Thứ Ba, Ngày 08 tháng 04 năm 2025,
Việt Nam sẽ tiếp tục là vị trí chiến lược để mở rộng sản xuất
Bích Ngọc ghi - 08/04/2025 08:35
 
Trước thông tin Hoa Kỳ áp thuế đối ứng với Việt Nam, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp nước ngoài vẫn tiếp tục coi Việt Nam là một trong những vị trí chiến lược để mở rộng hệ thống cơ sở sản xuất

Mặc dầu đang bị chịu sức ép quá lớn với mức áp thuế đối ứng của Hoa Kỳ, nhưng các chuyên gia cho rằng, về lâu dài, các doanh nghiệp quốc tế sẽ vẫn tiếp tục coi Việt Nam là một trong những vị trí chiến lược để mở rộng hệ thống cơ sở sản xuất.

Tôi tin vào sự khéo léo và kỹ năng đàm phán chiến lược của chính phủ

Ông David Jackson, Tổng giám đốc Avison Young Vietnam

Việt Nam vẫn đang sở hữu một số điều kiện thuận lợi nổi bật như chi phí lao động phải chăng, vị trí chiến lược (có chung biên giới với Trung Quốc và tiếp cận thị trường ASEAN), các ưu đãi thuận lợi… Do đó, bất chấp sự bất ổn ban đầu, với những lợi thế chiến lược của Việt Nam sẽ đảm bảo sức mạnh liên tục của mình trong thương mại toàn cầu.

Tôi tin rằng, Việt Nam có nền tảng vững chắc để vượt qua các thách thức thương mại, nhờ vào sự khéo léo và kỹ năng đàm phán chiến lược của chính phủ.

Việt Nam luôn cân bằng các mối quan hệ giữa các đối tác thương mại phương Tây và phương Đông, đảm bảo tối đa hóa lợi ích của các hiệp định thương mại toàn cầu. Một thế mạnh chính nằm ở các chiến lược ngoại giao thông minh của Việt Nam.

Do đó, để đối phó với các bất ổn như mức thuế đối ứng 46% của Hoa Kỳ, tôi tin rằng, Việt Nam tiếp tục tận dụng các mạng lưới ngoại giao vững chắc của mình để đàm phán các điều khoản và miễn trừ có lợi nhất cho đất nước.

Đa dạng hóa quan hệ đối tác thương mại là một nỗ lực toàn diện khác của chính phủ Việt Nam. Với 12 đối tác chiến lược toàn diện và 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực, Việt Nam đã xây dựng được một mạng lưới thương mại toàn cầu vững mạnh.

Để giảm thiểu rủi ro từ việc quá phụ thuộc vào các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ và Trung Quốc, các nhà hoạch định chính sách đã tăng cường hơn nữa mối quan hệ với các thị trường mới nổi và mở rộng sự tham gia vào các khối thương mại khu vực.

Thành công của Việt Nam trong việc đàm phán lại Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi Hoa Kỳ rút lui chứng tỏ khả năng thích ứng và bảo vệ lợi ích thương mại của mình.

Ngoài các hiệp định thương mại, lợi thế nhân khẩu học của Việt Nam đóng vai trò quan trọng, với thị trường tiêu dùng hấp dẫn, thu hút các khoản đầu tư lớn từ các nhà sản xuất đa quốc gia như IKEA, Samsung, LEGO…

Các chính sách nâng cao kỹ năng và cơ sở hạ tầng của lực lượng lao động sẽ củng cố thêm vị thế của Việt Nam như một bên đóng vai trò chủ chốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Mức thuế 46% đang gây lo ngại cho cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài

Ông Dan Martin, cố vấn kinh doanh quốc tế, Công ty Dezan Shira & Associates

Mức thuế 46% đối với hàng hóa Việt Nam nhập khẩu vào thị trường Mỹ đã gây ra nhiều lo ngại trong cộng đồng doanh nghiệp.

Nếu được thực hiện đầy đủ, chính sách này sẽ tạo ra thách thức nghiêm trọng cho các ngành xuất khẩu chủ chốt, đặc biệt là dệt may, giày dép và nội thất, những ngành từ lâu đã xem Mỹ là một trong những thị trường chính.

Biên lợi nhuận sẽ bị thu hẹp, đơn hàng có thể chậm lại và những tác động sau đó sẽ ảnh hưởng đến việc làm, chuỗi cung ứng và quyết định đầu tư.

Trong suốt thập niên qua, Việt Nam đã từng bước mở rộng kiến trúc thương mại của mình, ký kết các hiệp định thương mại tự do với hầu hết các nền kinh tế lớn nhất thế giới, bao gồm EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều đối tác ASEAN. Thực tế, Mỹ là một trong số ít thị trường mà Việt Nam chưa có hiệp định thương mại tự do, nhưng thương mại giữa hai bên vẫn tăng trưởng mạnh mẽ. Điều này cho thấy sức hấp dẫn rộng rãi của Việt Nam.

Cùng lúc đó, tình hình vẫn còn nhiều biến động. Ngày thực hiện dự kiến vào 9/4/2025 chỉ là một kế hoạch. Kinh nghiệm với các sáng kiến thuế quan của Mỹ, bao gồm cả dưới chính quyền Mỹ hiện tại, cho thấy những đề xuất này thường thay đổi, bao gồm việc bị hoãn, điều chỉnh hoặc thậm chí hủy bỏ hoàn toàn.

Nhiều người trong giới doanh nghiệp và chính sách xem thông báo này không phải là một lập trường cuối cùng, mà là một bước đi mở đầu mang tính chiến lược, nhằm đưa các vấn đề quan trọng ra bàn đàm phán.

Chính phủ Việt Nam trong những tháng gần đây đã thực hiện những bước đi cụ thể để phù hợp với lợi ích của Mỹ - từ việc cắt giảm thuế đối với hàng hóa Mỹ đến việc mở cửa cho các lĩnh vực mới như dịch vụ vệ tinh và khí thiên nhiên hóa lỏng. Đây không phải là những phản ứng đối với đề xuất này, mà là một phần trong nỗ lực dài hạn nhằm củng cố quan hệ song phương.

Về lĩnh vực sản xuất, sẽ không có một cuộc tháo chạy ồ ạt. Các công ty mà chúng tôi đã trò chuyện không đến Việt Nam chỉ để tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn. Họ có mặt ở đây để xây dựng các hoạt động bền vững, lâu dài tại châu Á. Đối với nhiều doanh nghiệp, Việt Nam là một trung tâm chiến lược, được hỗ trợ bởi khả năng cạnh tranh chi phí, nguồn lao động dồi dào và kết nối chuỗi cung ứng mà khó có thể tái tạo. Một vài công ty có thể đánh giá lại cách thức chuyển hàng đến Mỹ, nhưng phần lớn sẽ thích ứng chứ không từ bỏ.

Thuế đối ứng của Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng đến thị trường bất động sản Việt Nam

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, CEO Bất động sản Sen Vàng

Mặc dầu con số 46% thuế đối ứng gây sốc cho tất cả các bên nhưng sự nguy hiểm có lẽ đa phần đánh vào tâm lý bất ổn chung trên thị trường tại thời điểm hiện tại cho Việt Nam. Điều này được phản ánh qua VN-Index trong thời gian qua.

Mặc dù trong giai đoạn ngắn hạn, chính sách này sẽ ảnh hưởng khá lớn đến thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, về dài hạn, tôi đánh giá đây cũng chính là cơ hội để thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam phát triển mạnh mẽ.

Chính phủ Việt Nam và các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng cần tìm kiếm các giải pháp và sản phẩm hấp dẫn hơn để thu hút các nhà đầu tư FDI và đẩy mạnh hấp dẫn các nhà đầu tư trong nước.

Thay vì chỉ dựa vào các xu hướng thương mại quốc tế như Trung Quốc +1, Việt Nam nên tận dụng lợi thế cạnh tranh của mình như vị trí địa lý chiến lược, lực lượng và chất lượng lao động cao, chi phí lao động hợp lý, nền chính trị ổn định để thu hút đầu tư trong giai đoạn sắp tới. Những ưu thế của Việt Nam thời điểm hiện tại là điều không ai có thể phủ nhận được.

Đây cũng là thời điểm để Việt Nam định hình và quy hoạch lại các ngành nghề mũi nhọn và chiến lược ưu tiên. Việc tích cực tham gia vào các hiệp định hợp tác song phương và đa phương sẽ mở ra nhiều cơ hội mới, giúp Việt Nam nâng cao vị thế trong khu vực và trên thế giới. Chúng ta cần tận dụng những thách thức hiện tại để chuyển đổi và phát triển bền vững trong tương lai.

Nhà đầu tư sẽ tạm dừng việc xem xét các khoản đầu tư mới

Ông Marc Townsend, cố vấn cao cấp, Arcadia Consulting

Tôi nghĩ còn quá sớm để nói về những tác động lâu dài sẽ như ảnh hưởng lên Việt Nam nhưng đây chắc chắn là một lời cảnh tỉnh lớn đối với chính phủ Việt Nam và thị trường bất động sản nói chung, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp còn non trẻ gần như chắc chắn sẽ đình trệ và có thể nhà đầu tư nước ngoài sẽ tạm thời dừng lại việc xem xét các khoản đầu tư mới cho đến khi tình hình rõ ràng hơn sau khi đàm phán diễn ra.

Thị trường bất động sản nói chung đang phục hồi tốt sau một vài năm nguồn cung quá thấp tại TP.HCM và Hà Nội. Hiện nay còn số lượng lớn hàng tồn kho trong phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng tại các thành phố biển như Đà Nẵng, Phan Thiết, Nha Trang và Phú Quốc.

Chiến dịch chống tham nhũng của Việt Nam đang diễn ra một cách mạnh mẽ, mức độ tin tưởng của người tiêu dùng trên thị trường thấp trong khi lãi suất cao. Tuy nhiên, năm 2025 đã bắt đầu tốt đẹp với chính sách và luật mới của Chính phủ Việt Nam liên quan đến thị trường bất động sản, cải thiện cơ sở hạ tầng.

Sự trở lại của chính quyền Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng và việc mở rộng cơ sở sản xuất đã thúc đẩy Chính phủ dự báo tăng trưởng GDP là 8%. Đây sẽ là một đề xuất đầy thách thức nhưng với kỹ năng ngoại giao tuyệt vời của Việt Nam và bạn thấy đấy, cả thế giới đang mang giày thể thao Made in Vietnam, thì điều đó không phải là không thể.

Khi Việt Nam là đích đến của các nhà đầu tư nước ngoài
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục coi Việt Nam là “đích đến”. Nhưng quan trọng là làm sao để các kế hoạch đó được hiện thực hóa,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư