Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
VRG “lãnh đủ” vì đầu tư trái ngành tràn lan
Hữu Tuấn - 25/01/2015 09:31
 
Tiến hành 12 cuộc thanh tra tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước năm 2014, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện sai phạm về sử dụng vốn ở một số đơn vị, trong đó có Tập đoàn VRG.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Thanh tra nhiều Tập đoàn, Tổng công ty lớn trong năm 2015
Sắp công bố Thanh tra tại Agribank, Tập đoàn VRG

Đầu tư ngoài ngành tràn lan, thua lỗ nặng tại VRG

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư bên lề Hội nghị, ông Ngô Văn Khánh, Phó tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, quý I/2014 Thanh tra Chính phủ đã ban hành Kết luận thanh tra số 2341/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ ban hành về việc chấp hành quy định pháp luật về quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG). Các nội dung kết luận và kiến nghị của Thanh tra Chính phủ trong kết luận này đã nhận được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ.

VRG thua lỗ trong đầu tư ngoài ngành, góp vốn sai quy định, vi phạm trong quản lý vốn nhà nước. Ảnh: Lê Toàn

“Hiện Thanh tra Chính phủ đang phối hợp với các bộ và VRG thực hiện các chỉ đạo cụ thể của Thủ tướng về xử lý sau thanh tra đối với VRG”, ông Khánh cho biết.

Nổi bật trong số những vi phạm của VRG tại Kết luận thanh tra số 2341/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ là những vi phạm, thua lỗ trong đầu tư ngoài ngành, góp vốn sai quy định, vi phạm trong quản lý vốn nhà nước…

Theo đó, tính đến ngày 31/1/2011, VRG đã đầu tư ra ngoài nghề kinh doanh chính hơn 2.420 tỷ đồng, chiếm 13,03% vốn điều lệ và chiếm 13,25% tổng vốn đầu tư tài chính, chủ yếu lấy từ nguồn vốn điều lệ do nhà nước đầu tư. Nhưng theo đánh giá của Thanh tra, việc thiếu tính toán, đầu tư dàn trải là một phần nguyên nhân dẫn đến tỷ suất lợi nhuận rất thấp, nhiều khoản đầu tư trong nhiều năm không có lợi nhuận, một số khoản với giá trị lớn đang tiềm ẩn nguy cơ mất vốn.

Cụ thể, VRG đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng vào các công ty hoạt động trong các lĩnh vực thủy điện, kinh doanh khách sạn, thép, chứng khoán…, song trong nhiều năm không có lợi nhuận.

VRG đã đầu tư hơn 390 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Đầu tư thủy điện VRG Phú Yên, Công ty cổ phần Xi măng FICO Tây Ninh, Tổng công ty Xây dựng miền Trung, nhưng trong 5 năm liên tục (từ 2006 - 2011) không có lợi nhuận được chia. VRG còn mạnh tay bỏ ra hơn 224 tỷ đồng đầu tư vào Công ty cổ phần Thương mại và Du lịch Cao su (chủ yếu kinh doanh khách sạn Móng Cái) song chỉ năm 2008 được chia 224 triệu đồng lãi, các năm tiếp sau đó đều lỗ…

Đáng lưu ý, việc đầu tư góp vốn thành lập Công ty cổ phần Cao su Phú Riềng - Kratie (PRK) để đầu tư trồng cao su tại Campuchia đã xảy ra nhiều sai phạm nghiêm trọng trong nhiều khâu, dẫn đến chất lượng vườn cây thấp, chết nhiều, khả năng thiệt hại có thể lên tới hơn 483 tỷ đồng…

Việc góp vốn và hoạt động kinh doanh của Công ty cổ phần Chế biến và Xuất nhập khẩu Thủy hải sản Đồng Tháp (DSEC) có nhiều sai phạm, gây thiệt hại lớn cho Nhà nước và doanh nghiệp, hoạt động kinh doanh của Công ty liên tục lỗ, đến nay đã mất hết 144 tỷ đồng vốn điều lệ và dư nợ không có khả năng thanh toán hơn 253,4 tỷ đồng…

Đối với việc góp vốn, Hội đồng Thành viên VRG quyết định tăng vốn điều lệ năm 2010 và 2011 cho các đơn vị thành viên khi chưa được Thủ tướng phê duyệt; VRG quyết định tăng vốn điều lệ để góp vào các công ty cổ phần thuộc ngành nghề kinh doanh chính không đúng thẩm quyền hơn 3.540 tỷ đồng.

Ngoài ra, VRG chưa thu 127,7 tỷ đồng phí quản lý ngành năm 2010, làm giảm doanh thu tương ứng về thuế thu nhập phải nộp 31,9 tỷ đồng; Công ty Cao su Phú Riềng (thuộc VRG) hạch toán sai khoản “chi phí sản xuất kinh doanh – chi phí tạo rừng” số tiền hơn 14,6 tỷ đồng, làm giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trên 3,6 tỷ đồng...

Với những sai phạm trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị xử lý kinh tế hơn 8.366 tỷ đồng. Trong đó, Bộ Tài chính chủ trì đề xuất, báo cáo Thủ tướng chỉ đạo xử lý số tiền hơn 2.600 tỷ đồng. VRG chủ trì đề xuất giải pháp xử lý theo thẩm quyền hơn 5.600 tỷ đồng. Thanh tra Chính phủ đề nghị VRG nghiên cứu, đề xuất giải pháp xử lý nợ khó đòi do hoạt động tín dụng và Repo theo đúng chủ trương của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, khẩn trương thực hiện thu hồi vốn gốc, giảm, miễn lãi theo quy định.

Cùng với việc đề nghị kiểm điểm trách nhiệm, chấn chỉnh những tồn tại, khuyết điểm tại VRG cùng các đơn vị thành viên và yêu cầu xử lý về kinh tế hơn 8.366 tỷ đồng, Thanh tra Chính phủ còn đề nghị Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ để điều tra những sai phạm nghiêm trọng, gây hậu quả lớn về kinh tế được phát hiện khi thanh tra. Trong đó có hành vi cố ý làm trái các quy định của nhà nước trong đầu tư, góp vốn vào Công ty DSEC và những vi phạm trong thực hiện hợp đồng với Công ty Xuất nhập khẩu Cao su, dẫn đến mất khả năng trả nợ hơn 253 tỷ đồng.

Sắp công bố kết luận thanh tra VietinBank, Petrolimex, HUD...

() Thanh tra Chính phủ dự kiến ban hành kết luận hàng loạt cuộc thanh tra quan trọng như tại VietinBank, Petrolimex, HUD, Tổng Công ty Đường sắt, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam...trong quý IV/2014.

Thanh tra Chính phủ "soi" gì tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam

() Hôm qua, Thanh tra Chính phủ đã bắt đầu thanh tra Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và một số đơn vị thành viên.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư