Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Vĩnh Phúc chú trọng an sinh xã hội để phát triển bền vững
Mai Phương - 06/05/2017 17:27
 
Tỉnh Vĩnh Phúc đặt mục tiêu tiếp tục phát huy những thành tựu kinh tế xã hội đã đạt được để nâng cao chất lượng tăng trưởng, đưa kinh tế toàn tỉnh phát triển nhanh, bền vững, góp phần đảm bảo công tác an sinh xã hội.

Đó là những mục tiêu lớn được Vĩnh Phúc đặt ra trong định hướng mục tiêu nhiệm vụ từ nay đến 2020 được thảo luận tại Hội nghị sơ kết công tác phát triển kinh tế gắn với an sinh xã hội  do UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức ngày hôm qua 5/5. 

Báo cáo về tình hình phát triển kinh tế xã hội, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Đình Việt cho biết, sau 20 năm tái lập, Vĩnh Phúc đã đạt nhiều thành tựu quan trọng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, thể hiện nổi bật về tốc độ tăng trưởng kinh tế, bình quân giai đoạn 1997-2016 ước đạt 15,37%, đặc biệt có những năm đạt hơn 20%.

Quy mô nền kinh tế không ngừng được mở rộng và tăng lên, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2016 đạt 77,2 nghìn tỷ đồng (tăng 40 lần so năm 1997); tổng sản phẩm bình quân đầu người năm 2016 tăng hơn 33 lần so năm 1997, từ 2,28 triệu lên 72,3 triệu đồng/người/năm.

.
.

Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch khá nhanh với tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng tăng mạnh từ 18,4% năm 1997 lên 61,97% vào năm 2016, từng bước giảm tỷ trọng nhưng tăng giá trị tuyệt đối các ngành nông lâm nghiệp và thủy sản. Từ một tỉnh phụ thuộc vào trợ cấp của trung ương, đến năm 2004, Vĩnh Phúc đã tự cân đối được ngân sách và có điều tiết về trung ương, năm 2016 đạt hơn 32 nghìn tỷ đồng, trong đó thu nội địa nhiều năm liền đứng thứ hai ở miền bắc.

Đặc biệt, với chính sách ưu đãi đầu tư, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp trong những năm gần đây, thu hút đầu tư đã trở thành điểm sáng của Vĩnh Phúc với sự gia tăng mạnh mẽ tỷ trọng khu vực đầu tư nước ngoài từ 8,5% năm 1997 lên 45% năm 2016. Đến nay, tỉnh đã thu hút được 884 dự án, gồm 231 dự án FDI với số vốn đăng ký 3,56 tỷ USD, 653 dự án DDI với số vốn đăng ký 56.800 tỷ đồng.

Bên cạnh sản xuất công nghiệp được xác định là nền tảng, Vĩnh Phúc cũng chú trọng phát triển các ngành dịch vụ, trong đó ưu tiên phát triển ngành du lịch nhằm khai thác lợi thế về tài nguyên du lịch. Cùng với các sản phẩm dịch vụ ngày càng đa dạng vừa tạo thêm nguồn thu cho ngân sách tỉnh và cải thiện công ăn việc làm, đời sống người dân.

Song song với tập trung đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế, công tác an sinh xã hội cũng được Vĩnh Phúc hết sức chú trọng để góp phần nâng cao chất lượng sống người dân, ổn định an ninh trật tự, coi đây là nhiệm vụ cơ bản, cấp bách và lâu dài trong mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh. Ông Nguyễn Xuân Thều, Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết để thực hiện mục tiêu này, những năm qua, Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực cho công tác an sinh xã hội, nhất là trong các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, xóa đói, giảm nghèo, đào tạo lao động và tạo việc làm mới, đầu tư xây hạ tầng khu vực nông thôn…

Theo thống kê của Sở Lao động Thương binh và Xã hội, tổng mức chi cho đối tượng chính sách, người có công trong giai đoạn 1997 – 2016 là 533 tỷ đồng, trong đó, riêng năm 2016-2017 là 119,63 tỷ đồng, chi cho xóa đói giảm nghèo là 3.798,6 tỷ đồng, trong đó phần lớn là dành tín dụng cho các hộ nghèo, cận nghèo vay vốn để phát triển sản xuất, hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ xuất khẩu lao động, khuyến nông và hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ giáo dục đào tạo, y tế, hỗ trợ pháp lý, nhà ở… Tính đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 50 nghìn lượt hộ nghèo được vay vốn phát triển sản xuất, với tổng số vốn hơn 2.200 tỷ đồng từ nguồn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội; hơn 112 nghìn lượt hộ nghèo được thăm hỏi, tặng quà; hỗ trợ người nghèo và cận nghèo mua thẻ bảo hiểm y tế; hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh cho người nghèo…Tỉnh cũng đã giải quyết việc làm cho hơn 400.000 lượt lao động, trong đó lao động đi làm có thời hạn ở nước ngoài là hơn 20.400 người.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đã đạt được, tại Hội nghị, lãnh đạo chính quyền tỉnh cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại cần khắc phục như cơ cấu kinh tế còn chưa hợp lý, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chưa cao, chưa ổn định bền vững, tỷ trọng doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp trong nước còn thấp. Ngoài các sản phẩm công nghiệp chủ lực là ô tô, xe máy, thì trong những năm gần đây vẫn chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực tạo ra hàm lượng giá trị gia tăng cao và doanh nghiệp công nghệ cao… Đây là những tồn tại cần được khắc phục để phát triển kinh tế xã hội có những bước tiến nhanh mạnh nhưng bền vững, đảm bảo thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh trong tầm nhìn đến 2030.

Để thực hiện mục tiêu lớn này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành nhấn mạnh, Vĩnh Phúc đã đặt ra và phải phấn đấu đạt các chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế xã hội, trong đó cụ thể là đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 7-7,5%/năm, cơ cấu kinh tế đến năm 2020 theo hướng công nghiệp xây dựng đạt tỷ trọng 61,5%, dịch vụ 31,4%, nông lâm nghiệp và thủy sản 7,1%, quy mô GRDP đến năm 2020 bằng 1,5-2 lần so với năm 2015, GRDP bình quân đầu người đạt trên 110 triệu đồng. Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm từ 1-1,5%, tăng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đến năm 2020 đạt 76%.

Đặc biệt, theo ông Thành, phát triển kinh tế phải bảo đảm gắn kết với thực hiện an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, góp phần đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. “Chính quyền tỉnh cũng như các cơ quan ban ngành và toàn xã hội cần vào cuộc để chung tay cùng thực hiện có hiệu quả hơn nữa các chính sách an sinh xã hội song song với phát triển kinh tế, để mọi người dân trong tỉnh đều được hưởng lợi ích nhiều hơn nữa từ sự phát triển của tỉnh thông qua việc cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tạo động lực quan trọng cho sự ổn định và phát triển kinh tế bền vững của tỉnh”, ông Thành khẳng định.

Nhằm đảm bảo các chủ trương chính sách đi vào thực tiễn cuộc sống, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành yêu cầu các cấp, ngành, địa phương rà soát chức năng nhiệm vụ, chương trình công tác để triển khai thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhất là nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với an sinh xã hội. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát lại các văn bản, nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch của Tỉnh ủy và các cấp để có kế hoạch khai ngay trong thời gian tới. 

Thủ tướng: Vĩnh Phúc phải "3 cùng" với doanh nghiệp
Cùng trăn trở, tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả nhất, thiết thực nhất; cùng làm, bắt tay vào hành động để kiến tạo phát triển;...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư