Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Việt Nam được đề cử tham gia Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc: Sự kiện quan trọng trong hội nhập quốc tế
Thanh Tùng - 11/06/2018 15:40
 
Việt Nam vừa được để cử vào vị trí thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Trao đổi với Báo Đầu tư, ông Trần Việt Thái, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược (Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao) cho biết, đây là một sự kiện quan trọng trong quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Sau 10 năm, kể từ năm 2008, đây là lần thứ hai Việt Nam ứng cử vào vị trí thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBALHQ). Vì sao Việt Nam lại ra ứng cử lần này?

Theo cơ chế của HĐBALHQ thì có 5 nước thường trực và một số nước không thường trực. Những nước không thường trực được phân chia theo nhóm và luân phiên, bầu theo khu vực. Việt Nam nằm trong nhóm của các nước ở Châu Á-Thái Bình Dương.

.
Ông Trần Việt Thái, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược (Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao)

Do vậy, việc Việt Nam được nhóm các nước này đề cử trở thành ứng cử viên duy nhất của các nước trong khu vực trong HĐBALHQ là rất quan trọng. Vừa rồi, trong cuộc họp của nhóm các nước thành viên LHQ ở châu Á-Thái Bình Dương, thì các nước đã chính thức thông qua đề xuất đề cử Việt Nam là ứng cử viên duy nhất của cả khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho vị trí ủy viên không thường trực tại HĐBALHQ nhiệm kỳ 2020-2021. Đây là bước vô cùng quan trọng. Cuộc bỏ phiếu đó sẽ chính thức được tiến hành vào giữa năm 2019.

Vể việc Việt Nam ra ứng cử vào vị trí ủy viên không thường trực tại HĐBALHQ nhiệm kỳ 2020-2021, có thể nhận định có mấy điểm chính:

Thứ nhất, đây là bước cụ thể triển khai chiến lược đường lối đối ngoại hội nhập quốc tế tích cực, chủ động của Đảng và Nhà nước ta, đặc biệt là được thông qua từ Đại hội 11 và 12 đến nay.

Việc Việt Nam ứng cử vào vị trí ủy viên không thường trực tại HĐBALHQ – mức cao nhất về hội nhập quốc tế mà một quốc gia như Việt Nam có thể tham gia được

Việt Nam ứng cử vào vị trí ủy viên không thường trực tại HĐBALHQ khẳng định tính đúng đắn của đường lối của Đảng và Nhà nước.

Thứ hai, lần trước, năm 2008-2009, chúng ta cũng thực hiện rất tốt vai trò là ủy viên không thường trực HĐBALHQ. Chúng ta đã điều phối được các quan hệ và xử lý được nhiều vấn đề phức tạp và nhạy cảm trong khuôn khổ của HĐBALHQ, cũng như trong khuôn khổ của LHQ, trong quan hệ song phương và đa phương giữa Việt Nam và các đối tác trong khu vực và trên thế giới, nhất là các nước lớn. Do vậy, Việt Nam tiếp tục được tín nhiệm.

Thứ ba, tình hình thế giới và khu vực đang diễn biến rất phức tạp và nhanh chóng. Bối cảnh hiện nay đã thay đổi rất nhiều so với năm 2008-2009. Cục diện quan hệ quốc tế cũng thay đổi, nhất là quan hệ với các nước lớn.

Do vậy, việc Việt Nam tham gia vào HĐBALHQ là vô cùng quan trọng, vì nó giúp Việt Nam khẳng định được vị thế trên trường quốc tế, đóng góp cho hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.

Chúng ta có thể trông đợi gì khi Việt Nam trở thành ủy viên không thường trực của HĐBALHQ là gì, thưa ông?

Thứ nhất, ở cấp vĩ mô, HĐBA là cơ chế quyền lực nhất của LHQ, là cơ chế quản trị toàn cầu về vấn đề an ninh, hòa bình và ổn định trên toàn thế giới. Do vậy, tham gia với tư cách không thường trực sẽ có quyền đóng góp tiếng nói của mình vào việc giải quyết các vấn đề an ninh toàn cầu. Đây là lợi thế rất lớn về mặt chính trị mà không phải nước nào cũng có thể có được tại bất cứ thời điểm nào. Lợi thế đó phải có được ở một thời điểm nhất định.

Thứ hai, thông qua cái đó, trong quá trình giải quyết các vấn đề, thì các nước sẽ tiếp cận tất cả các nước lớn nhỏ, nhất là ở những tháng, năm mà chúng ta chủ trì và được giao nhiệm vụ là chủ tịch luân phiên hoặc chủ trì những sự kiện lớn. Do vậy, thế của chúng ta là rất quan trọng.

Thứ ba, ta sẽ có lợi về đào tạo cán bộ. Thường những năm như thế này thì sẽ phải huy động một lực lượng lớn cán bộ, chuyên gia nắm được các vấn đề quốc tế, luật pháp, an ninh, chính trị, quốc phòng, và giỏi ngoại ngữ. Do vậy, cán bộ của ta sẽ có nhiều cơ hội lớn trong trao đổi kinh nghiệm, và gặp gỡ các chuyên gia quốc tế, để cải thiện kiến thức trên nhiều lĩnh vực như chính trị, ngoại giao, an ninh và quốc phòng, cũng như kỹ năng vận động hành lang, điều hành, chủ trì hội nghị… Những kinh nghiệm đó rất có ích cho Việt Nam, nhất là trong bối cảnh ta đang hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay.

Ví dụ, lần trước khi Việt Nam tham gia vào HĐBALHQ thì Việt Nam đã giúp Myanmar tránh được một lệnh cấm vận. Quan hệ Việt Nam - Myanmar sau đó phát triển rất tốt. Tháng 4/2010, Thủ tướng Việt Nam thăm chính thức Myanmar và mở ra 14 lĩnh vực hợp tác. Sau đó thì Vietnam Airlines mở đường bay sang Myanmar, và thêm các doanh nghiệp Việt Nam sang làm ăn, đầu tư tại Myanmar.

Nhưng Việt Nam có gặp thách thức gì không, thưa ông?

Có nhiều thách thức, tựu trung có một số điểm như sau:

Thứ nhất là thách thức về chính trị. Việt Nam vẫn là nước có quy mô kinh tế vừa và nhỏ, tiềm lực có hạn và mới hội nhập quốc tế, trong khi có nhiều nước có rất nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý các vấn đề. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ của ta còn mỏng. Những cán bộ nắm chắc các vấn đề quốc tế, có kỹ năng điều hành hội nghị, hội thảo, vận động hành lang vẫn chưa phải là nhiều. Đây là thách thức có tính chủ quan.

Thứ hai là thách thức khách quan. Tình hình thế giới đã phức tạp hơn rất nhiều, về an ninh, an toàn, mà HĐBALHQ phải xử lý rất nhiều. Trong khi đó, tương quan lực lượng đã thay đổi, đặc biệt là sự cọ sát và mâu thuẫn giữa các nước lớn đã khác xa  so với năm 2008-2009, nhất là kể từ năm 2014. 

Ông đánh giá như thế nào về vị thế của Việt Nam hiện nay, so với năm 2008 - khi lần đầu tiên ứng cử vào vị trí thành viên không thường trực HĐBALHQ?

Vị thế của Việt Nam đã được nâng lên rất nhiều. Việc Việt Nam tổ chức APEC rất thành công vào năm 2017, với tuyên bố liên bộ trưởng ngoại giao và kinh tế, cộng với việc Việt Nam đồng thời đón tiếp nhiều nguyên thủ quốc gia, như ta đón đồng thời cả Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong vòng một ngày tại Hà Nội, và đón tiếp thành công chuyến thăm của Thủ tướng Canada Justin Trudeau –đã để lại ấn tượng rất tốt đẹp trong lòng các nước.

Chẳng hạn như, năm nay Canada tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng đã mời Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự. 

Ta nhớ lại năm 2008-2009, sau đó vào năm 2010 ta tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN rất thành công và có tiếng vang rất lớn.

Vậy là thế của Việt Nam đang có đà đi lên và rất thuận lợi.

Việt Nam luôn trân trọng hỗ trợ của Liên Hợp quốc trong xây dựng, phát triển đất nước
Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Việt Nam gia nhập Liên Hợp quốc (20/9/1977-20/9/2017), Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư