Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 09 tháng 01 năm 2025,
VN-Index giao dịch giằng co, khối ngoại tăng mua ròng
Tùng Linh - 03/02/2023 19:03
 
Nhóm cổ phiếu đầu tư công là điểm sáng của thị trường với hàng loạt cổ phiếu tăng giá như HHV, PLC, C4G...

Khối ngoại tiếp tục mua ròng

Chứng khoán Việt Nam tiếp tục giao dịch giằng co. Trong khi đóng cửa tăng nhẹ hôm 2/2, VN-Index giảm 0,44 điểm (-0,04%), xuống 1.077,15 điểm khi kết thúc phiên giao dịch. HNX-Index giảm 0,02 điểm (-0,01%), xuống 215,28 điểm. Riêng chỉ số sàn UPCoM tăng 0,66 điểm (+0,88%) lên 75,54 điểm. 

Khối lượng giao dịch giảm trên cả ba sàn, đặc biệt ở sàn HNX và UPCoM. Thanh khoản sàn HoSE chỉ giảm nhẹ 2,37% so với phiên liền trước với giá trị giao dịch hơn 10.790 tỷ đồng. Trên cả ba sàn, giá trị giao dịch đạt 11.970 tỷ đồng. Cổ phiếu STB đứng đầu về giao dịch trong phiên với 30,6 triệu đơn vị được chuyển nhượng, tương đương giá trị gần 815 tỷ đồng. Đây cũng là mức thanh khoản cao nhất trong hai tháng gần đây. Đứng thứ hai về thanh khoản là cổ phiếu của Hòa Phát.

STB và HPG cũng là hai cổ phiếu được khối ngoại mua ròng nhiều nhất trong phiên với giá trị mua ròng lần lượt là 171 tỷ đồng và 107 tỷ đồng.

Trong khi đó, cổ phiếu bị bán ròng không nhiều. Khối ngoại bán ròng nhiều nhất cổ phiếu KDC và HHV nhưng giá trị bán ròng cũng chỉ trên 10 tỷ đồng.

Cổ phiếu HHV của Hạ tầng giao thông Đèo Cả tăng kịch biên độ trong phiên hôm nay có thể đã kích hoạt lệnh bán chốt lời của một số nhà đầu tư ngoại.

Điểm sáng cổ phiếu đầu tư công, cổ phiếu “ông lớn” ngân hàng không gánh được thị trường

Không riêng HHV, cổ phiếu được kỳ vọng hưởng lợi từ hoạt động đầu tư công tăng giá khá tích cực.

Cổ phiếu PLC của Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex - doanh nghiệp nội chuyên kinh doanh sản phẩm hóa dầu, trong đó có nhựa đường đã tăng 2,34%. PLC đã tăng hai phiên liên tiếp, sau khi giảm sâu trong phiên điều chỉnh giữa tuần.

Một số cổ phiếu khác cũng tăng mạnh như FCN (+4,9%), C4g (+3,5%), DPG (+1,6%)…

Theo phân tích của Chứng khoán SSI, Việt Nam có nhiều dư địa để thúc đẩy nhu cầu trong nước thông qua các biện pháp kích thích tài khóa nhờ cơ cấu nợ công vẫn đang được kiểm soát ở mức hợp lý trong năm 2023.

Kế hoạch đầu tư công trong năm 2023 đã được thông qua với ước tính vào khoảng 726 nghìn tỷ đồng – mức lớn nhất từ trước đến này và tập trung vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng như Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam tuyến phía đông (giai đoạn 2), các dự án vành đai ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, công ty chứng khoán này cũng nhấn mạnh không phải các vấn đề liên quan đến chậm giải ngân đã được giải quyết.

Ngoài nhóm đầu tư công, sắc xanh cũng khá áp đảo ở nhóm bất động sản. Một số cổ phiếu tăng kịch biên độ như KHG, PTL.

Cổ phiếu NVL của Novaland tăng 5,28%. VIC và VHM cũng tăng lần lượt 0,36% và 0,42%.

Dòng ngân hàng phân hóa. Dù khá nhiều cổ phiếu đóng cửa trong sắc đỏ, một số ngân hàng tăng giá mạnh trên 1% như HDB (+1,09%), LPB (+1,83%), VCB (+2,65%), VIB (+2,97%), OCB (+3,19%)

Cổ phiếu của Vietcombank cũng là yếu tố tác động tích cực nhất đến chỉ số chung, khi đóng góp hơn 2,9 điểm tăng.

Top 5 cổ phiếu đầu tầu kéo VN-Index tăng gồm VCB, SAB, NVL, VIB, PLX.

Ở chiều ngược lại, GAS, SSB, TCB, MWG và FPT là cổ phiếu tác động tiêu cực đến chỉ số.

Nóng cuộc chiến cạnh tranh thị phần môi giới chứng khoán
Giao dịch trên thị trường chứng khoán hạ nhiệt phần nào đã làm thu hẹp đáng kể doanh thu từ mảng môi giới và hoạt động cho vay ký quỹ của...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư