Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Việt Nam tăng cường hợp tác với Tanzania, Mozambique và Iran
Thùy Dung (Vietnam+) - 08/03/2016 21:32
 
Ngày 9/3, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Tanzania, Mozambique và Iran từ ngày 9-15/3.

Nhận lời mời của Tổng thống nước Cộng hòa Thống nhất Tanzania John Magufuli, Tổng thống nước Cộng hòa Mozambique Filipe Jacinto Nyusi và Tổng thống nước Cộng hòa Hồi giáo Iran Hassan Rouhani, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước tới ba nước này từ ngày 9-15/3.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)

Việt Nam-Tanzania: Hợp tác kinh tế có nhiều bước tiến tích cực

Nằm ở phía Đông châu Phi với diện tích hơn 900.000km2 và dân số là 51 triệu người, Tanzania là nước có vai trò quan trọng tại các diễn đàn khu vực và thế giới, là Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc khóa 2005-2006; là một trong tám nước được chọn triển khực Đông Pai thí điểm dự án nâng cao hiệu quả hoạt động của Liên hợp quốc.

Tanzania cũng là nước đóng góp tích cực trong Phong trào Không liên kết, Liên minh châu Phi (AU), Cộng đồng phát triển miền Nam châu Phi (SADC) và là Chủ tịch Cộng đồng Kinh tế khu vhi (EAC) năm 2016.

Là nền kinh tế phát triển năng động tại khu vực Đông Phi (6-7%/năm), Tanzania chủ yếu dựa vào nông nghiệp với tỷ trọng chiếm 1/4 GDP, 85% giá trị xuất khẩu và sử dụng 80% lực lượng lao động. Tanzania hiện là quốc gia sản xuất vàng lớn thứ 3 châu Phi. Năm 2012, Tanzania đã phát hiện mỏ khí đốt có trữ lượng lớn ở ngoài khơi Dandiba.

Việt Nam và Tanzania thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 14/2/1965, hai nước có truyền thống quan hệ hữu nghị tốt đẹp. Lãnh đạo cấp cao Tanzania đã nhiều lần thăm Việt Nam và luôn coi Việt Nam là tấm gương trong đấu tranh chống xâm lược đối với các dân tộc bị áp bức, đặc biệt là các nước châu Phi.

Tanzania đã ủng hộ Việt Nam cả vật chất lẫn tinh thần trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây và trong công cuộc xây dựng đất nước hiện nay; tích cực ủng hộ Việt Nam vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), trở thành thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2008-2009), thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2014-2016), Hội đồng chấp hành UNESCO (2015-2019), Hội đồng kinh tế-xã hội Liên hợp quốc (2016-2018) và công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.

Hợp tác kinh tế giữa hai nước có nhiều bước tiến tích cực. Năm 2014, kim ngạch song phương đạt 156 triệu USD, trong đó Việt Nam nhập siêu 105 triệu USD với mặt hàng điều thô chiếm 50% kim ngạch nhập khẩu. Năm 2015, kim ngạch thương mại song phương đạt 204 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất 64 triệu USD.

Trong lĩnh vực đầu tư, tháng 9/2014, Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel đã hoàn tất đàm phán thành lập liên doanh hợp tác về viễn thông Viettel Tanzania (Viettel sở hữu 99,999% cổ phần) với tổng số vốn đầu tư hơn 700 triệu USD và đã được cấp phép triển khai xây dựng, vận hành mạng viễn thông 3G tại Tanzania.

Việt Nam và Tanzania đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác như Hiệp định Thương mại (10/2001), Bản ghi nhớ về Chương trình hợp tác nông nghiệp giữa Tanzania và Việt Nam (3/2002), Hiệp định hợp tác Kinh tế, Thương mại, Khoa học và Công nghệ, Thỏa thuận thành lập Ủy ban hỗn hợp giữa Chính phủ Tanzania và Chính phủ Việt Nam (12/2004)... Ủy ban hỗn hợp giữa hai nước sau khi được thành lập đã tổ chức kỳ họp lần thứ nhất vào tháng 12/2014 tại Hà Nội.
 

Việt Nam-Mozambique: Hợp tác kinh tế sôi động

Cộng hòa Mozambique nằm ở phía Đông Nam châu Phi, có diện tích 799.380km2 với dân số 24,69 triệu người (tháng 7/2014). Thời gian gần đây, Mozambique thực hiện chính sách hướng Đông nhằm tăng cường hợp tác với các nước châu Á như Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Ấn Độ.

Mozambique là thành viên tích cực của Liên minh châu Phi (AU), Cộng đồng Phát triển miền Nam châu Phi (SADC), Phong trào Không liên kết, Cộng đồng các nước nói tiếng Bồ Đào Nha (PALOP), Khối Liên hiệp Anh (Commonwealth).

Là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng cao và ổn định nhất châu Phi (7-8%/năm), nông sản chính của Mozambique là bông, hạt điều, ngũ cốc, cùi dừa, chè, sắn, mía, lạc...

Nền kinh tế Mozambique còn dựa vào xuất khẩu điện, than đá, khí gas, nhôm, hải sản, cung cấp dịch vụ cảng, đường giao thông quá cảnh cho các nước láng giềng.

Thời gian qua, Chính phủ Mozambique tập trung xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực, tích cực kêu gọi đầu tư nước ngoài, tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng, phát huy nội lực xây dựng đất nước. Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, trong giai đoạn 2010-2015, Mozambique vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng trung bình khoảng 7%/năm.

Việt Nam và Mozambique thiết lập quan hệ ngoại giao từ 25/6/1975. Hai nước có quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp từ thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc. Năm 2015, hai nước tổ chức kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Việt Nam và Mozambique đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao, gần đây nhất là Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh thăm Mozambique vào năm 2008 và Thủ tướng Mozambique Aires Ali thăm Việt Nam năm 2010. 

Hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Mozambique những năm qua khá sôi động. Từ năm 2006-2010, kim ngạch trao đổi thương mại hai nước tăng hơn 3 lần (từ 13,83 triệu USD lên 45,35 triệu USD). Trao đổi thương mại tăng đều đến năm 2014 có dấu hiệu giảm sút do Mozambique giảm nhập khẩu gạo, clanke, dây điện và dây cáp điện từ Việt Nam.

Năm 2015, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 66,1 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất 59,6 triệu USD và nhập hơn 6,5 triệu USD. Hiện Việt Nam có tập đoàn Viettel và Hapro đang đầu tư tại Mozambique trong lĩnh vực viễn thông và thương mại.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam và Mozambique có nhiều dự án hợp tác song phương, ba bên, chia sẻ kinh nghiệm và đào tạo kỹ thuật phát triển nông nghiệp, thủy sản.

Từ tháng 3/2014, hai bên đã ký Dự án Hợp tác nghiên cứu phát triển cây lương thực, thực phẩm tại Mozambique giai đoạn 2013-2017. Việt Nam và Mozambique cũng đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác khác như Hiệp định khung về hợp tác kinh tế, văn hóa và khoa học công nghệ (2003), Hiệp định Thương mại (2003), Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư (1/2007), Hiệp định hợp tác nông nghiệp (2007), Hiệp định giữa hai Chính phủ về hợp tác nghiên cứu phát triển cây lương thực, thực phẩm tại Mozambique giai đoạn 2013-2017...

Việt Nam-Iran: Tăng cường trao đổi thương mại

Cộng hòa Hồi giáo Iran nằm ở Tây Nam châu Á với diện tích 1,648 triệu km2 và dân số là hơn 80,9 triệu người. Tháng 7/2015, sau khi Iran và P5+1 đạt được Thỏa thuận hạt nhân toàn diện JCPOA và chính thức triển khai Thỏa thuận từ ngày 16/1/2016, quan hệ Iran và P5+1 được cải thiện. Liên hợp quốc, Hoa Kỳ và phương Tây dần gỡ bỏ trừng phạt kinh tế đối với Iran. Nền kinh tế Iran đang từng bước khôi phục, tăng trưởng kinh tế năm 2015 ước đạt 2%, là nền kinh tế thứ 29 thế giới.

Việt Nam và Iran thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 4/8/1973. Tháng 9/2009, Hội hữu nghị Việt Nam-Iran được thành lập. Hai bên đã tổ chức sáu kỳ họp Tham vấn chính trị và tám kỳ họp Ủy ban Liên Chính phủ.

Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Iran năm 2015 đạt 106,7 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất 77,2 triệu USD. Mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam là đá xây dựng, chè, hạt điều, dao cạo râu...; mặt hàng nhập khẩu chính là phân bón, chất dẻo nguyên liệu, khí đốt hóa lỏng...

Hai nước cũng đã có các cuộc tiếp xúc và trao đổi nhiều đoàn cấp cao, trong đó có chuyến thăm Iran của Chủ tịch nước Lê Đức Anh (5/1994), Chủ tịch nước Trần Đức Lương (10/2002); Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh (7/1999), Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (10/2014)... Các đoàn Iran thăm Việt Nam có chuyến thăm của Tổng thống A. Rafsanjani (10/1995), Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad (11/2012); Chủ tịch Quốc hội Acba Nateck (12/1998)...

Viettel khai trương mạng di động Halotel tại Tanzania
Vào lúc 23h00 đêm nay (ngày 15/10 theo giờ Việt Nam), Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) sẽ chính thức khai trương dịch vụ viễn thông với...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư