Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 04 tháng 01 năm 2025,
Vinatex hoàn thành 40% kế hoạch lợi nhuận năm 2023
Thế Hải - 17/10/2023 12:49
 
Đi qua 2/3 chặng đường của năm 2023, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (VInatex) dự kiến doanh thu đạt 71%, lợi nhuận đạt 40% so với kế hoạch.
9 tháng năm 2023 Vinatex dự kiến doanh thu đạt 71%, lợi nhuận đạt 40% so với kế hoạch.
9 tháng năm 2023 Vinatex dự kiến doanh thu đạt 71%, lợi nhuận đạt 40% so với kế hoạch.

Mới hoàn thành 40% kế hoạch lợi nhuận 2023

Thông tin tại Hội nghị thảo luận phương hướng sản xuất - kinh doanh năm 2024, lãnh đạo Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cho biết, kết quả sản xuất kinh doanh không thuận lợi bởi tổng cầu hàng dệt may thế giới suy giảm, hết 9 tháng 2023, doanh thu của Tập đoàn đạt 71%, lợi nhuận mới đạt 40% so với kế hoạch.

Sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may khó khăn kéo dài do các doanh nghiệp bị tác động bởi các nhân tố: Tổng cầu dệt may thế giới giảm do các thị trường nhập khẩu dệt may chính suy giảm tăng trưởng; Mỹ liên tục tăng lãi suất và duy trì ở mức cao; châu Âu nhiều bất ổn, đứng trên bờ vực suy thoái, Trung Quốc tăng trưởng chậm hơn kỳ vọng.

Cùng với đó, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh còn phải chịu chi phí đầu vào tăng cao với chi phí năng lượng, điện tăng 3% từ tháng 5/2023, tỷ giá tăng gần 3% kể từ cuối quý 2, lãi suất VND ở mức cao trong 6 tháng đầu năm, đồng thời bị cạnh tranh gay gắt về giá từ các quốc gia đối thủ…

"Tình hình này đẩy doanh nghiệp rơi vào thế khó cả về thị trường, tài chính, phương thức sản xuất kinh doanh… Đơn hàng giảm số lượng​, nhỏ lẻ, yêu cầu cao​, kế hoạch đơn hàng ngắn hạn​, giãn thời gian giao hàng, ảnh hưởng nặng nề đến kết quả sản xuất kinh doanh năm 2023", Tổng giám đốc Vinatex, ông Cao Hữu Hiếu nêu.

Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2023, dự liệu thị trường khó, Vinatex đã lên kế hoạch kinh doanh thận trọng với lợi nhuận trước thuế giảm khoảng 50% so với năm trước, tương ứng 610 tỷ đồng và doanh thu hợp nhất giảm nhẹ 11% còn 17.500 tỷ đồng.

Bức tranh xuất khẩu chung của toàn ngành dệt may 9 tháng 2023 cũng lao dốc mạnh. Số liệu của Bộ Công thương cho thấy, xuất khẩu hàng dệt và may mặc đạt 25,5 tỷ USD, giảm 12,1%, xơ sợi gần 3,3 tỷ USD, giảm 13,1%, xuất khẩu vải các loại 500 triệu USD, giảm 26,1% so với cùng kỳ 2022.

Trong các quốc gia xuất khẩu lớn, chỉ có một mình Bangladesh tăng trưởng dương, Việt Nam và Trung Quốc đều tăng trưởng âm.

Xu hướng thị trường quý IV/2023 có những chuyển biến tích cực hơn, khi chỉ số quản trị mua hàng (PMI) của 2 thị trường Mỹ và Trung Quốc đều trên 50 điểm (cao hơn mức dự báo); lạm phát EU tháng 9 giảm 4,3% và tháng 9/2023 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng 4,6% so với cùng kỳ ​năm 2022.

Tuy nhiên, thông tin từ lãnh đạo Tập đoàn cho thấy, quý IV/2023, ngành dệt, nhuộm dự báo không có nhiều thay đổi so với 9 tháng đầu năm; với ngành may, đa số các đơn vị vẫn non tải trong quý 4/2023 nhưng có dấu hiệu khách hàng tăng cường trao đổi. ​

Cầu hàng dệt may 2024 vẫn thấp

Nhận diện thị trường năm 2024, lãnh đạo Vinatex và các đơn vị thành viên đều dự báo: Khó khăn vẫn bao trùm, suy giảm kinh tế thế giới, khủng hoảng địa chính trị lan rộng, hành vi người tiêu dùng thay đổi, cạnh tranh về giá từ quốc gia đối thủ… là những yếu tố bất lợi với doanh nghiệp dệt may.

Phân tích thêm, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Vinatex cho rằng: "Cầu hàng hóa dệt may năm 2024 có nhiều khả năng cải thiện hơn 2023, tuy nhiên mức độ cải thiện nhỏ, tổng cầu 2024 dự kiến vẫn thấp hơn 2022 từ 5-7%; xu thế giảm số lượng hàng hóa để chuẩn bị dần cho việc có khả năng áp dụng EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất); đơn giá có thể tăng hơn nhưng trên nền số lượng giảm và yêu cầu chất lượng, tiêu chuẩn phi tài chính khác cao lên".

Nhiều rủi ro trong kinh doanh vẫn hiện hữu, như bất ổn chính trị, xung đột vũ trang ở các khu vực có nguy cơ lan rộng; chiến tranh có thể gây ra những biến động kinh tế không dự báo được; tín hiệu phục hồi bền vững ở cả Mỹ, EU, Nhật Bản đều chưa rõ ràng; thời gian áp dụng EPR và Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) đến gần, tạo áp lực không nhỏ cho các nhà xuất khẩu dệt may Việt Nam.

Trên nền thị trường năm 2024 chưa thực sự khởi sắc, ông Trường đề xuất, các doanh nghiệp ngành may có thể lập kế tăng trưởng doanh thu từ 3 đến 5%, ngành sợi xây dựng tăng 10% so với năm 2023.

Để thực hiện kế hoạch sản xuất, các doanh nghiệp, đơn vị thuộc ngành may cần tiếp cận khách hàng với sản phẩm đặc thù mới, nâng cao năng suất lao động, linh hoạt bố trí sản xuất, cơ cấu lại hệ thống sản xuất, hạn chế mở rộng để tái cấu trúc sản xuất.

Riêng ngành sợi dự báo tần suất cao hơn cho đơn vị, cải thiện chất lượng liên tục, phấn đấu tạo ra những sản phẩm khác biệt… 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư