Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Mưu sinh thời “không bình thường” - Bài 2: Bám trụ thị thành
Anh Hoa - Hồ Hạ - 04/08/2020 08:52
 
Khi cuộc sống ở thành thị trở nên “nghẹt thở” vì Covid-19, những tưởng, nhiều người sẽ buông tay, khuất phục, nhưng họ càng kiên cường bám trụ đường phố, vỉa hè, mong chờ cuộc sống tốt đẹp hơn.

Covid-19 ập đến như sóng thần. Cả thế giới bị đại dịch “khóa tay, khóa chân”. Các nền kinh tế đóng biên. Làn sóng thất nghiệp lan rộng. Hàng trăm triệu người mất việc. Việt Nam cũng chịu tổn thương từ cơn sóng dữ quái ác. Hàng triệu lao động không có việc làm. Tuy nhiên, họ không cam chịu buông tay, phó mặc số phận. Cuộc chiến tìm phao cứu sinh vẫn tiếp diễn.

Bà Hiền (quê Hà Nam) quyết bám trụ Hà Nội để mưu sinh. Ảnh: Hồ Hạ
Bà Hiền (quê Hà Nam) quyết bám trụ Hà Nội để mưu sinh. Ảnh: Hồ Hạ

Bài 2: Bám trụ thị thành

Khi cuộc sống ở thành thị trở nên “nghẹt thở” vì Covid-19, những tưởng, nhiều người sẽ buông tay, khuất phục số phận nghiệt ngã. Nhưng, họ càng kiên cường bám trụ đường phố, bám trụ từng mét vuông vỉa hè, mong chờ cuộc sống tốt đẹp hơn. 

“Về quê cũng không biết làm gì”

Gần 7 giờ tối, chiếc xe tải 1,5 tấn cũ kỹ di chuyển chậm chạp trên con ngõ nhỏ gần chợ Diêm Gỗ (Đức Giang, Long Biên, Hà Nội). Trên xe chất lỉnh kỉnh đồ đạc của vài người đang rời thành phố. Họ là những người già đã gần 70 tuổi, cùng mấy đứa trẻ 3 - 4 tuổi đang trên đường về Hà Nam. Bà Nguyễn Thị Rạng nói, đã bỏ 500.000 đồng để thuê xe của một người cùng làng đang làm ăn trên Hà Nội, với mức giá vừa đủ tiền xăng dầu.

“Tôi vẫn muốn ở lại coi bọn trẻ giúp hai đứa con trai đang làm bốc vác ở chợ Long Biên. Nhưng dịch bệnh thế này, chúng nó đã vất vả, lại càng thêm khó khăn, nên nói mẹ và cháu về quê. Trước đây, tôi vẫn đi bán hàng rong đấy chứ”, bà Rạng nói, giọng hơi nghèn nghẹn…

Hơn mười năm trước, bà cùng hai con trai lên Hà Nội với kỳ vọng thoát nghèo, song cuộc mưu sinh ở thành phố này chưa bao giờ dễ dàng.

Xe đi khuất con ngõ, cũng là lúc những người cùng xóm trọ với bà Rạng rảo bước, cắp đồ nghề lên đường mưu sinh. Trong dòng người hối hả đó, không hiếm những người phụ nữ cao tuổi. Bất chấp tuổi tác, họ không ngồi chờ đợi trong lo âu để lắng nghe tiếng than thở, đói ăn, bệnh tật, mà quyết sục sạo trên đường phố để tìm kiếm những “mảnh bánh mì vụn” của thời đại dịch.

“Tôi bán hàng rong trong khi chờ xem có tìm được công việc nào khác hay không”, bà Trần Thị Huê, 60 tuổi, quê Thanh Hóa, người hàng xóm mới của bà Rạng nói.

Trước khi Covid-19 tràn đến, bà Huê làm giúp việc cho một gia đình có con nhỏ ở quận Đống Đa được 3 năm. Được chủ nhà “bao” ăn ở, mỗi tháng, bà Huê được nhận về 5 triệu đồng. Cuộc sống như vậy là ổn. Thế nhưng, đợt giãn cách xã hội hồi tháng 4/2020, vợ chồng chủ nhà đều làm việc ở nhà, nên không cần giúp việc nữa. Lời hứa “khi nào hết giãn cách xã hội mà cần thì sẽ gọi” của chủ nhà không biết đến lúc nào mới được thực hiện, vì chính họ cũng bị giảm tới một nửa thu nhập.

Bà Huê có nhờ vài mối quen tìm việc, nhưng cơ may chưa tới, mà bà chẳng muốn về quê. “Mảnh ruộng ở quê bị hoang hóa, tôi cũng không làm được, vì đã già yếu. Nếu không đi làm thuê hoặc bán hàng rong ở Hà Nội, thì chẳng biết lấy tiền đâu để trang trải cuộc sống. Hơn nữa, nhiều người hàng xóm của tôi ở quê vẫn bám trụ được ở Thủ đô, thì sao tôi phải về?”, bà nói và nhanh chân bước đi với giỏ đồ bán rong, trong đó, có đủ loại dây buộc tóc, bông tai, bấm móng tay…

Vừa đi, bà Huê vừa bảo, bán hàng rong ở khu phố cổ giờ bấp bênh lắm, có hôm không kiếm đủ 25.000 đồng tiền thuê trọ. Mấy người cùng quê đi bán rong như bà kể lại, trước đây, bán cho khách Tây, họ mua nhiều và thường cho thêm tiền. Nhưng từ khi dịch bệnh, phố cổ vắng bóng khách Tây, mà khách Việt thì ít mua những đồ này.

“Tôi chỉ mong, Hà Nội có một khu cho phép người bán hàng rong được hoạt động công khai, tự do, để chúng tôi có nơi mưu sinh”, bà Huê ao ước. Ước nguyện này cũng là mong mỏi của hầu hết những người đang vật lộn tìm kế sinh nhai nơi vỉa hè, lòng đường, để không phải chơi trò “trốn tìm” với cơ quan quản lý trật tự đô thị.

Cách bà Huê mấy bước chân, một “đồng nghiệp” bán mũ, nón, khẩu trang ở khu phố cổ đã gần chục năm nay đang đon đả mời khách mua hàng.

“Bà ấy tên là Hiền, 52 tuổi, người Hà Nam, tốt tính lắm”, bà Huê chỉ tay về phía người bạn mới.

Đầu tháng 6/2020, Thủ tướng Trung Quốc kêu gọi người thất nghiệp bán hàng rong để đưa nền kinh tế quay về quỹ đạo cũ. Kinh tế vỉa hè được bật đèn xanh ở nước này sau nhiều năm bị cấm đoán.

Sau khi Covid-19 tạm thời được khống chế, nhiều thành phố ở Trung Quốc đã cho phép bán hàng rong trở lại, tạo cơ hội việc làm và mang lại sinh khí sau thời gian dài cách ly xã hội.

Giao lại đồng ruộng ở quê cho người nhà, bà Hiền lên Hà Nội, đi bán hàng rong ở khu phố cổ, mỗi tháng thu nhập cũng được vài triệu đồng, hơn trồng lúa. Mọi năm, vào mùa hè, khách Tây, khách ta tấp nập ở phố cổ, hàng bán rất chạy. Nhiều người mua cả chục chiếc nón về làm quà. Nhưng từ đầu năm đến giờ, gần như không có khách nước ngoài. Có tháng, bà không kiếm đủ 600.000 đồng để trả tiền thuê nhà. Từ tháng 5, bà phải đi rửa bát thuê theo giờ cho một quán phở.

Những người phụ nữ có tuổi nói trên đều là nạn nhân bị cuốn vào cơn lốc của đại dịch Covid-19. Không chỉ mệt mỏi với việc bám trụ thành phố, họ còn vô cùng xót xa khi hàng ngày phải chịu đựng ánh mắt dè bỉu của nhiều người có gốc thành thị, cố gắng bỏ ngoài tai những câu nói, đại loại như: “Khó khăn thế này, về quê đi!”…

Họ chấp nhận sống co cụm ở thành phố, vì đơn giản, về quê cũng không biết làm gì! Càng khó khăn, dường như, bản năng sinh tồn nơi họ càng trỗi dậy mạnh mẽ; họ sẵn sàng vượt qua mọi trở ngại và bất hạnh của đời sống để lo cho gia đình.

Kinh tế vỉa hè không “ngủ đông”

Thực tế cho thấy, kinh tế vỉa hè là một bộ phận cơ hữu của nền kinh tế nước ta, nuôi sống rất nhiều hộ gia đình. Thời kinh tế giảm tốc, vỉa hè trở thành “cứu cánh” của không ít người vừa mất việc làm.

Nguyễn Trung Kiên (quê Bắc Giang) là nhân viên kinh doanh của một công ty bán máy xây dựng tại Hà Nội, thất nghiệp từ tháng 4 vì Covid-19. Anh mới thuê lại quán vỉa hè giá rẻ ở đường Phúc Lợi (Long Biên, Hà Nội) từ một người bạn để bán nước mía và trở thành “đầu kéo” cho 2 đứa cháu vừa bị mất việc ở Khu công nghiệp Quế Võ (Bắc Ninh).

“Cùng không có công ăn, việc làm, nên tôi nói chúng ra đây bán nước mía”, vừa nói, anh vừa nhanh tay rót cốc nước đem ra bàn cho khách.

Anh bảo, nước mía là thức uống vỉa hè phổ biến, bình dân, được nhiều người ưa thích, nhất là học sinh và người lao động. Năm nay nắng nóng cao điểm, ngày càng có nhiều quán nước mía mọc lên ở Hà Nội. Bán nước mía không cần bỏ nhiều vốn, khách đông là có thể thu lợi nhanh.

Với mỗi cây mía nguyên liệu có giá 10.000 - 13.000 đồng, có thể ép được 4 ly nước, thu 40.000 - 50.000 đồng. Anh Kiên nhẩm tính, trừ chi phí, mỗi tháng có thể lãi 15 - 20 triệu đồng. Như vậy, mỗi chú cháu cũng có dăm, bảy triệu đồng dắt lưng để sinh sống.

“Mức thu nhập đó là ổn trong bối cảnh này, thay vì phải về quê”, anh Kiên thủng thẳng.

Việc kiếm sống của mọi người không thể chờ 10 năm.
- GS. Annette Kim, Trường Chính sách công Price - Đại học Nam California (Mỹ)

Việc kiếm sống nhờ vỉa hè không phải là tình trạng bất biến. Đô thị rồi cũng sẽ đổi thay, nền kinh tế rồi sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn. Nhưng, việc kiếm sống của mọi người không thể chờ 10 năm.

Do đó, Việt Nam cần những giải pháp trước mắt như tạo ra thêm nhiều việc làm và cũng cần đảm bảo mọi người có thể kiếm sống ngay lúc này, bởi có một lượng lớn những người lao động nghèo đang phải kiếm sống trên đường phố. Các thành phố lớn ở Việt Nam có nhiều cách linh động để quy hoạch lại không gian vỉa hè...

Cách quán anh Kiên không xa, một tốp, thanh niên có, trung niên cũng có, đứng chờ khách trên vỉa hè ở ngã tư, dưới bóng cây bằng lăng. Họ đứng, ngồi quan sát để tìm khách đi xe ôm. Những chuyến xe mang lại cho họ hy vọng vào ngày mai tươi sáng hơn.

Trung (quê Vĩnh Phúc) mới gia nhập đội quân xe ôm truyền thống, xe ôm công nghệ một tuần nay, sau khi bị nghỉ việc ở xưởng in túi nilon tại ngoại ô Hà Nội. Cậu bảo: “Thu nhập từ việc chạy xe ôm công nghệ giờ giảm nhiều so với giai đoạn trước, nhưng nếu tằn tiện thì vẫn đủ trang trải cuộc sống. Tôi có thể chủ động thời gian đưa đón 2 con đang học mẫu giáo”. 

Những câu chuyện về việc cả gia đình, anh em kéo nhau ra thành phố, bám vỉa hè kiếm sống không hiếm ở Hà Nội, nhất là khi Covid-19 khiến “đội quân” thất nghiệp ngày càng gia tăng. Không ít gia đình gốc gác ở Hà Nội cũng đang sống nhờ kinh doanh, buôn bán vỉa hè.

Đại gia đình chị Trương Hồng Nga, ở khu tập thể 101 - Nguyễn Trường Tộ (Ba Đình, Hà Nội) nổi tiếng mấy chục năm nay với thương hiệu Xôi chè Ký Gia. Chỉ với một chiếc xe đẩy, vài chục cái ghế và dăm cái bàn nhựa, vài cái ô che nắng mưa, hàng chè có thể mang về cho gia đình chị Nga vài chục triệu đồng/tháng. Có ngày nóng cao điểm, chị bán hết veo 200 - 300 cốc chè, mỗi cốc 15.000 - 30.000 đồng. Đó là lý do chị không thuê cửa hàng cố định, không bán hàng trên mạng, mà chỉ bám vào vỉa hè mấy chục năm nay.

“Nhà tôi thích bán kiểu này, tự do, chủ động, không phải thuê người giúp. Tôi trả lương cho người nhà cao hơn thuê ngoài. Mỗi người 7 - 10 triệu đồng/tháng”, chị Nga chia sẻ. 

Covid-19 cũng khiến chị Nga phải dừng bán hàng một thời gian trong giai đoạn giãn cách xã hội, nhưng sau đó, hàng chè vỉa hè lại có thể tiếp tục hoạt động, chị không phải chịu áp lực về chi phí cửa hàng so với những người phải thuê để kinh doanh.

Không mất chi phí thuê mặt bằng, không cần nhiều vốn, nên những gánh xôi, bún riêu, xe đẩy cà phê rong… xuất hiện ngày càng nhiều trên vỉa hè tại các đô thị lớn theo những khung giờ cố định trong ngày. Giữa “thời Covid” đầy khó khăn, bức tranh kinh doanh vỉa hè dường như lại càng sôi động, bởi ở đó là cuộc sống, là hy vọng vào ngày mai của biết bao người.

(Còn tiếp)

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư