Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Vốn FDI chảy mạnh vào công nghiệp chế biến
Nguyên Đức - 24/04/2015 15:44
 
76% trong tổng số 3,72 tỷ USD tổng vốn FDI vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm được đổ vào lĩnh vực chế biến, chế tạo. Nhưng thiếu vắng dự án lớn khiến nguồn vốn này vẫn sụt giảm hơn 23% so với cùng kỳ.

Lớn nhất và mới nhất trong số các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm nay có lẽ là Dự án sản xuất và gia công các loại sợi dệt của Hyonsung (Thổ Nhĩ Kỳ) ở tỉnh Đồng Nai.

 

Dự án có vốn đầu tư 660 triệu USD này dự kiến được xây dựng tại KCN Nhơn Trạch 5. Phần lớn các sản phẩm làm ra của Dự án sẽ dành để xuất khẩu.

Nhờ có dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư này, Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ vươn lên vị trí thứ hai trong danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam trong 4 tháng qua, chỉ đứng sau Hàn Quốc (908 triệu USD).

Nhờ dự án của Hyosung, Đồng Nai vươn lên vị trí thứ nhất trong số các địa phương thu hút FDI 4 tháng đầu năm 2015, với 916,75 triệu USD.

Và cũng nhờ dự án của Hyosung, vốn FDI vào Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo trong những tháng đầu năm đã tăng lên 2,83 tỷ USD, chiếm 76% tổng vốn FDI đăng ký.

Xu hướng các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục dốc vốn vào lĩnh vực này là một tín hiệu tốt cho nền kinh tế. Bởi có thêm năng lực sản xuất, nền kinh tế có thêm động lực cho tăng trưởng. Đây cũng là xu hướng được ghi nhận trong những năm gần đây, đặc biệt khi dòng vốn FDI đổ vào lĩnh vực bất động sản đã chậm lại đáng kể so với giai đoạn trước.

Theo số liệu được Cục Đầu tư nước ngoài vừa chính thức công bố, thì 4 tháng đầu năm nay, vốn FDI vào bất động sản la 327 triệu USD, với 10 dự án, chiếm 8,8% tổng vốn FDI vào Việt Nam.

Cũng theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 20/4/2015, cả nước có 448 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 2,676 tỷ USD, bằng 82,9% so với cùng kỳ năm 2014.  

Bên cạnh đó, còn có 167 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 1,04 tỷ USD, bằng 64,3% so với cùng kỳ năm 2014.

Tính chung trong 4 tháng đầu năm 2015, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 3,722 tỷ USD, bằng 76,7% so với cùng kỳ năm 2014.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong 4 tháng đầu năm 2015, số lượt dự án cấp mới và tăng vốn đều tăng hơn so với cùng kỳ năm 2014. Cụ thể, số dự án cấp mới tăng hơn 14,9% và số dự án tăng vốn tăng 19,3% so với cùng kỳ năm 2014. Mặc dù vậy, do không có các dự án quy mô lớn như cùng kỳ năm 2014 nên số vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm giảm so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, trái ngược với xu hướng giảm của vốn đăng ký, vốn FDI giải ngân tiếp tục diễn biến tích cực. Trong 4 tháng đầu năm 2015, ước tính các dự án FDI đã giải ngân được 4,2 tỷ USD, tăng 5% với cùng kỳ năm 2014.

Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho thấy, xuất khẩu của khu vực FDI (kể cả dầu thô) trong 4 tháng năm 2015 đạt 35,07 tỷ USD, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2014 và chiếm 70% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Trong khi đó, nhập khẩu của khu vực này đạt 32,35 tỷ USD, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm 2014 và chiếm 61% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Tính chung trong 4 tháng đầu năm 2015, khu vực FDI xuất siêu 2,719 tỷ USD.

 

Những điều kiện kinh doanh áp dụng riêng với doanh nghiệp FDI
Danh mục Điều kiện đầu tư kinh doanh áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài trong 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện đã chính thức được...
Bình luận bài viết này
  • Minh Việt 21:38 | 24-04-2015
    Góp ý về ký hiệp định TPP & mô hình chính quyền? Mô hình chính quyền TƯ & địa phương chưa hoàn thiện thì khó mà giải phóng hết năng lực sx của tất cả địa phương vùng miền người dân doanh nghiệp. Kiến nghị nhà nước thử nghiên cứu mô hình "chính quyền liên bang/vùng kinh tế" của Nga, TQ (thực tế TQ là mô hình ủy quyền mạnh giống mô hình liên bang), Đức, Úc , Hoa Kỳ...xem mô hình nào thích hợp nhất với VN, có thể áp dụng được gì? Về phân phối thu ngân sách thì nghiên cứu theo tổng tiêu dùng hàng hóa dịch vụ cuối cùng - rất văn minh sòng phẳng, không tranh giành xin cho, giống châu Âu đang làm. Phạm vi không gian 1 vùng mới đủ "không gian kinh tế" cho quy hoạch phát triển đồng bộ, không manh mún. Chính quyền bang có 1 tác dụng lớn nữa là "rào chắn kỹ thuật" cho hàng nước ngoài nhập vào do nhiều đầu mối "rào cản kỹ thuật". Ở Mỹ, Úc...cũng vậy. Với mô hình ủy quyền mạnh, giám sát mạnh này, hy vọng VN sẽ pt kinh tế mạnh mẽ, trước khi ký TPP.
Xem thêm trên Báo Đầu Tư