Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
VN-Index ở vùng thấp: Các nhà đầu tư Thái Lan săn lùng cơ hội đầu tư tại Việt Nam
N.L - 03/08/2022 10:58
 
Founder AP Alpha chỉ ra, trong quá khứ, thời điểm nhà sản xuất thép tăng công suất, giá thép giảm, là điểm mua tốt nhất cho những nhà đầu tư can đảm chờ đợi 2-3 năm.
TIN LIÊN QUAN

Theo quan sát của các môi giới khách hàng tổ chức và nước ngoài, trong khi các nhà đầu tư Hàn Quốc đang rút vốn khỏi thị trường Việt Nam thì nhà đầu tư Thái Lan lại đang có sự quan tâm sâu sắc tới thị trường chứng khoán Việt Nam.

Có tới gần 150 nhà đầu tư cá nhân của Thái Lan đã có chuyến thăm và tìm hiểu về thị trường Việt Nam tại VVI Tour Learn Earn More vào ngày 12-14 tháng 07/2022 vừa qua tại khách sạn Sheraton Saigon Hotel, thành phố Hồ Chí Minh.

Được biết đây không phải là lần đầu tiên các nhà đầu tư này sang thăm Việt Nam, họ đã tìm hiểu thị trường Việt Nam vài năm trở lại đây, có một số cổ phiếu yêu thích và tìm hiểu kỹ. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư Thái Lan cũng tích cực tìm kiếm tư vấn từ các chuyên gia đầu tư hàng đầu để tìm kiếm cơ hội đầu tư tại thị trường chứng khoán Việt Nam – nơi mà các nhà đầu tư Thái Lan cho rằng rất tiềm năng trong dài hạn.

Các nhà đầu tư tìm hiểu về các cơ hội đầu tư ở thị trường chứng khoán Việt Nam

Cụ thể trong buổi hội thảo vừa qua, các nhà đầu tư Thái đã có dịp tìm hiểu thông qua tọa đàm Fund Talks on Vietnam stocks với ba chuyên gia đầu tư hàng đầu tại Việt Nam là ông Bill Stoops - CIO Dragon Capital, ông Phạm Anh Vũ – Founder AP Alpha Investment và ông Vũ Hữu Điền – Portfolio Manager quỹ đầu tư VEIL (thuộc Dragon Capital).

Theo quan điểm của ông Vũ Hữu Điền, bán lẻ, nguyên vật liệu và ngân hàng là các ngành có tiềm năng phát triển tốt trong những năm tiếp theo. Và 3 ngành này cũng có một điểm chung là liên quan tới tiêu dùng của người dân và sự phát triển của đất nước.

Về ngành ngân hàng, ông Điền cho rằng vẫn có rất nhiều cơ hội phát triển tốt khi có tới hơn 30% người trưởng thành ở Việt Nam chưa có tài khoản ngân hàng. Chưa kể tới những lợi ích từ fintech, lĩnh vực đang được đầu tư mạnh mẽ và có tới 90% ngân hàng đã là ngân hàng số.

Bán lẻ cũng rất tiềm năng bởi Việt Nam có tới gần 100 triệu dân, và gần 80% vẫn đi chợ truyền thống. Nhưng với sự phát triển của công nghệ, những “big player” đang thay đổi bộ mặt ngành hiện tại và tương lai, đặc biệt trong vận chuyển, phân phối.

Ngành nguyên vật liệu thì được hỗ trợ bởi Việt Nam vẫn đang phát triển và vẫn cần rất nhiều hạ tầng xây dựng, các khu vực chưa phát triển chỉ 50km từ trung tâm thành phố, các đường cao tốc đang được xây dựng, chương trình phục hồi hậu Covid có một phần lớn là đầu tư cơ sở hạ tầng.

 Bên cạnh đó, ông Phạm Anh Vũ - Founder AP Alpha - cũng có một vài chia sẻ về ngành thép sau khi được hỏi về góc nhìn đầu tư của AP Alpha. Cụ thể theo ông Vũ, dưới góc nhìn của chủ một doanh nghiệp thép thì sẽ không có chủ doanh nghiệp nào muốn bán doanh nghiệp thép của mình với mức giá rẻ mạt khi thị trường chung khó khăn. Thực tế các doanh nghiệp dẫn đầu vẫn đang muốn đầu tư mở rộng quy mô, chiếm lấy thị phần, chiếm lĩnh các khoảng trống trên thị trường.

Ông Vũ chia sẻ rằng “Chúng tôi đã thấy quy luật này một vài lần trong quá khứ, khi các nhà sản xuất thép tăng công suất, sản lượng, cộng với tình hình khó khăn của thị trường, giá thép xuống, nhà đầu tư đồng loạt chạy khỏi cổ phiếu thép.

Thực tế đây lại là điểm mua cho những nhà đầu tư có tiền mặt sẵn và tầm nhìn dài hạn. Đối với doanh nghiệp kiểu này, nhà đầu tư cần có can đảm để mua trong những lúc khó khăn và chờ đợi 2-3 năm do đến khi công suất nhà máy mới được vận hành, vốn hoá doanh nghiệp sẽ tăng rất mạnh trở lại nhờ lợi nhuận tăng trưởng cộng với định giá lại PE.

Nói về rủi ro của ngành thép, mọi người thường lo về biên lợi nhuận và giá thép. Tuy nhiên dưới góc độ của chủ doanh nghiệp, thì kinh doanh ngành thép phải chấp nhận có lúc biên lợi nhuận cao và có lúc biên lợi nhuận thấp. Rủi ro theo tôi nhiều hơn ở phía sản lượng tiêu thụ thép. Nếu có rủi ro xảy ra khiến sản lượng sản xuất hoặc tiêu thụ tụt mạnh, đây sẽ là rủi ro đáng lo ngại nhất trong dài hạn. Tuy nhiên, khi sản lượng tiêu thụ thép trên đầu người còn thấp, lượng cung bất động sản vẫn rất ít ỏi cũng như đầu tư công ngưng trệ trong thời gian mấy năm qua, AP Alpha tin rằng rủi ro này rất thấp và tiềm tăng tăng trưởng vẫn còn lớn.

Có thể thấy đây là một góc nhìn khác biệt khi mà ngành thép đã giảm rất mạnh trong quý 2 vừa qua và nhìn nhận chung đều cho rằng ngành thép đang gặp khó khăn.

Tìm hiểu về AP Alpha, cho thấy góc nhìn khác biệt này đến từ triết lý đầu tư khác biệt của ông Vũ và AP Alpha. Khác với nhiều nhà đầu tư sẽ mong muốn mua cổ phiếu trong xu hướng tăng, bán cổ phiếu trong xu hướng giảm thì AP Alpha không tập trung vào việc dự đoán hướng đi của cổ phiếu trong ngắn hạn mà tập trung nguồn lực vào việc đánh giá giá trị nội tại của doanh nghiệp. Đầu tư cổ phiếu như một chủ sở hữu doanh nghiệp và lựa chọn mua vào các doanh nghiệp xuất sắc khi cổ phiếu đang bị thị trường định giá dưới giá trị nội tại.

Triết lý đầu tư AP Alpha – trích từ website apalpha.com.vn

Khoảng thời gian dài hạn mà ông Vũ cho rằng nhà đầu tư nên tập trung vào là 5 năm. Do vậy, cơ hội đầu tư tốt với ông Vũ và AP Alpha có thể khác với các nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội 1-2 năm.

Trong buổi hội thảo ông Vũ cũng đưa ra lời khuyên cho các nhà đầu tư Thái khi mới bước chân vào thị trường chứng khoán Việt Nam rằng thay vì nghiên cứu toàn thị trường, hãy nhìn vào danh mục các quỹ lớn, lọc ra 10-15 cái tên quen thuộc thường xuất hiện; “làm bài tập về nhà” xem công ty nào có lợi thế cạnh tranh khác biệt, tăng trưởng và biên lợi nhuận tốt. Về rủi ro thì nhà đầu tư cần tránh các doanh nghiệp có “tin đồn” về các xung đột lợi ích, giao dịch với các bên liên quan, hay làm giá cổ phiếu.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư