Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 06 tháng 10 năm 2024,
Viettel so bì ưu đãi với Nokia và Samsung
Hoàng Nam - 14/08/2013 09:34
 
Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ dành nhiều cơ chế ưu đãi cho mảng sản xuất điện thoại di động (ĐTDĐ) của mình, tương tự như Samsung và Nokia đang được hưởng. Samsung Electro - Mechanics đầu tư 1,2 tỷ USD vào Thái Nguyên

Kiến nghị này được kỳ vọng tạo điều kiện bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) để ngành sản xuất ĐTDĐ nội phát triển.

Viettel đã thành công với sản phẩm USB 3G VT1000

Theo Viettel, cho dù đã đạt được một số thành công bước đầu trong sản xuất các sản phẩm viễn thông cung cấp ra thị trường, như USB 3G VT1000, ĐTDĐ V6206, nhưng nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn nhất tại Việt Nam này cũng đang gặp không ít khó khăn. Cụ thể, Viettel bị áp mức thuế nhập khẩu cao khi nhập khẩu các vật tư, linh kiện và bộ phận phụ trợ mà Việt Nam chưa sản xuất được.

“Hầu hết nguyên liệu, vật tư, linh kiện và bộ phận phụ trợ để sản xuất ra ĐTDĐ ở Việt Nam đều phải nhập khẩu với mức thuế cao. Chẳng hạn, motor rung cho điện thoại đang chịu thuế suất thuế nhập khẩu 25%, pin điện thoại có thuế suất 20%, các đầu nối là 10%, khối micro cho điện thoại là 15%... Mức thuế cao này đã khiến cho giá thành ĐTDĐ sản xuất trong nước cao hơn so với sản phẩm cùng loại được nhập khẩu nguyên chiếc đang được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu là 0%”, ông Hoàng Anh Xuân, Tổng giám đốc Viettel cho biết.

Chính vì sự chênh lệch giữa mức thuế suất thuế nhập khẩu điện thoại nguyên chiếc là 0% (theo Thông tư 193/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính) với thuế nhập khẩu linh kiện phục vụ sản xuất trong nước lên tới 25% đã khiến Viettel khó đưa sản phẩm của mình đến tay người tiêu dùng, xét trên tiêu chí giá đối với sản phẩm cùng chủng loại.

Có lẽ đây cũng chính là lý do mà năm 2012, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 17 triệu chiếc ĐTDĐ các loại, chiếm hơn 70% nhu cầu của thị trường.

Không chỉ bất lợi trong cạnh tranh với ĐTDĐ nhập khẩu, các doanh nghiệp nội địa sản xuất điện thoại cũng có ít lợi thế hơn so với các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực sản xuất mặt hàng này ở Việt Nam.

Hai nhà sản xuất ĐTDĐ lớn nhất thế giới hiện nay là Samsung (Hàn Quốc) và Nokia (Phần Lan) đều đã có mặt tại Việt Nam, với vốn đầu tư lên tới hàng tỷ USD. Do vốn đầu tư lớn, đầu tư công nghệ hiện đại, nên hai đại gia này đã nhận được nhiều ưu đãi về thuế, mà các doanh nghiệp trong nước cùng sản xuất mặt hàng tương tự không được hưởng.

Cụ thể, Samsung Việt Nam Electronics (SEV) được miễn thuế suất thuế nhập khẩu cho nguyên phụ liệu, vật tư phục vụ sản xuất ĐTDĐ trong 5 năm. Để được hưởng những ưu đãi cao hơn về thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp cho hoạt động sản xuất, SEV cũng đã quyết định chuyển sang hình thức doanh nghiệp chế xuất từ tháng 9/2012.

Trước thực tế phải cạnh tranh trong bất lợi này, Viettel cũng đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính xem xét, đưa ra các chính sách hỗ trợ với ngành sản xuất ĐTDĐ trong nước ở giai đoạn khởi đầu như hiện nay.

Theo đó, Viettel đề nghị miễn thuế suất thuế nhập khẩu với toàn bộ vật tư, nguyên liệu, linh phụ kiện và bộ phận phụ trợ dùng cho hoạt động nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất, lắp ráp ĐTDĐ, không phân biệt trong nước đã sản xuất được hay chưa. Đối tượng được hưởng là Viettel và các công ty con (mà Viettel sở hữu 100% vốn điều lệ) trong thời gian 5 năm, kể từ năm 2013. Ngoài ra, các doanh nghiệp phân phối sẽ được áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% cho thu nhập từ việc bán sản phẩm ĐTDĐ do Viettel sản xuất, lắp ráp trong nước.

Việt Nam đang sản xuất Nokia 105
Những chiếc Nokia 105 rất được mong chờ với tư cách là hàng khủng của phân khúc bình dân đã “ra hàng” tại Nhà máy Nokia ở Bắc Ninh.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư