Thứ Ba, Ngày 29 tháng 07 năm 2025,
Việt Nam tự tin bước vào APEC 2027 với tầm nhìn mới, quyết tâm cao và khát vọng bứt phá
Thanh Huyền - 28/07/2025 21:32
 
Việc đăng cai Năm APEC 2027 sẽ là phép thử quan trọng để khẳng định vị thế dẫn dắt, khả năng thích ứng của Việt Nam, đưa APEC bước vào thời điểm phát triển mới.

Chiều tối 28/7, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì lễ công bố thành lập Ủy ban Quốc gia APEC 2027 của Việt Nam.

Cùng dự có Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2027, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng; các thành viên Ủy ban Quốc gia APEC 2027; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, địa phương; các vị đại sứ, đại diện các cơ quan đại diện của các nền kinh tế thành viên APEC tại Việt Nam.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định thành lập Ủy ban Quốc gia APEC 2027 gồm 19 thành viên.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì lễ công bố thành lập Ủy ban Quốc gia APEC 2027 của Việt Nam. Ảnh: Nhật Bắc
Việt Nam quyết tâm tổ chức Năm APEC 2027 thành công mọi mặt

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá đăng cai Năm APEC 2027 là vinh dự đối với Việt Nam và cũng là một trọng trách quốc tế, thể hiện trách nhiệm của Việt Nam với cộng đồng quốc tế, là minh chứng cho sự tin tưởng, tín nhiệm của các thành viên APEC dành cho Việt Nam.

Năm 2027 đánh dấu gần 30 năm Việt Nam trở thành thành viên APEC. Trong suốt chặng hành trình đó, khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Diễn đàn APEC luôn là ưu tiên quan trọng trong chính sách đối ngoại, chính sách quốc phòng, chính sách phát triển kinh tế của Việt Nam.

Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam quyết tâm tổ chức Năm APEC 2027 hướng tới thành công cả về mặt đa phương và song phương. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng cho biết, Việt Nam kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn tốt, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển; thực hiện chính sách quốc phòng "4 không"; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

Đối với Việt Nam, hợp tác APEC là động lực quan trọng để mở cửa thị trường, thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. 

Thủ tướng khẳng định, phát huy những kinh nghiệm từ những lần đăng cai trước đây, đồng thời tham khảo kinh nghiệm của các nước, Việt Nam sẽ cố gắng và nỗ lực hết sức tổ chức Năm APEC 2027 thành công hơn 2 lần đăng cai trước (2006 và 2017).

Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam quyết tâm tổ chức Năm APEC 2027 hướng tới thành công cả về mặt đa phương và song phương, cả khía cạnh khu vực và quốc tế; góp phần cụ thể hóa các chương trình hành động và Tầm nhìn của APEC, phát huy hơn nữa vai trò của APEC - đầu tàu tăng trưởng và liên kết kinh tế của khu vực và toàn cầu.

Đồng thời, khẳng định vị thế, tầm vóc của Việt Nam trên trường quốc tế, và tăng cường quan hệ song phương giữa Việt Nam với các nền kinh tế thành viên và các đối tác.

Cùng với đó, Việt Nam sẽ nỗ lực để các hoạt động đạt được thành công toàn diện trên các khía cạnh chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời tổ chức APEC thành công về mọi mặt, từ nội dung cho đến công tác tổ chức, lễ tân, hậu cần; bảo đảm các sự kiện diễn ra hiệu quả, đúng kế hoạch.

Hiện Việt Nam đang mở rộng cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, xây mới khu trung tâm hội nghị và nâng cấp các cơ sở hạ tầng điện nước, tuyến đường giao thông kết nối..., vừa phục vụ Tuần lễ cấp cao APEC vừa tạo động lực cho sự phát triển dài hạn.

Để đạt được các mục tiêu nêu trên, Thủ tướng nhấn mạnh "5 phát huy" gồm: Phát huy tinh thần hợp tác giữa các thành viên APEC; phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo; phát huy sự đồng lòng, quyết tâm, tinh thần trách nhiệm cao giữa các cơ quan, địa phương; phát huy sự ủng hộ, phối hợp của các thành viên APEC, sự tham gia, đóng góp của người dẫn và cộng đồng doanh nghiệp; phát huy kết quả của hội nghị APEC để hiệu quả hơn trong phát triển kinh tế mỗi nước và thực hiện được mục tiêu của mỗi kỳ APEC.

Thủ tướng trân trọng hoan nghênh sự hiện diện của các đại biểu, trong đó có các đại sứ, đại diện của các cơ quan đại diện là thành viên APEC tại buổi lễ công bố; tin tưởng rằng với tinh thần đồng lòng, quyết tâm, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, Năm APEC 2027 sẽ thành công nhất có thể, hiệu quả nhất có thể, góp phần vào hòa bình, hợp tác, phát triển và thịnh vượng ở châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới.

Cũng tại lễ công bố, Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2027 trân trọng gửi lời cảm ơn đến các nền kinh tế thành viên APEC đã luôn đồng hành, ủng hộ Việt Nam trong suốt thời gian qua, và mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ quý báu trong quá trình tổ chức Năm APEC 2027.

Theo Phó thủ tướng, hai lần đăng cai thành công năm 2006 và 2017 là nền tảng vững chắc để Việt Nam tự tin bước vào APEC 2027 với tầm nhìn mới, quyết tâm cao và khát vọng bứt phá.

Trong bối cảnh khu vực và thế giới biến động nhanh, phức tạp, đòi hỏi các thành viên phải tiếp tục kiên định với các giá trị, mục tiêu cốt lõi của Diễn đàn, việc đăng cai Năm APEC 2027 sẽ là phép thử quan trọng để khẳng định vị thế dẫn dắt, khả năng thích ứng của Việt Nam, để có thể chuyển hoá thách thức thành cơ hội, biến tầm nhìn thành hành động cụ thể, đưa APEC bước vào thời điểm phát triển mới.

Theo Phó thủ tướng, để tổ chức thành công Năm APEC 2027, về lộ trình, cần xác định 2025 là năm khởi động toàn diện công tác chuẩn bị, 2026 là năm cơ bản hoàn tất, và 2027 là năm đăng cai tổ chức thành công các hoạt động.

Theo đó, Uỷ ban Quốc gia sẽ rà soát công việc, sớm triển khai một số trọng tâm công tác. Về tổ chức bộ máy - nhân sự, khẩn trương thành lập 5 Tiểu ban và Ban Thư ký đảm bảo sự chỉ đạo, điều phối tổng thể, phối hợp kịp thời, hiệu quả giữa các Bộ, ngành và địa phương.

Bộ Ngoại giao và Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các thành viên Tiểu ban Nội dung sớm đề xuất hướng xây dựng chủ đề, ưu tiên, ý tưởng cho Năm APEC 2027.

Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn phát biểu tại lễ công bố. Ảnh: Nhật Bắc

Về cơ sở vật chất - hậu cần - tài chính, năm APEC 2027 sẽ có hơn 150 Hội nghị, cuộc họp, do đó bên cạnh Phú Quốc (An Giang) - nơi đăng cai Tuần lễ Cấp cao APEC là sự kiện quan trọng nhất của cả năm, cần chủ động phối hợp triển khai rà soát, nâng cấp hạ tầng, xác định địa điểm tổ chức các Hội nghị Bộ trưởng, Hội nghị Quan chức cao cấp và các hoạt động khác.

Song song với công tác chuẩn bị trong nước, Việt Nam cần tăng cường tham vấn, trao đổi thông tin và phối hợp chặt chẽ với các nền kinh tế thành viên APEC, đặc biệt là Hàn Quốc- chủ nhà APEC 2025 và Trung Quốc - chủ nhà APEC 2026, Mexico - chủ nhà APEC 2028 nhằm bảo đảm tính kế thừa, tiếp nối giữa các năm và góp phần tối ưu hóa nguồn lực, đồng thời học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm chuẩn bị và tổ chức thành công tất cả các năm APEC tới năm 2028.

Minh chứng cho vai trò dẫn dắt của Việt Nam

Phát biểu tại buổi lễ, đại diện chủ nhà APEC 2025, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Choi Young Sam đánh giá, cứ khoảng 10 năm, Việt Nam lại tổ chức thành công một kỳ APEC, điều này đã minh chứng cho vai trò dẫn dắt của Việt Nam trong việc thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Việc lấy Phú Quốc làm địa điểm tổ chức cũng cho thấy tầm nhìn rõ ràng của Việt Nam.

Cho biết Hàn Quốc - chủ nhà APEC sẽ hợp tác chặt chẽ với các bên liên quan, đặc biệt là Việt Nam, Đại sứ cảm ơn sự ủng hộ chặt chẽ của Việt Nam đối với năm chủ nhà APEC của Hàn Quốc năm nay.

Đại sứ khẳng định Hàn Quốc hoàn toàn tin rằng Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo của mình trong năm APEC 2027 và sẽ hỗ trợ Việt Nam trên tiến trình này với mong muốn Việt Nam "sẽ lại một lần nữa bừng sáng trên trường quốc tế và khu vực". 

Thủ tướng chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu. Ảnh: Nhật Bắc

Đại diện chủ nhà APEC 2026, ông Ô Quốc Quyền, Tham tán công sứ, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam cũng đánh giá cao việc Việt Nam đã thành công trong việc 2 lần tổ chức diễn đàn APEC, đóng góp quan trọng trong việc đưa ra chiến lược hành động của APEC.

Với việc Việt Nam là chủ nhà của APEC năm 2027, tất cả các bên đều nhận rõ được vai trò của Việt Nam và Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp cho thịnh vượng, phát triển của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Ông Ô Quốc Quyền cho biết Trung Quốc đã nhận được sự ủng hộ của Việt Nam trong tổ chức diễn đàn APEC năm 2026 và Trung Quốc cũng ủng hộ Việt Nam đăng cai APEC 2027. Ông hy vọng hai bên sẽ phối hợp hợp tác thành công, tạo nền tảng vững chắc thúc đẩy hợp tác APEC lên một tầm cao mới.

Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn làm Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2027
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký các Quyết định thành lập và ban hành quy chế hoạt động của Ủy ban Quốc gia APEC 2027.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư