Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 23 tháng 10 năm 2024,
Vụ Huyền Như sẽ ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh
Hữu Tuấn - 26/02/2014 13:29
 
Ngày 26/2, phát biểu tại Hội thảo “Luật Thi hành án dân sự - Góc nhìn từ doanh nghiệp”, TS.Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) bày tỏ băn khoăn về tác động của kết quả phiên tòa xử Huỳnh Thị Huyền Như với môi trường kinh doanh.
TIN LIÊN QUAN
Bị cáo Huyền Như trong phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: H.D
Bị cáo Huyền Như trong phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: H.D

Theo TS.Lê Đăng Doanh, trong vụ Huyền Như, khách hàng đã gửi tiền vào Ngân hàng VietinBank, đã có sổ, có dấu, có chữ ký và hàng tháng họ vẫn nhận được lãi suất tiền gửi.

Nhưng đến khi Tòa án xét xử lại kết luận trách nhiệm thuộc về Huyền Như và Huyền Như phải bị đền bù. Có khách hàng Malaysia, đại diện cho một ngân hàng của Malaysia ở Việt Nam, gửi vào 250 tỷ đồng vào Ngân hàng VietinBank nhưng Tòa án quyết định lỗi là do Huyền Như, Huyền Như phải trả.

“Tôi rất băn khoăn, điều đó có nghĩa là trong vụ việc này, khách hàng nào gửi tiền vào Ngân hàng VietinBank cũng có thể bị Tòa án tuyên là Huyền Như chịu trách nhiệm, còn VietinBank không có trách nhiệm bồi thường. 4000 tỷ thất thoát bao nhiêu, Huyền Như có thể bồi thường được bao nhiêu? Môi trường kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng nếu như tư pháp không bảo đảm được rằng các quy định của pháp luật được xét xử một cách có căn cứ, minh bạch, công bằng”, ông Doanh nói.

Theo quan điểm của ông Doanh, nếu như phiên phúc thẩm tới đây vẫn giữ nguyên quyết định này thì người gửi tiền tiết kiệm có thể cân nhắc giữa gửi tiền ở VietinBank với ngân hàng khác.

Như Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn đã thông tin trong nhiều bản tin về vụ án, phiên xử Huỳnh Thị Huyền Như, trong phiên xét xử sơ thẩm tháng 1/2014, Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ của ngân hàng Công thương Việt Nam – Vietinbank chi nhánh TP HCM, bị tuyên án tù chung thân.

Như và các đồng phạm khác đã đưa ra mức lãi suất cao để dụ các tổ chức, cá nhân sau đó thực hiện hàng loạt hành vi gian dối như làm giả 8 con dấu của các đơn vị, giả chữ ký và lừa luôn lãnh đạo Vietinbank để chiếm đoạt tổng cộng gần 4.000 tỷ đồng của 3 ngân hàng, 9 công ty và 3 cá nhân.

Tại phiên xử sơ thẩm, Tòa án tòa bác bỏ quan điểm của các luật sư cho rằng, hợp đồng tiền gửi với ngân hàng VietinBank là thật và buộc VietinBank phải có trách nhiệm bồi thường. Tòa tuyên buộc Như phải có trách nhiệm chính trong việc bồi thường cho các bị hại.

Sau phiên xét xử sơ thẩm hàng loạt nguyên đơn, bị hại đã kháng cáo. Ngân hàng thương mại cổ phân Á Châu (ACB) kháng cáo toàn bộ nội dung bản án liên quan đến ngân hàng này và tiếp tục yêu cầu Vietinbank phải có trách nhiệm trả số tiền hơn 718 tỷ đồng mà Huyền Như chiếm đoạt.

Các nguyên đơn khác gồm Công ty cổ phần chứng khoán Phương Đông (ORS), Công ty cổ phần chứng khoán Toàn Cầu, Công ty An Lộc, Ngân hàng Nam Việt (Navibank)... cũng cho rằng tòa sơ thẩm đã vi phạm tố tụng khi xác định không đúng tư cách tham gia tố tụng của VietinBank và các đơn vị này trong vụ án.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư