Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Vingroup bước ra thế giới: Khát vọng thế kỷ
Anh Hoa - 02/09/2020 14:05
 
Vingroup đã chạm và tác động đến cuộc sống của người Việt.

Giờ đây, Vingroup có chiến lược vươn ra thị trường thế giới để chứng minh quan điểm: Việt Nam đã có thể sản xuất các sản phẩm công nghệ và Mỹ là thị trường đầu tiên mà Vingroup muốn chinh phục.

Đoàn xe mang nhãn hiệu Vifast qua những cung đường nguy hiểm trong hành trình xuyên Việt năm 2019.
Đoàn xe mang nhãn hiệu Vifast qua những cung đường nguy hiểm trong hành trình xuyên Việt năm 2019.

Đường đến Mỹ

Trong cuộc trả lời phỏng vấn Bloomberg tháng 6/2020, ông Phạm Nhật Vượng chia sẻ việc muốn làm những điều mà mọi người cho là khó khăn, những điều mà các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam khác chưa thực hiện thành công. Đó là nhiệm vụ và trách nhiệm của những người như ông để phát triển một thương hiệu Việt Nam có uy tín thế giới.

Mà muốn trở thành một tập đoàn đẳng cấp quốc tế thì không có con đường nào khác là phải lấy khối công nghiệp, công nghệ làm trọng tâm để hình thành các thương hiệu quốc tế. Điều này không chỉ có ý nghĩa với Vingroup, mà còn là sứ mệnh đóng góp cho sự phát triển của đất nước trong tương lai.

Nhưng muốn vươn ra quốc tế, Vingroup cần phải thành công ở thị trường trong nước. Muốn vậy, con tàu Vingroup phải nỗ lực vượt bậc, liên tục vượt qua chính bản thân mình, phải đầu tư mạnh mẽ, chấp nhận thua thiệt trong giai đoạn đầu, phải hết sức quyết liệt và sáng tạo, phải làm điều chưa ai làm.

Tư tưởng đó đã ăn sâu vào máu của mỗi cá nhân ở tập đoàn này. “Xây dựng được một thương hiệu Việt Nam đẳng cấp quốc tế là tâm huyết của chúng tôi. Vingroup muốn chứng minh với thế giới rằng, người Việt Nam hoàn toàn có khả năng sáng tạo, phát triển những sản phẩm công nghệ mang thương hiệu Việt đẳng cấp quốc tế”, ông Nguyễn Việt Quang, Phó chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup khẳng định.

Đó có thể là một chiếc điện thoại, xe hơi hay máy thở. Trong đó, chinh phục thị trường Mỹ là bước đầu tiên và tham vọng cần làm, bởi đây là thị trường khó tính và lớn nhất thế giới. Thành công tại Mỹ sẽ tạo đà cho việc chinh phục các thị trường khác.

Vậy nên các kế hoạch đưa sản phẩm VinFast, VinSmast, máy thở vào thị trường Mỹ đang được các “đầu não” của Vingroup rốt ráo thực hiện.

Dự kiến, ngay trong năm nay, điện thoại Vsmart sẽ ra mắt thị trường Mỹ, cuối năm sau sẽ là xe hơi VinFast. Trong đó, VinFast với sự giúp sức của LG Chem (Tập đoàn LG) làm các dòng sản phẩm xe điện VinFast và VinSmart với hãng thiết kế danh tiếng thế giới Pininfarina để tạo ra những mẫu điện thoại thông minh sở hữu thiết kế thanh lịch và tinh tế của Ý. Họ sẽ cùng nhau phối hợp để VinFast, VinSmart có chỗ đứng tại đất Mỹ.

Năm ngoái VinFast tung ra 3 mẫu xe mới và cho biết đã nhận được hơn 17.000 đơn đặt hàng. Tháng 11 tới, Công ty dự tính cho ra mắt mẫu xe điện đầu tiên tại sự kiện Los Angeles Auto Show. Với pin sử dụng linh kiện từ LG Chem, mẫu xe này sẽ chạy được 510 km chỉ với 1 lần sạc, chỉ ngắn hơn 15% so với mẫu Model S của Tesla. Công ty sẽ thử nghiệm trên diện rộng trong mùa đông năm nay và bắt đầu bán xe từ mùa hè sang năm.

Không chỉ vậy, con đường VinFast đến Mỹ nhanh hơn nhờ Vingroup thâu tóm một số tài sản của GM Holden, nhà sản xuất ô tô phá sản của Australia. Kevin Yardley - người có hơn 20 năm làm việc tại GM và từng là giám đốc chương trình xe sedan hạng sang đã trở thành Viện trưởng Viện Công nghệ ôtô 2 của VinFast.

Kevin Yardley cảm nhận được khát vọng thay đổi lối tư duy truyền thống, khát vọng sáng tạo những phương pháp đạt được mục tiêu với tốc độ nhanh chưa từng thấy ở Vingroup. Trong khi đó, VinSmart cũng vừa thành lập Khối gia công và linh kiện với mục tiêu trở thành đối tác thiết kế và sản xuất chiến lược cho các tập đoàn công nghệ thế giới.

Riêng về máy thở, VinSmart vừa xuất khẩu sang Mỹ và Ireland lô đầu tiên trong số 50.000 linh kiện quạt thổi khí, thành phần cốt lõi của máy thở cho đối tác Medtronic plc (NYSE:MDT), công ty dẫn đầu thế giới về công nghệ y tế.

Truyền thông thế giới nhìn nhận, máy thở có thể trở thành một lời chào hấp dẫn đối với thị trường toàn cầu. Nếu Vingroup sản xuất ở quy mô như dự tính, Tập đoàn sẽ giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt máy thở trên toàn cầu, đồng thời dựa vào đòn bẩy từ thương hiệu của Medtronic plc để tạo uy tín. Hơn nữa, Vingroup sẽ chứng minh được khả năng có thể sản xuất một thiết bị phức tạp, đáng tin cậy và giúp cứu sống mạng người - khác biệt so với hình ảnh một nhà sản xuất ô tô mang tính truyền cảm hứng.

Thực tế, theo ông Nguyễn Việt Quang, Vingroup không có kế hoạch mở rộng mảng kinh doanh này, mà là sự nắm bắt tình thế nhanh nhạy với mong muốn sản xuất thật nhiều máy thở, đạt tiêu chất lượng quốc tế để hỗ trợ Việt Nam và các quốc gia khác phòng chống Covid-19.

“Chúng tôi luôn sẵn sàng làm bất cứ điều gì cần thiết có thể làm được cho xã hội”, ông Quang chia sẻ. Khi Covid-19 diễn ra, cả hệ thống y tế của toàn cầu bị ảnh hưởng. Một chiếc máy thở lúc này tạo nên sự khác biệt giữa sự sống và cái chết, thế nhưng thế giới lại không có đủ máy thở, đặc biệt tại các nước nghèo và đang phát triển. Tính đến ngày hôm nay, đã có hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ nhiễm Covid -19. Do đó, Vingroup sản xuất máy thở chỉ với chữ “Tâm”.

Không có bất cứ “vùng an toàn” nào cho Vingroup

Vingroup đã có 27 năm phát triển, họ cùng nhau trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu mà dư âm để lại không phải tính bằng tháng, mà là vài năm. “Bài học mà chúng tôi rút ra được là luôn có cơ hội trong khủng hoảng, việc phải làm là đưa ra những lựa chọn đúng đắn và hành động một cách nhanh chóng”, ông Nguyễn Việt Quang cho hay. 

Ngay từ giữa năm 2019, một cuộc cải tổ quyết liệt về chất lượng dịch vụ, hỗ trợ khách hàng đã được thực hiện vì các “đầu não” ở đây đã nhận thấy những thách thức phải đối mặt. Họ tin rằng nếu xây dựng được một tiêu chuẩn dịch vụ 5 sao thì tầm vóc, mức độ ảnh hưởng, và giá trị thương hiệu sẽ tăng trưởng.

Không ai lường trước được dịch bệnh, Covid-19 đã lấy đi rất nhiều thành tựu mà doanh nghiệp mất rất nhiều công sức gây dựng. Do đó, đội ngũ Vingroup phải luôn nắm vững tư tưởng: những gì làm tốt ngày hôm qua, có thể ngày hôm nay hoặc ngày mai sẽ không còn giá trị nữa. Không được ngủ quên trên chiến thắng. Đây có thể là một thông điệp không mới cho rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Nhưng để thực thi được nó chưa bao giờ là điều dễ dàng khi tất cả mọi người trong doanh nghiệp không cùng chung một suy nghĩ.

Ngoài ra, càng khó khăn, người Vingroup càng phải quyết liệt, sáng tạo, thần tốc, mạnh mẽ. Chỉ có ý chí kiên cường, máu lửa, sẵn sàng chịu áp lực mới có thể vươn lên, phát triển, chứng minh được năng lực, bản lĩnh, trí tuệ và trụ lại cùng Vingroup.

Trong dịp trả lời phỏng vấn Bloomberg, Chủ tịch Phạm Nhật Vượng đã nói: “Đừng để cuộc sống của bạn trôi qua một cách vô nghĩa. Đừng để đến cuối cuộc đời, bạn không có gì đáng nhớ để kể lại. Sẽ thật buồn khi thấy rằng cuộc sống của bạn đã không tạo thêm bất kỳ giá trị nào”, đây là những gì Vingroup đang nỗ lực theo đuổi hàng ngày.

Hành trình trở thành tập đoàn toàn cầu, Vingroup như một lực hấp dẫn thu hút nhiều nhân sự giỏi đến từ nhiều quốc gia, chung tay vì mục tiêu vươn tầm quốc tế.

Hiện có hơn 50.000 nhân sự trên toàn cầu đang làm việc cho Vingroup. Trong số đó, có rất nhiều người là những chuyên gia tầm quốc tế, hoặc từng là những lãnh đạo ở những tập đoàn đa quốc gia. Với những nhân tài như vậy, khát vọng được cống hiến, được tiếp tục thể hiện, vượt qua giới hạn bản thân là rất lớn.

Tại Vingroup, cơ hội được trao cho tất cả mọi người và tạo cho mỗi cá nhân những thử thách để thay đổi lối tư duy truyền thống, sáng tạo, vượt qua những vùng an toàn, chinh phục được những đỉnh cao cao hơn và tìm thấy hạnh phúc trong công việc. Ngược lại, chính bản thân các nhân sự cũng phải thể hiện được sự quyết liệt, sáng tạo, ý chí mạnh mẽ.

“Chúng tôi đều nhận ra mình là một phần của điều đặc biệt, một cơ hội chỉ có một trong đời. Mỗi khi nghĩ về VinFast và đội ngũ tài năng, nhiệt huyết, yêu công việc tại nơi làm việc mới, tôi cứ phải tự nhéo mình để chắc chắn rằng những gì đang diễn ra là thật”, Kevin Yardley, Viện trưởng Viện Công nghệ ôtô 2 của VinFast chia sẻ.

Câu nói này thay cho lời kết, bởi nhiều người vẫn chưa tin, những gì Vingroup sắp làm sẽ thành sự thật. Nếu bất cứ ai gia nhập Vingroup đều coi đó là một cơ hội chỉ có một lần trong đời như ông Kevin Yardley, thì không có lý do gì để chúng ta hoài nghi và đứng ngoài cuộc chơi cùng xây đắp khát vọng thế kỉ với đại gia đình như Vingroup.

Vingroup lãi sau thuế 1.254 tỷ đồng nửa đầu năm 2020
Tập đoàn Vingroup (mã VIC, sàn HoSE) vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2020 với kết quả lợi nhuận sau thuế đạt 1.354 tỷ đồng trong 6...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư