Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 27 tháng 11 năm 2024,
Vinaconex ngóng chờ người dẫn dắt mới
Chí Tín - 05/11/2018 10:22
 
Cuối tháng 11/2018, 2 đại cổ đông là Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) cùng Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sẽ thoái vốn tại Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex). Vậy “đại gia” nào sẽ thay thế vai trò của SCIC và Viettel trong việc tiếp tục dẫn dắt Tổng công ty?

Lợi nhuận giảm do tái cơ cấu

Theo báo cáo tài chính quý III/2018 do Vinaconex mới công bố, doanh thu và lợi nhuận quý III và 9 tháng đầu năm của Tổng công ty đều sụt giảm. Doanh thu bán hàng của Vinaconex giảm nhẹ so với cùng kỳ, đạt hơn 2.200 tỷ đồng trong quý III (cùng kỳ đạt hơn 2.400 tỷ đồng) và 6.380 tỷ đồng trong 9 tháng (cùng kỳ đạt hơn 6.600 tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế quý III/2018 đạt hơn 185 tỷ đồng, giảm 28,3% so với cùng kỳ; lũy kế 9 tháng đạt gần 368 tỷ đồng, giảm 41% so với cùng kỳ năm 2017. 

.

Giải thích về sự sụt giảm lợi nhuận, Vinaconex cho biết, cuối năm 2017, Công ty đã hoàn thành việc tái cơ cấu thêm một số đơn vị thành viên, dẫn đến lợi nhuận hợp nhất giảm do không có sự đóng góp lợi nhuận từ các công ty này. 

Thực chất, việc tái cơ cấu các công ty con của Vinaconex đang tiếp tục được thực hiện trong năm 2018. Tại cuộc họp cổ đông thường niên, ông Đỗ Trọng Quỳnh, Tổng giám đốc Vinaconex cho biết, Vinaconex sẽ không giữ lại công ty con nòng cốt, mà chỉ còn công ty liên kết. Các công ty này chia thành 3 nhóm, nhóm 36%, nhóm dưới 36% và nhóm bán hết. “Trong đó, một số đơn vị có thể xử lý giải thể, phá sản; trường hợp phức tạp, chưa làm thủ tục giải thể được thì cũng khoanh lại”, ông Quỳnh nói.

Về hoạt động đầu tư của Công ty, một trong những khoản mục có nhiều thay đổi trong 9 tháng đầu năm là chi phí xây dựng cơ bản dở dang, tăng từ 912 tỷ đồng hồi đầu năm lên 1.330 tỷ đồng tại thời điểm 30/9/2018. Trong đó, dự án được Vinaconex đổ vốn vào nhiều nhất trong giai đoạn này là dự án xây dựng tại Công ty Bohemia, với giá trị xây dựng tăng từ 46 tỷ đồng lên 433 tỷ đồng. Ngoài ra, Vinaconex cũng đang rót vốn xây dựng tại Dự án Khu công nghệ cao Hòa Lạc và giá trị xây dựng trong 9 tháng tại Dự án đã tăng từ gần 71 tỷ đồng lên 128 tỷ đồng.

Trong hoạt động tài chính, Công ty có xu hướng chủ động chuyển tiền mặt và tiền gửi không kỳ hạn sang các khoản tiền gửi có kỳ hạn. Theo đó, tiền và các khoản tương đương tiền giảm từ hơn 2.200 tỷ đồng xuống còn hơn 1.200 tỷ đồng, nhưng đầu tư tài chính ngắn hạn tăng từ 1.200 tỷ đồng lên hơn 1.672 tỷ đồng. 

Sẽ thành công ty 100% vốn tư nhân?

Việc cổ đông Nhà nước thoái vốn tại thời điểm này đã diễn ra theo một kịch bản sớm so với dự tính của Vinaconex. Tại thời điểm đầu quý II/2018, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng Thành viên SCIC, cũng là Chủ tịch HĐQT Vinaconex cho biết, Vinaconex nằm trong danh sách mà SCIC phải thoái toàn bộ vốn nhà nước đến năm 2020. Việc thoái vốn sẽ đảm bảo lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp hoạt động ổn định và phát triển. 

Theo đánh giá của nhiều nhà đầu tư, việc Nhà nước thực hiện thoái vốn tại Vinaconex ngay trong năm 2018 là động thái khá khẩn trương và nếu tìm được nhà đầu tư có năng lực tốt, thì đây cũng có thể coi là một bước ngoặt lớn cho Vinaconex trong giai đoạn sắp tới.

Trong đợt thoái vốn lần này, SCIC bán đấu giá trọn gói 1 lô gồm 254.901.153 cổ phần, tương đương phần vốn góp hơn 2.549 tỷ đồng (theo mệnh giá) tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). Số cổ phần trên chiếm 57,71% vốn điều lệ tại Vinaconex, với mức giá khởi điểm hơn 5.429 tỷ đồng/lô, tương đương 21.300 đồng/cổ phần. 

Ngoài ra, Viettel cũng bán đấu giá 1 lô gồm 94.010.175 cổ phần, tương đương phần vốn góp hơn 940 tỷ đồng (theo mệnh giá). Số cổ phần này chiếm 21,28% vốn điều lệ tại Vinaconex với mức giá khởi điểm hơn 2.002 tỷ đồng/lô, tương đương 21.300 đồng/cổ phần.

Ngoài 2 cổ đông lớn nêu trên chuẩn bị thoái vốn, Vinaconex còn 1 cổ đông lớn nữa là Quỹ PYN Elite Fund (Non-Ucits) sở hữu 7,54%. Tổng số cổ phần mà cổ đông nước ngoài đang nắm giữ tại Vinaconex là 10,88%. Thời điểm này, các cổ đông nhỏ lẻ đang hồi hộp chờ đợi xem tới đây, đại gia nào sẽ thay thế vai trò của SCIC và Viettel trong việc tiếp tục dẫn dắt Công ty.

Áp lực thoái vốn nhà nước
Trong Báo cáo mới nhất về thị trường tài chính, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia khuyến nghị Chính phủ đẩy mạnh công tác cổ phần hóa doanh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư