Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 14 tháng 09 năm 2024,
Việt Nam xuất siêu sang EU gần 24 tỷ USD
Thế Hải - 31/10/2023 08:11
 
Xuất khẩu hàng hóa sang thị trường 27 nước thành viên EU 10 tháng năm 2023 đạt 36,2 tỷ USD, giảm 8,9% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất nhập khẩu Việt Nam-EU giai đoạn 2021 - 7/2023.
Xuất nhập khẩu Việt Nam-EU giai đoạn 2021 - 7/2023.

Thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) dù không tránh khỏi giảm sút do tăng trưởng kinh tế toàn cầu thấp, cầu tiêu dùng còn yếu, hàng rào bảo hộ gia tăng..., nhưng xuất khẩu hàng hóa sang khu vực thị trường này đang được rút ngắn đà giảm.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 10 tháng 2023, xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam - EU đạt 48,8 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang EU 36,2 tỷ USD, giảm 8,9%, nhập khẩu từ EU 12,6 tỷ USD, giảm nhẹ 1,4% so với cùng kỳ, xuất siêu sang thị trường này đạt 23,7 tỷ USD, giảm 12,4%.

Sau hơn 3 năm thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) (8/2020-8/2023), FTA này đã góp phần đáng kể vào cải thiện tăng trưởng thương mại hàng hóa giữa Việt Nam với EU. 

EVFTA đã phát huy vai trò thúc đẩy cải cách thể chế phù hợp với yêu cầu và bối cảnh phát triển mới. Các lĩnh vực như thương mại, đầu tư, quyền sở hữu trí tuệ, phát triển bền vững, dịch vụ tài chính, mua sắm công đều có nhiều điều chỉnh về các thể chế, văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống pháp luật Việt Nam phần lớn đã tương thích với các cam kết trong EVFTA.

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết: " EVFTA  tạo điều kiện để xuất khẩu vào EU phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt trong hai năm đầu Hiệp định có hiệu lực. Tác động đối với xuất khẩu vào EU trong năm thứ 3 kém tích cực hơn, do xung đột địa chính trị; xung đột Nga-Ukraine; tăng giá hàng hóa trên thị trường thế giới và áp lực lạm phát; lãi suất điều hành và các quy định đối với nhập khẩu có xu hướng gia tăng ở thị trường EU,…".

Cụ thể, xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU giai đoạn 2012 - 2022 có xu hướng mở rộng quy mô và đối tác, tốc độ tăng trưởng trung bình xuất khẩu đạt 10,5%/năm, nhập khẩu đạt 6,4%/năm. Trong giai đoạn 2020 - 2022, sau khi EVFTA thực thi, xuất khẩu sang EU phục hồi từ mức giảm 1,8% năm 2020 lên mức tăng trưởng 14,2% năm 2021 và 16,8% năm 2022.

Ngoài ra, EVFTA cũng giúp cho Việt Nam tăng cường nhập khẩu thiết bị máy móc, thiết bị và công nghệ hiện đại, góp phần cho quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, giúp tiêu chuẩn các sản phẩm tăng cao hơn và tăng khả năng gia nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trên thị trường thế giới.

Ông Dennis Quennet, Cố vấn trưởng Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh nhận định: "Sau 3 năm thực hiện Hiệp định EVFTA, tác động của FTA này đối với kinh tế Việt Nam thể hiện rõ qua hoạt động xuất, nhập khẩu, từ đó đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam".

Theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm ngoái, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và EU27 đạt 62,2 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2021.

Trong đó, Việt Nam xuất khẩu đạt 46,8 tỷ USD tăng 16,8%, với 9 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, nhập khẩu từ EU đạt 15,4 tỷ USD giảm 8,7%. Việt Nam xuất siêu sang thị trường EU 27 khoảng 31,4 tỷ USD trong năm 2022, tăng 35,2% so với 2021. 

Năm qua, nhờ đáp ứng quy tắc xuất xứ, có khoảng 12,2 tỷ USD hàng hóa được cấp C/O để hưởng ưu đãi thuế quan, chiếm tỷ lệ gần 26% tổng kim ngạch hàng hóa xuất sang EU.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư