Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 01 tháng 05 năm 2024,
VN-Index tăng gần 13 điểm, khối ngoại duy trì chuỗi mua ròng
Tùng Linh - 06/11/2023 17:59
 
Sắc xanh tiếp tục áp đảo khi các chỉ số đều giao dịch trên mốc tham chiếu toàn bộ phiên. Số lượng mã chứng khoán tăng giá cũng áp đảo.
chứng khoán VIệt Nam đồng pha với xu hướng hồi phục của thế giới
Chứng khoán Việt Nam đồng pha với xu hướng hồi phục của thế giới.

Chuỗi tăng điểm của VN-Index kéo sang phiên thứ tư liên tiếp. Sắc xanh bao phủ trên cả ba sàn. Cả ba chỉ số tăng từ đầu phiên và đóng cửa ở mức cao nhất trong phiên. VN-Index tăng 12,88 điểm (+1,2%) lên 1.089,7 điểm. Chỉ số sàn UPCoM tăng 1,06% lên 85,05 điểm. Trong khi đó, HNX-Index tăng khiêm tốn hơn (+0,85%) lên 219,6 điểm.

Theo bộ phận phân tích Chứng khoán VNDirect, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ và chỉ số DXY quay đầu giảm mạnh sau động thái “ôn hòa hơn” về chính sách tiền tệ của Fed sẽ giúp hạ nhiệt áp lực tỷ giá trong nước. Đây cũng là một trong các nguyên nhân tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán giai đoạn vừa qua. Không riêng chứng khoán Việt Nam, các chỉ số chứng khoán châu Á đều hồi phục mạnh.

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn tác động tích cực đến thị trường. Trong đó, VN30-Index tăng 1,6%, lớn hơn mức tăng của chỉ số chung. Đồng thời, 24/30 cổ phiếu đóng cửa tăng giá. Nhóm top 10 vốn hóa cũng giao dịch tích cực khi hầu hết tăng trên 1 %, cá biệt VPB tăng trên 5% và chỉ có duy nhất GAS giảm -0,13%.

Dòng ngân hàng giao dịch tích cực và đóng góp nhiều gương mặt trong top 10 cổ phiếu tác động tích cực đến VN-Index, lần lượt là VPB, VCB, MBB, CTG, SSB... VPB không chỉ là cổ phiếu tăng mạnh nhất trong nhóm 10 vốn hóa lớn nhất, mà còn dẫn đầu xu hướng tăng chung của cả nhóm ngân hàng và đóng góp nhiều điểm tăng nhất cho chỉ số chung (trên 2 điểm).

Cổ phiếu Vietcombank tăng 0,67%, qua đó đưa vốn hóa thị trường của tổ chức này trở lại vượt 500.000 tỷ đồng. HDB và OCB là hai trường hợp cá biệt đóng cửa phiên đầu tuần trong sắc đỏ.

Cổ phiếu vật liệu xây dựng cũng phục hồi mạnh mẽ với hàng loạt cổ phiếu thép như HPG và HSG đều tăng trên 2%.  Sắc xanh áp đảo ở đa số nhóm ngành. Cá biệt, cổ phiếu nhóm bán lẻ nằm trong số ít đi ngược sự hồi phục của thị trường. MWG giảm 2,3% về còn 38.050 đồng/cổ phiếu.

Trên cả ba sàn, tổng cộng có 470 mã tăng và 27 mã tăng trần. Ở chiều ngược lại, 240 mã giảm, 17 mã giảm sàn. Còn lại, 843 mã đứng giá tham chiếu.

Theo thống kê của VCBS, nhóm cổ phiếu chứng khoán và ngân hàng là 2 nhóm ngành thu hút được lực cầu tốt nhất. Top 3 cổ phiếu được giao dịch nhiều nhất lần lượt là STB (778 tỷ đồng), HPG (522 tỷ đồng) và SSI (518 tỷ đồng). Tổng cộng, giá trị giao dịch trên ba sàn đạt hơn 16.000 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch trên sàn HoSE đạt 14.079 tỷ đồng, giảm nhẹ 8,6% so với phiên cuối tuần trước.

Khối ngoại tiếp tục có thêm một phiên mua ròng với tổng giá trị giải ngân đạt 548 tỷ đồng, tập trung mua nhiều nhất STB (158,6 tỷ đồng), HPG (120 tỷ đồng), SHS (110 tỷ đồng).

Cổ phiếu VGV của Tổng công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam - CTCP (VNCC-sàn UpCOM) cũng bất ngờ được mua vào 1,76 triệu cổ phiếu (gần 60 tỷ đồng). Dù giảm 2,9% trong phiên, cổ phiếu của doanh nghiệp này cũng đã tăng gấp rưỡi chỉ sau 6 tháng. VNCC chuyển đổi mô hình hoạt động sang CTCP vào tháng 10/2016 và đăng ký giao dịch trên sàn Upcom với mã VGV vào tháng 7/2017. Công ty nằm trong liên danh Nhà thầu Tổng công ty 36 - NEWTATCO - VNCC, đơn vị thi công Đài Kiểm soát không lưu có chiều cao 123m tại Cảng HKQT Long Thành.

Ở chiều ngược lại, MWG, VIX và VRE bị bán ròng nhiều nhất. Tuy nhiên, giá trị bán ròng đều chưa đến 50 tỷ đồng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư