Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 15 tháng 01 năm 2025,
VIS Rating kỳ vọng điều kiện kinh doanh cải thiện trong năm 2025
Minh Anh - 14/01/2025 07:32
 
VIS Rating đánh giá, kỳ vọng môi trường tín nhiệm của Việt Nam trong năm 2025 sẽ trở nên ổn định. Chi tiêu công, đầu tư nước ngoài (FDI) và xuất khẩu là những yếu tố then chốt để duy trì triển vọng kinh tế vững mạnh của Việt Nam.

Trong báo cáo vừa công bố, VIS Rating đánh giá, kỳ vọng môi trường tín nhiệm của Việt Nam trong năm 2025 sẽ trở nên ổn định sau khi đã cải thiện đáng kể trong năm trước. Các chính sách của chính phủ đặt trọng tâm vào hỗ trợ tăng trưởng kinh tế sẽ thúc đẩy hoạt động kinh doanh và tiêu dùng trong nước. Chi tiêu công, đầu tư nước ngoài (FDI) và xuất khẩu là những yếu tố then chốt để duy trì triển vọng kinh tế vững mạnh của Việt Nam.

 Tỉ lệ trái phiếu chậm trả sẽ tiếp tục giảm do dòng tiền của doanh nghiệp cải thiện giúp tăng khả năng trả nợ và các tổ chức phát hành được hưởng lợi khi tâm lý thị trường tốt hơn qua đó giúp tăng các khả năng tái cấp vốn.

Tuy nhiên, tỷ lệ đòn bẩy vay nợ của doanh nghiệp nhìn chung vẫn ở mức cao và sẽ cần nhiều thời gian để dòng tiền phục hồi, từ đó giúp củng cố tình hình tài chính doanh nghiệp.

VIS Rating kỳ vọng điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp sẽ cải thiện dần trong năm 2025, được hỗ trợ bởi trên chi tiêu công tăng và tâm lý tích cực trên thị trường bất động sản. Việc chính phủ đầu tư nhiều hơn vào hạ tầng công cộng sẽ thúc đẩy hoạt động kinh doanh của nhóm ngành xây dựng, vật liệu và vận tải. Các vướng mắc pháp lý dự án được tháo gỡ sẽ thúc đẩy việc phát triển các dự án bất động sản mới và từ đó cải thiện dòng tiền cho các doanh nghiệp trong ngành.

“Tuy nhiên, với dự trữ ngoại hối cuối năm 2024 sụt giảm về mức thấp nhất trong 5 năm gần nhất, Ngân hàng Nhà nước sẽ có ít hơn dư địa để đối phó với những biến động về ngoại hối. Nếu dòng tiền ngoại tệ chảy ra khỏi Việt Nam tăng lên và làm tỷ giá đồng Việt Nam sụt giảm mạnh, chúng tôi cho rằng trong kịch bản đó lãi suất tăng sẽ tác động làm suy yếu mức tăng trưởng và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp nội địa”, Nguyễn Đình Duy, CFA, Giám đốc – Chuyên gia phân tích cao cấp, VIS Rating chia sẻ.

Chỉ số Dollar Index (DXY) tăng vọt khiến thị trường chứng khoán giảm điểm mạnh trong tuần trước và mốc 1.200 điểm được kỳ vọng là ngưỡng hỗ trợ mạnh. Phiên giao dịch đầu tuần, dù giá vẫn giảm nhưng nhóm ngành cổ phiếu xây dựng giữ được sắc xanh và cùng với nhóm đầu tư công thu hút dòng tiền.

Chỉ số DXY đã vượt 110 điểm trong ngày thứ 2 đầu tuần tuy nhiên giá USD trên thị trường tự do theo ghi nhận của các môi giới lại giảm do các chính sách điều tiết của Ngân hàng Nhà nước.

Theo Công ty chứng khoán HSC, sau khi ngân hàng Nhà nước bán các hợp đồng kỳ hạn USD đáo hạn vào ngày 23/1 báo hiệu kỳ vọng về sự ổn định tỷ giá hối đoái quanh mức 25.450 VND trong tháng 1 và cho thấy dòng tiền dự kiến ​​chảy vào trước Tết Nguyên đán.

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, CTCP Chứng khoán VPBank đánh giá, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt, nền chính trị ổn định được nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao, FDI tăng trưởng 9,4% trong năm 2024, tương ứng giải ngân 25,3 tỷ USD là minh chứng cho thấy nhà đầu tư nước ngoài vẫn yêu thích Việt Nam. Do vậy, ảnh hưởng của tỷ giá đến Việt Nam trong năm 2025 vẫn có, nhưng không mạnh như 2024 nữa.

Nhìn tổng quan, trong năm 2024, hầu hết thị trường đều bị rút vốn. Trong 12 tháng vừa rồi, Đài Loan bị rút 20 tỷ USD, Thái Lan bị rút 4 tỷ USD, trong khi Việt Nam bị rút khoảng hơn 3 tỷ USD. Rõ ràng Việt Nam có bị ảnh hưởng, nhưng con số không quá lớn.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư