Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 14 tháng 09 năm 2024,
Việt Nam hưởng bao nhiêu từ dự án FDI công nghệ cao?
Nguyên Đức - 19/07/2013 06:55
 
Tiếp tục đầu tư và có chính sách khuyến khích đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ là giải pháp để nền kinh tế Việt Nam được hưởng lợi nhiều hơn từ các dự án của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). >>> Samsung không ngừng đổ vốn, Việt Nam được gì?

Số liệu thống kê mới nhất, 6 tháng đầu năm, Samsung Electronics Việt Nam (SEV) đã xuất khẩu được 11 tỷ USD các sản phẩm điện thoại di động, máy hút bụi, một con số khiến nhiều người ngỡ ngàng, vì đã gần cán mốc gần 12,6 tỷ USD của năm 2012 và lớn hơn kim ngạch xuất khẩu của bất cứ DN nào ở Việt Nam đạt được.

Samsung Electronics Việt Nam là doanh nghiệp mang lại giá trị gia tăng lớn cho kinh tế Việt Nam

Tương tự, Intel, trong 6 tháng đầu năm xuất khẩu được 956 triệu USD. Con số này ở Canon - Chi nhánh Tiên Sơn là gần 192 triệu USD, còn Canon - Chi nhánh Quế Võ là hơn 491 triệu USD.

Những kết quả phải nói là rất đáng trân trọng, thậm chí còn có thể coi là kỳ tích, góp phần rất lớn vào tăng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Hơn thế, theo bình luận của GS-TSKH. Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư, đây là một động thái rất tích cực, bởi nó cho thấy, Việt Nam đang đi đúng hướng trong thu hút FDI.

“Ngay từ khi bắt đầu thu hút FDI, chúng ta đã đặt mục tiêu tăng cường xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng chế tạo, công nghệ cao”, GS-TSKH. Nguyễn Mại nói.

Mặc dù vậy, cũng phải thừa nhận rằng, doanh nghiệp FDI xuất khẩu nhiều, song nhập khẩu cũng không ít. Chẳng hạn, 6 tháng đầu năm nay, SEV đã nhập khẩu 9,3 tỷ USD. Con số này ở Intel là 855 triệu USD, ở Canon Tiên Sơn là 104 triệu USD, Canon Quế Võ là 203,4 triệu USD.

Với kết quả trên, chênh lệch xuất nhập khẩu, hay nói cách khác là giá trị gia tăng, mà SEV mang lại cho nền kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm nay là 1,7 tỷ USD. Với Intel là 101 triệu USD, còn Canon tương ứng ở hai chi nhánh Tiên Sơn và Quế Võ là 88 triệu USD và 260,6 triệu USD.

Năm ngoái, với kim ngạch xuất khẩu 12,538 tỷ USD, nhập khẩu tới 11,813 tỷ USD, nếu trừ đi phần nhập khẩu cho đầu tư, thì giá trị gia tăng của SEV khoảng 1,159 tỷ USD. Con số này ở Intel là 200 triệu USD (xuất khẩu 1,67 tỷ USD, nhập khẩu 1,47 tỷ USD), ở Canon Tiên Sơn là 274 triệu USD và Canon Quế Võ là 503 triệu USD…

“Xét về giá trị tuyệt đối, không một doanh nghiệp FDI nào ở Việt Nam mang lại giá trị gia tăng lớn như Samsung. Đây là một con số đáng ghi nhận”, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh đã bình luận như vậy và cho rằng, tới đây, khi các nhà máy vệ tinh và khi các nhà máy linh phụ kiện do SEV trực tiếp đầu tư đi vào sản xuất ổn định, giá trị gia tăng này sẽ tăng cao hơn nữa, đóng góp giá trị đích thực cho nền kinh tế Việt Nam.

Theo thông tin của phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn, hiện có 54 nhà đầu tư vệ tinh Hàn Quốc của Samsung đã đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký khoảng 2 tỷ USD. Tính đến hết năm 2012, các nhà đầu tư này đã cung cấp cho SEV khoảng 1,7 tỷ USD giá trị nguyên, phụ liệu các loại. Cũng nhờ đó, mà tỷ lệ nội địa hóa của SEV đã không ngừng tăng lên trong các năm qua, từ mức 10% của năm đầu tiên lên 20% trong năm nay.

Tuy nhiên, GS-TSKH. Nguyễn Mại, cho rằng, giá trị gia tăng này vẫn chưa thực sự đạt như kỳ vọng. Bởi lẽ, nó mới chỉ chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của SEV trong năm ngoái và khoảng 15,5% trong 6 tháng đầu năm nay.

“Nếu giá trị gia tăng có thể tăng cao hơn nữa, thì nền kinh tế Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ các dự án lớn như của Samsung”, ông Mại nói nhưng cũng thừa nhận, vấn đề giá trị gia tăng thấp không nằm ở phía nhà đầu tư, mà ở phía nền công nghiệp phụ trợ của Việt Nam.

Thực ra, nếu xét về giá trị tương đối, trong số các doanh nghiệp FDI kể trên, Canon là có tỷ lệ nội địa hóa và giá trị gia tăng cao hơn cả. Tuy vậy, phần nội địa hóa của công ty này chủ yếu nằm ở phần công nghiệp cơ khí, mà bao năm nay, Việt Nam tập trung đầu tư phát triển. Còn linh, phụ kiện lĩnh vực điện tử, Canon cũng đã rất khó khăn trong tìm kiếm các nhà cung cấp trong nước.

Cũng chính vì vậy, mà trong một diễn đàn gần đây, ông Kinya Okada, Giám đốc bộ phận Điều phối ngành máy in laser của Công ty Canon Việt Nam đã phải lên tiếng kêu gọi “nếu ai có thông tin về doanh nghiệp Việt Nam cung cấp được linh kiện điện tử cho Canon, thì hãy thông báo cho chúng tôi”. Nhưng đúng như dự liệu của ông Okada, chưa có doanh nghiệp Việt Nam cung cấp linh kiện điện tử nào xuất hiện.

Câu chuyện cũng tương tự với SEV. Theo ông Shim Won Hwan, Tổng giám đốc Khu tổ hợp công nghệ Samsung, SEV rất mong muốn nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, nâng cao giá trị gia tăng, nhưng vấn đề hiện nay là công nghiệp phụ trợ và các doanh nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng được những yêu cầu do Samsung đề ra.

“Hiện có khoảng 60 nhà cung cấp cho SEV, nhưng chỉ có 5 nhà cung cấp là của Việt Nam. Song những sản phẩm mà họ cung cấp cho chúng tôi không phải linh kiện điện tử, mà chỉ là các loại bao bì, hộp xốp…” , ông Shim cho biết.

Như vậy, vấn đề không nằm ở phía nhà đầu tư, mà ở ngành công nghiệp phụ trợ chưa phát triển của Việt Nam. Việt Nam muốn các doanh nghiệp FDI nâng cao giá trị gia tăng, thì không còn cách nào khác, phải tiếp tục đầu tư và có chính sách khuyến khích đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ. Chỉ khi ấy, nỗi ám ảnh tỷ lệ nội địa hóa và giá trị gia tăng mới được giải tỏa.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư