Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 27 tháng 11 năm 2024,
Vụ đấu giá đất tại Đông Anh (Hà Nội): Bắt tay dìm giá, ngân sách thiệt hại lớn
Huệ Nguyễn - 24/02/2024 13:28
 
Các bị can được xác định đã lập khống hồ sơ, dìm giá đất tại Dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đấu giá quyền sử dụng đất phía Đông Nam, thôn Cổ Dương (xã Tương Dương, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội) và trúng đấu giá với giá trị thấp hơn giá thị trường, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước gần 136 tỷ đồng.
Khu đấu giá đất tại thôn Cổ Dương (xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội)
Khu đấu giá đất tại thôn Cổ Dương (xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội).

Vừa qua, Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Hà Nội truy tố 11 bị can trong vụ án liên quan tới các sai phạm trong quá trình đấu giá đất tại Dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đấu giá quyền sử dụng đất phía Đông Nam, thôn Cổ Dương (xã Tương Dương, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội). Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đã tiếp nhận cáo trạng truy tố và chuẩn bị đưa ra xét xử vụ án.

Cụ thể, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty cổ phần Tập đoàn Dược phẩm Vimedimex (Công ty Vimedimex) Nguyễn Thị Loan bị truy tố tội “vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản”, theo Điều 218, Bộ luật Hình sự.

Cùng bị truy tố tội danh trên còn có: Nguyễn Quang Hưng, Phó tổng giám đốc Vimedimex; Tạ Thị Vân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển nhà ở Bắc Từ Liêm; Nguyễn Xuân Đức, Phó tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Mỹ Đình; Trần Công Tuyên, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng và Giải phóng mặt bằng (thuộc Ban Quản lý dự án huyện Đông Anh); Vương Thị Thu Thủy, chuyên viên Ban Quản lý dự án huyện Đông Anh.

Liên quan tới đơn vị thẩm định giá, Nguyễn Thị Diệu Linh, Tổng giám đốc; Nguyễn Ngọc Thắng, Phó tổng giám đốc; Nguyễn Đức Phương, thẩm định viên Công ty Thẩm định giá và đầu tư Hà Nội cũng bị truy tố về tội “vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản”.

Sau khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án, ông Bùi Duy Cường, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội đã ký tờ trình đề nghị hủy quyết định phê duyệt giá khởi điểm để đấu giá khu đất, với lý do một số nội dung tại chứng thư thẩm định giá của Công ty VVAI không đúng với kết quả kiểm tra trên thực địa.

UBND TP. Hà Nội cũng đã chấp thuận đề nghị này, đồng thời hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng khu đất.

Cùng với đó, Công ty cổ phần Phát triển nhà ở Bắc Từ Liêm cũng có đơn xin trả lại quyền sử dụng đất cho TP. Hà Nội; bàn giao lại toàn bộ hiện trạng diện tích đất, mốc giới khu đất cho UBND huyện Đông Anh.

Ngoài ra, bị can Bùi Thanh Huyền, cựu Chi cục phó Chi cục Quản lý đất đai (Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội) và Nguyễn Thị Cẩm Lê, cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội bị truy tố tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Hàng loạt cán bộ “bắt tay” công ty thẩm định dìm giá đất

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát, đầu năm 2020, UBND huyện Đông Anh phê duyệt Kế hoạch Đấu giá quyền sử dụng đất năm 2020 trên địa bàn, trong đó có Dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đấu giá quyền sử dụng đất phía Đông Nam, thôn

Cổ Dương, xã Tương Dương; giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đông Anh (Ban QLDA huyện Đông Anh) là đơn vị tổ chức đấu giá.

Dù không có nhiệm vụ xác định giá khởi điểm khu đất đấu giá, nhưng Trần Công Tuyên đã nhờ người giới thiệu Công ty cổ phần Tư vấn thẩm định giá và đầu tư Hà Nội (Công ty VVAI) làm đơn vị thẩm định giá xác định giá khởi điểm làm cơ sở để tổ chức đấu giá lô đất trên.

Theo kết quả thẩm định giá của Công ty VVAI, giá trị khu đất được xác định khoảng 504 tỷ đồng, tương đương 30 - 31 triệu đồng/m2.

Tuy nhiên, sau khi biết được nội dung trên, Tuyên đã yêu cầu Công ty VVAI làm lại đơn giá, điều chỉnh hạ giá trị khu đất xuống khoảng 300 tỷ đồng. Sau khi hạ đơn giá, hạ doanh thu phát triển của khu đất, Công ty VVAI đưa ra giá trị thẩm định chỉ còn khoảng 334 tỷ đồng.

Tháng 8/2020, UBND TP. Hà Nội ra quyết định giao 49.187,4 m2 đất tại thôn Cổ Dương cho UBND huyện Đông Anh để thực hiện Dự án. Trong đó, hơn 16.000 m2 đất được đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất làm nhà ở.

Sau khi UBND huyện Đông Anh có văn bản gửi UBND TP. Hà Nội và Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội về việc xác định, phê duyệt giá khởi điểm làm cơ sở đấu giá, Thủy và Tuyên đã móc nối với Nguyễn Thị Cẩm Lê để cho Công ty VVAI được ký kết hợp đồng thẩm định giá.

Tại đây, được sự giúp sức của Nguyễn Thế Hoàng Tùng (cán bộ tổ chức bốc thăm đơn vị tư vấn của Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội), Công ty VVAI đã được lựa chọn là đơn vị tư vấn xác định giá khởi điểm khu đất.

Do giá trị khu đất đã được thống nhất “dìm” xuống và trao đổi với Bùi Thanh Huyền (thời điểm này giữ chức Chi cục phó Chi cục Quản lý đất đai), nhóm bị can đã hoàn thiện tài liệu, dự thảo và ký phát hành chứng thư định giá, trong đó xác định giá trị khu đất là gần 285 tỷ đồng; đơn giá đất tương ứng là 17,6 triệu đồng/m2.

Ngoài ra, do phải điều chỉnh giá trị không đúng so với thực tế khảo sát, nên để hợp thức chứng thư, Linh đã chỉ đạo nhân viên lập khống 12 phiếu khảo sát để làm căn cứ thẩm định giá.

Sau khi Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội có tờ trình về phương án xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất, Hội đồng Thẩm định giá đất cụ thể của Thành phố đã điều chỉnh và “chốt” đơn giá là 18,2 triệu đồng/m2. Đơn giá này được UBND TP. Hà Nội phê duyệt.

Thủ đoạn của Chủ tịch HĐQT Vimedimex

Quá trình Ban QLDA huyện Đông Anh tổ chức đấu giá đất thông qua Công ty Đấu giá hợp danh số 5, bị can Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch HĐQT Vimedimex đã sử dụng 3 pháp nhân để tham gia đấu giá, gồm: Công ty cổ phần Phát triển nhà ở Bắc Từ Liêm, Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Thanh Trì và Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Mỹ Đình.

Trên thực tế, đây là những doanh nghiệp do Nguyễn Thị Loan trực tiếp chỉ đạo, điều hành; chỉ thuê người thân, nhân viên đứng tên cổ đông góp vốn.

Cùng với đó, 3/6 công ty nộp hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá đã bị loại vì lý do không đủ điều kiện hoặc xin rút không tham gia; cuối cùng, chỉ còn lại 3 công ty của Loan.

Cơ quan tố tụng cáo buộc, với mục đích đảm bảo chắc chắn trúng đấu giá khu đất với giá thấp, Loan đã chỉ đạo Nguyễn Quang Hưng, Phó tổng giám đốc Vimedimex đại diện cho Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Thanh Trì; Nguyễn Xuân Đức, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Mỹ Đình; Tạ Thị Vân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển nhà ở Bắc Từ Liêm, sử dụng thủ đoạn “dìm giá” khi tham gia đấu giá.

Cụ thể, tại vòng trả giá thứ nhất, cả 3 công ty đều trả giá bằng nhau (bằng giá khởi điểm, cộng thêm 1 bước giá). Vòng trả giá thứ 2 và thứ 3 cũng được thực hiện tương tự. Tại vòng trả giá thứ tư, cả 3 công ty không trả giá nữa, đều ghi “Không tiếp tục bỏ giá”, với mục đích để công ty đấu giá tổ chức bốc thăm chọn đơn vị trúng đấu giá.

Kết quả là, Công ty cổ phần Phát triển nhà ở Bắc Từ Liêm trúng đấu giá, với giá trị gần 327 tỷ đồng (tương đương 20,2 triệu đồng/m2).

Chỉ 2 ngày sau khi được UBND TP. Hà Nội phê duyệt kết quả trúng đấu giá, ngày 30/12/2020, Công ty cổ phần Phát triển nhà ở Bắc Từ Liêm đã thế chấp Dự án để vay ngân hàng 350 tỷ đồng và dùng số tiền này để nộp tiền sử dụng đất, trong đó có gần 327 tỷ đồng tiền sử dụng đất và gần 66 tỷ đồng tiền hoàn trả chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật của Dự án.

Sau khi nhận bàn giao đất, từ ngày 27/1/2021 đến tháng 8/2021, Nguyễn Thị Loan đã phê duyệt cho Công ty cổ phần Bất động sản Belleville Hà Nội bán 21/96 căn biệt thự và liền kề, thu về gần 312 tỷ đồng.

Đáng nói, trong khi trúng đấu giá chỉ hơn 20 triệu đồng/m2, nhưng theo tài liệu của cơ quan điều tra, chưa đầy 1 tháng sau, giá giao dịch của căn liền kề 3-4 (110,5 m2) lên tới 12,5 tỷ đồng; hoặc căn BT 108 (256,69 m2) có giá hơn 22 tỷ đồng, tức khoảng 86 - 114 triệu đồng/m2.

Theo cơ quan tố tụng, căn cứ vào kết luận định giá tài sản của Hội đồng Định giá tài sản trong tố tụng hình sự TP. Hà Nội đã xác định, trong quá trình định giá đất xác định giá khởi điểm làm cơ sở để tổ chức đấu giá khu đất tại thôn Cổ Dương (xã Tương Dương, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội), nhóm bị can của Công ty VVAI và Trần Công Tuyên, Vương Thu Thủy đã thỏa thuận, thống nhất cố ý hạ giá trị khu đất.

Điều này dẫn đến việc Hội đồng Định giá của Thành phố xác định giá khởi điểm thấp hơn nhiều giá trị thực tế, tạo điều kiện để Nguyễn Thị Loan sử dụng các công ty tham gia đấu giá, thực hiện hành vi thông đồng dìm giá và trúng đấu giá với giá trị thấp hơn giá thị trường, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước gần 136 tỷ đồng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư