAN và Việt Nam đã chung tay hợp tác ứng phó với tác động của dịch Covid-19 đối với lao động và việc làm; thúc đẩy xã hội chăm sóc và chia sẻ thông qua việc xây dựng Tuyên bố ASEAN về phát triển công tác xã hội, trong đó đề cao vai trò của các nhân viên công tác xã hội trong bối cảnh phải ứng phó với những thách thức lớn như đại dịch Covid 19. 

Theo sáng kiến của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN, Hội nghị Cấp cao ASEAN vào tháng 6 vừa qua đã thông qua Tuyên bố ASEAN về Phát triển nguồn nhân lực trong một thế giới công việc đang đổi thay, trong đó nhấn mạnh tác động của đổi mới công nghệ, già hóa dân số, biến đổi khí hậu và dịch bệnh đối với vấn đề lao động, việc làm và đề ra những hành động để chuẩn bị cho lực lượng lao động ASEAN trước thế giới công việc đang đổi thay.

Riêng với Việt Nam, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ với Hội nghị việc Chính phủ Việt Nam đã đưa ra gói hỗ trợ 62 ngàn tỷ đồng (khoảng 2,7 tỷ Đô la Mỹ) để hỗ trợ khoảng 20 triệu người thuộc 7 nhóm đối tượng thụ hưởng nhằm hỗ trợ những người lao động và những doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Chính phủ có thể ban hành các gói hỗ trợ tiếp theo dành cho doanh nghiệp nhằm khôi phục, duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh.

Mưu sinh thời “không bình thường” - Bài 1: Xoay vần trong dịch
Covid-19 ập đến như sóng thần. Cả thế giới bị đại dịch “khóa tay, khóa chân”. Các nền kinh tế đóng biên. Làn sóng thất nghiệp lan rộng....
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư