Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Việt Nam tăng sử dụng "công cụ" bảo vệ ngành sản xuất nội địa
Hải Yến - 11/05/2024 09:28
 
Tính đến hết tháng 4/2024, Việt Nam đã tiến hành điều tra tổng cộng 18 vụ việc chống bán phá giá, 1 vụ việc chống trợ cấp, 6 vụ việc tự vệ và 2 vụ việc chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại với hàng hóa nhập khẩu.
Việt Nam tăng sử dụng công cụ phòng vệ thương mại để
Việt Nam tăng sử dụng công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất nội địa.

Thông tin về công tác điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nhập nhẩu vào Việt Nam, Cục Phòng vệ thương mại Bộ Công thương cho hay, tính đến hết tháng 4/2024, Việt Nam đã tiến hành điều tra tổng cộng 18 vụ việc chống bán phá giá, 1 vụ việc chống trợ cấp, 6 vụ việc tự vệ và 2 vụ việc chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Bộ tiếp nhận và xử lý 5 hồ sơ đề nghị điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá của ngành sản xuất trong nước, trong đó đã ban hành quyết định khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá với 2 vụ việc.

Bên cạnh đó, Bộ Công thương đã tiến hành 12 vụ việc rà soát các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và chống lẩn tránh đang được áp dụng theo quy định để đảm bảo các biện pháp được áp dụng đúng đối tượng, đúng mức độ và đúng điều kiện, trong đó có 4 vụ việc rà soát nhà xuất khẩu mới, 5 vụ việc rà soát hàng năm và 3 vụ việc rà soát cuối kỳ.

Các biện pháp phòng vệ thương mại đã áp dụng với hàng nhập khẩu hiện đang bảo vệ các ngành sản xuất trong nước chiếm khoảng 9,5% GDP của Việt Nam và công ăn việc làm của hàng triệu người lao động, giúp  tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Biện pháp tự vệ chính thức đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam được áp dụng từ tháng 7 năm 2016 của Bộ Công thương và đã được gia hạn một lần kéo dài đến tháng 3 năm 2023.

Sau quá trình rà soát, thu thập thông tin và đánh giá tác động toàn diện của vụ việc, ngày 21/3//2023, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 691/QĐ-BCT về việc gia hạn biện pháp tự vệ đối với sản phẩm thép dài nhập khẩu.

Theo đó, sản phẩm thép dài nhập khẩu được gia hạn mức thuế tự vệ 6,3% từ ngày 22/3/2023 đến 21/3/2024; 6,2% từ ngày 22/3/2024 đến 21/3/2025 và 6,1% từ ngày 22/3/2015 đến 21/3/2026 và 0% từ ngày 22/3/2016 trở đi.

Bên cạnh biện pháp tự vệ chính thức đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam được áp dụng từ năm 2016, ngày 13/5/2019, Bộ Công thương đã ban hành Quy định số 1230/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm thép cuộn và thép dây nhập khẩu vào Việt Nam.

Cùng với Quyết định 691/QĐ-BCT gia hạn biện pháp tự vệ đối với thép dài nhập khẩu, căn cứ kết luận rà soát cuối kỳ, Bộ cũng đã ban hành Quyết định số 693/QĐ-BCT về việc gia hạn áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm thép cuộn và thép dây với mức thuế tương ứng như trong Quyết định 691/QĐ-BCT và mức thuế sẽ 0% từ ngày 22/3/2026.

Công tác khởi kiện, điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đang được ngành chức năng đẩy mạnh, tạo lập lại môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các ngành sản xuất trong nước trước bối cảnh gia tăng nhanh chóng hàng hóa nhập khẩu có dấu hiệu bán phá giá hoặc được trợ cấp, gây thiệt hại đáng kể, nghiêm trọng cho một số ngành sản xuất trong nước.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư