Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Việt Nam kỳ vọng thu hút 12-13 tỷ USD vốn FDI từ khu vực Mỹ Latinh
Hải Yến - 09/12/2021 14:50
 
Việt Nam và khu vực Mỹ Latinh đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên khoảng 20 tỷ USD vào năm 2025, và thu hút khoảng 12-13 tỷ USD đầu tư từ khu vực này.
Việt Nam - Mỹ Latinh đặt mục tiêu đưa quan hệ thương mại 2 chiều lên 20 tỷ USD vào cuối năm 2025.
Việt Nam - Mỹ Latinh đặt mục tiêu đưa quan hệ thương mại 2 chiều lên 20 tỷ USD vào cuối năm 2025.

Việt Nam và các quốc gia Mỹ Latinh đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên khoảng 20 tỷ USD vào năm 2025, đồng thời thu hút khoảng 12-13 tỷ USD đầu tư từ Khu vực này. Thông tin được Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đưa ra tại Diễn đàn Thương mại Việt Nam - Mỹ Latinh năm 2021, diễn ra sáng 9/12.

Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ thương mại với tất cả 33 quốc gia trong khu vực, với tổng kim ngạch thương mại hai chiều tăng hơn 63 lần từ 245 triệu USD năm 2000 lên 15,6 tỷ USD vào năm 2020, trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 8,3 tỷ USD và nhập khẩu đạt 7,3 tỷ USD.

Trong lĩnh vực hợp tác đầu tư, Việt Nam đã có một số dự án đầu tư tại Mỹ Latinh với số vốn lên tới hàng trăm triệu USD như các dự án phát triển mạng viễn thông ở Haiti và Pê-ru, sản xuất mỳ ăn liền ở Brazil.

Ở chiều ngược lại, hiện có 27 quốc gia và vùng lãnh thổ tại Mỹ Latinh đầu tư tại Việt Nam với 297 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 9,3 tỷ USD.

"Việt Nam mong muốn nâng cao hơn nữa giá trị kim ngạch thương mại và đầu tư với các nước trong khu vực, trong đó tập trung vào các lĩnh vực năng lượng, viễn thông, nông nghiệp kỹ thuật cao và các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên khoảng 20 tỷ USD vào năm 2025, thu hút khoảng 12-13 tỷ USD đầu tư từ Khu vực", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Thuận lợi trong quan hệ thương mại với khu vực Mỹ Latinh là Việt Nam cũng đã ký kết nhiều hiệp định, thoả thuận với một số nước trong Khu vực, trong đó đặc biệt là Hiệp định thương mại tự do với Chi Lê, có hiệu lực từ năm 2014, Hiệp định CPTPP, trong đó có 3 nước Mỹ Latinh gồm Mexico, Chile, Peru là thành viên.

Trong đó, Hiệp định CPTPP đã đi vào thực thi gần 3 năm qua đối với Mexico, Chile và bắt đầu có hiệu lực từ tháng 9/2021 đối với thị trường Peru và đem lại những kết quả hết sức tích cực. Các Hiệp định trên được coi là bước ngoặt quan trọng tạo ra xung lực mới để thúc đẩy hợp tác thương mại – đầu tư giữa Việt Nam với các trong Khu vực.

Tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Mexico, Tatiana Clouthier Carrillo nhấn mạnh 5 lĩnh vực hợp tác đầu tư, thương mại mà doanh nghiệp Việt Nam có thể tập trung khai thác trong thời gian tới.

"Hiệp định CPTPP đã có hiệu lực, thúc đẩy đầu tư, thương mại giữa 2 nước với nhều ưu đãi, trong đó Mexico đặt trọng tâm các lĩnh vực đầu tư hợp tác với Việt Nam, gồm lập chuỗi sản xuất, khuyến khích doanh nghiệp Việt đầu tư sản xuất tại Mexico, kêu gọi đầu tư vào công nghiệp, lĩnh vực đang được Mexico đặc biệt quan tâm. Đổi lại, doanh nghiệp Mexico có ưu thế xuất khẩu sang Việt Nam các sản phẩm thịt bò, trái cây, nhôm, điện tử và thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại quốc tế cho doanh nghiệp 2 nước", Bộ trưởng Bộ Kinh tế Mexico cho hay.

Đặt mục tiêu thương mại hai chiều 20 tỷ USD vào năm 2025, nhưng cộng đồng doanh nghiệp hai bên vẫn đang tiếp tục đứng trước những thách thức trong hợp tác kinh doanh, từ khoảng cách địa lý xa xôi, chưa có tuyến vận tải hàng hóa và hành khách trực tiếp dẫn đến thời gian vận tải - đi lại dài và chi phí cao, và đặc biệt là ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu trong hai năm vừa qua làm đứt gẫy chuỗi cung ứng toàn cầu.

Amazon lưu ý các doanh nghiệp Việt: "Khác biệt về văn hóa, địa bàn xa xôi khiến cho việc tiếp cận thị trường Mỹ Latinh trở nên nhiều rào cản hơn với các doanh nghiệp, dù nhu cầu nhập khẩu hàng hóa tại Khu vực thị trường này rất lớn. Do vậy, mấu chốt là tìm hiểu thị trường thật kỹ".

Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công thương), ông Tạ Hoành Linh cho rằng, để gia tăng xuất khẩu sang các thị trường này, doanh nghiệp Việt cần đánh giá nhu cầu, xác định lợi thế cạnh tranh; nghiên cứu kỹ các quy định về nhập khẩu hàng hóa, thuế, thủ tục hải quan…

"Bộ Công thương cùng với hệ thống thương vụ Việt Nam tại các nước Mỹ Latinh sẽ hỗ trợ các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam về thông tin thị trường, làm cầu nối với các đối tác nước ngoài, hỗ trợ giải quyết khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình thâm nhập thị trường và kinh doanh", ông Linh nhấn mạnh.

Nhiều nông sản Việt Nam hưởng lợi khi Peru thông qua CPTPP
Peru vừa chính thức thông qua Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), mở ra cơ hội cho Việt Nam xuất khẩu hàng hóa,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư