Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Vốn hóa Vietcombank cán mốc 400.000 tỷ đồng, VN-Index tiến gần đỉnh mới
Thanh Thủy - 08/01/2021 11:20
 
Thông tin tích cực từ kết quả kinh doanh năm 2020 của Vietcombank đã giúp VCB - cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường xác lập kỷ lục mới. VN-Index cũng đang tiến sát mức đỉnh lịch sử.

Nhóm cổ phiếu tài chính tiếp tục dẫn dắt thị trường, vốn hóa Vietcombank cán mốc 400.000 tỷ đồng

Sau 4 ngày tăng liên tiếp, giá cổ phiếu VCB tiếp tục xác lập đỉnh giá mới 107.800 đồng, tăng 800 đồng (+0,75%) so với hôm qua. Đà tăng giá này cũng chính thức đưa vốn hóa thị trường của Vietcombank cán mốc 400.000 tỷ đồng trong sáng nay và tiếp tục giữ vững vị trí số 1 về vốn hóa trên sàn chứng khoán Việt Nam. VCB cũng là cổ phiếu đóng góp nhiều nhất vào mức tăng của VN-Index và toàn thị trường thời gian này.

Những ngày qua, khối ngân hàng “mở hàng” mùa báo cáo tài chính kinh doanh quý IV với kết quả tích cực như nhiều dự báo trước đó. Nhóm 4 ngân hàng lớn có vốn Nhà nước vừa tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm hé lộ tình hình kinh doanh cả năm 2020.

Vietcombank duy trì mức lợi nhuận 1 tỷ USD (23.000 tỷ đồng), Agribank cho biết hoàn thành mọi chỉ tiêu đề ra. Riêng lợi nhuận VietinBank tăng 433%, còn BIDV báo lợi nhuận giảm 16% dù vẫn vượt kế hoạch tài chính NHNN giao. Ngân hàng này cho biết đã chủ động giảm thu nhập hơn 6.400 tỷ đồng để thực hiện cơ cấu nợ, hạ lãi suất và miễn giãm lãi, phí. Trước đó, TPBank công bố mức lợi nhuận tăng trưởng 11% so với năm trước và vượt kế hoạch gần 8%.

Ngay cả với kết quả kinh doanh đi xuống, cổ phiếu BID đang giao dịch tích trên sàn khi tăng 0,2% hôm qua và tiếp tục tăng thêm 0,4% đầu giờ sáng nay. Cổ phiếu của VietinBank (CTG) hiện đạt 39.400 đồng/cổ phiếu, tăng 14% trong vỏn vẹn vài ngày đầu tháng 1 này. Trừ cổ phiếu của Eximbank (EIB) đứng giá tham chiếu, 15/16 cổ phiếu ngành ngân hàng đều tăng giá.

Hiện chưa có công ty chứng khoán nào hé lộ kết quả kinh doanh năm 2020. Tuy nhiên, giao dịch sôi động của thị trường chứng khoán, đặc biệt với mức thanh khoản trên 10 nghìn tỷ đồng ghi nhận từ tháng 12/2020 đến nay, hứa hẹn một quý kinh doanh bội thu, đặc biệt ở mảng môi giới của nhóm ngành này.

Giá cổ phiếu ngành chứng khoán sớm phản ánh kỷ vọng trên. Trong sáng nay, dây cũng là ngành tăng giá nhiều nhất. Có tới 9/24 cổ phiếu tăng kịch biên độ và cũng chỉ duy nhất cổ phiếu MBS của chứng khoán MB ngược dòng giảm điểm.

VN-Index tiến gần thời khắc lập đỉnh lịch sử mới?

Tính đến 10h sáng, không riêng nhóm cổ phiếu tài chính, sắc xanh cũng áp đảo trên cả ba sàn sáng nay. Số cổ phiếu tăng giá lấn áp nhóm giảm giá. Thanh khoản thị trường ở mức cao, nhích nhẹ so với cùng thời điểm nay hôm qua. Nhiều cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng cũng tăng giá tích cực và đóng góp vào đà tăng của chỉ số đầu giờ sáng nay như Vinamilk, Habeco, Masan…

Chỉ số VN-Index chạm mốc 1.072 điểm vào lúc hơn 10h và còn tiếp tục tăng. HNX-Index cũng đã có thời điểm vọt lên 218 điểm. Trong khi HNX-Index liên tục tăng điểm cũng như xô đổ các kỷ lục về giá vừa lập, VN-Index cũng đang tiến gần hơn đến mức đỉnh cũ 1.204,33 điểm xác lập hồi tháng 4/2018. Khoảng cách này hiện chỉ còn hơn 30 điểm.

Sau phiên giao dịch với tổng giá trị giao dịch trên ba sàn vượt mốc 20.000 tỷ đồng, nhiều chuyên gia nhận định dòng tiền vẫn cuồn cuộn đổ vào thị trường chứng khoán. Đánh giá khá lạc quan về thị trường,

Chứng khoán MBS nhận định thị trường đang có nhiều yếu tố thuận lợi để chinh phục đỉnh cao lịch sử: tâm lý hứng khởi, dòng tiền mạnh chưa có tiền lệ. Cũng theo CTCK này, có thể chỉ khoảng 2 – 3 phiên nữa để VN-Index lập đỉnh mới nếu duy trì được đà tăng như từ đầu tuần.

Tuy nhiên, diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trên thế giới  đang khiến chỉ số VN-Index giao dịch vượt trội so với nhiều chỉ số chứng khoán khác trên thế giới trong những phiên đầu năm. Theo phân tích mới đây của VCBS, vùng 1.150 điểm vẫn là khá “chông chênh”. Dù cũng nhận định dòng tiền đang tích cực, VCBS cho rằng không nên lạm dụng đòn bẩy trong giai đoạn này để tránh rủi ro thị trường “phản ứng thái quá” nếu chỉ số bất ngờ xuất hiện nhịp điều chỉnh giảm mang tính kỹ thuật.

Ngoài ra, dòng tiền của khối ngoại vẫn chưa cho thấy xu hướng mua ròng khi quay lại bán ròng 303 tỷ đồng trong phiên hôm qua (7/1).

Muốn hoạt động môi giới chứng khoán phái sinh, phải có vốn chủ sở hữu tối thiểu 800 tỷ đồng
Đây là nội dung trong được quy định trong Nghị định 158/2020/NĐ-CP về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh vừa được...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư